Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers

24/07/2024 08:26:17

Câu hỏi nhiều netizen đã đặt ra sau trường hợp Duy Muối: “Một người như vậy, mà có thể coi là Người có sức ảnh hưởng à?”

Vài ngày trước, Duy Muối - một trong những Influencer (Người có sức ảnh hưởng) nổi tiếng nhất trong ngành review Công nghệ, đã đăng tải một comment cợt nhả gây phẫn nộ, ngay trong thời điểm Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời và cả nước đang hướng về thương tiếc khôn nguôi.

Sau đó, khi nhận phải vô vàn những chỉ trích, Duy Muối mới đăng đàn gửi lời xin lỗi.

Vừa mới đây, anh ta đã bị đình chỉ công tác và bãi nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo ở chính công ty của mình, và phải đóng toàn bộ tài khoản mạng xã hội. Công ty cũng cho biết trong thông báo mới nhất, Duy Muối đã phải chủ động lên trình diện và làm việc với cơ quan chức năng.

Nhưng, thế là chưa đủ để nói về bức tranh hỗn loạn và độc hại mà rất nhiều những Influencers tự phong đã tạo ra trong vài năm qua, khi mà sáng tạo nội dung trên MXH lên ngôi - cơ hội nổi tiếng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Câu hỏi nhiều netizen đã đặt ra sau trường hợp Duy Muối: “Một người như vậy, mà có thể coi là Người có sức ảnh hưởng à?”

Nghề Influencer (Người có sức ảnh hưởng)

Cách đây hơn 2 năm, tôi có trò chuyện với một bạn nữ để mời tham gia một talkshow mà tôi đang thực hiện. “Công việc của em là một Influencer trên mạng xã hội” - bạn nói khi được tôi hỏi về nghề nghiệp của mình. Phải nói là tôi khá bất ngờ. Tôi đã làm việc trong ngành này được 12-13 năm, đã tiếp xúc với tất cả các hot boy, hot girl, celeb kể từ khi họ còn mới được biết đến. Thế nhưng, đó là lần đầu tiên, một bạn trẻ nói với tôi rằng bạn làm nghề Influencer.

Bất ngờ hơn là bởi đến thời điểm tôi đặt ra câu hỏi đó, Instagram của bạn có khoảng gần 20k followers, cũng đã có một vài video TikTok được viral. Đây là một con số khá khiêm tốn, thậm chí có thể nói là dưới trung bình. Việc nhận mình là một Influencer thể hiện tham vọng của bạn trong việc muốn trở nên nổi tiếng từ việc chia sẻ nội dung trên mạng xã hội và sự nghiêm túc của bạn trong việc theo đuổi con đường này một cách lâu dài.

Cuộc trò chuyện nhỏ đấy làm tôi thay đổi góc nhìn về cái gọi là nghề Influencer. Nếu như trước đây, sự nổi tiếng tìm đến một vài cá nhân xuất sắc và độc đáo như một thứ vận may, thì ở thời điểm hiện tại, các bạn trẻ đã có sự xác định và một chiến lược rõ ràng để xây dựng thương hiệu và trở nên nổi tiếng. Mặt phẳng của mạng xã hội mang đến cơ hội được cất tiếng nói cho bất cứ ai, đồng thời phân phát tấm vé trở thành người nổi tiếng một cách hào hiệp.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers

Dĩ nhiên, hệ quả của việc ai cũng có thể dễ dàng trở nên nổi tiếng, đó là chúng ta có một hệ sinh thái người nổi tiếng/ influencer/ KOL… thượng vàng hạ cám. Bất cứ tài khoản nào có nghìn like hay chục nghìn view cũng có thể được gọi là một Influencer khi tiếng nói của họ được đông đảo một nhóm người lắng nghe. Và khi danh tiếng được trao vào tay những người khao khát nó nhưng không có sự chuẩn bị về tư duy và ý thức trách nhiệm với nó, chúng ta có những Influencer sẵn sàng làm đủ mọi thứ để được chú ý, vô tư đến mức vô ý thức trong việc thể hiện bản thân trên không gian mạng, chạy theo mọi sự kiện và trào lưu một cách bất chấp.

Với một công việc mà tạo ra nội dung thú vị và độc nhất là điều kiện để sinh tồn, trong vài trường hợp, việc mờ mắt tìm cách để ăn theo và thể hiện mình khác biệt cũng là một sự độc ác và kém văn minh.

Tay nhanh hơn trí khôn

Nếu lên Google và tìm kiếm key words: KOL gây phẫn nộ, bạn sẽ nhận được hàng triệu kết quả trả về với những đường link các câu chuyện KOL lỡ miệng, KOL lệch chuẩn, KOL bị… bóc phốt.

Tôi luôn nghĩ rằng cách mỗi người chúng ta thể hiện bản thân qua câu chữ, qua các ứng xử - là điều nói lên rõ nhất con người của bạn là ai. Mỗi người đều có thể tự khẳng định: Tôi là người tốt, văn minh và có học thức. Nhưng đó chỉ là điều họ nói và họ nghĩ về mình. Việc mỗi người thật sự là ai chỉ thật sự hé lộ qua cách họ ứng xử với các sự việc trong cuộc sống, cách họ chia sẻ qua lời nói, qua câu chữ trong những hội thoại thường ngày với bạn bè.

Với hệ quy chiếu đấy, tôi nhìn thấy đằng sau vẻ đẹp lấp lánh của một vài hotgirl, đằng sau sự hoạt ngôn/ thú vị/ hài hước của một vài anh Influencer - lại hóa ra là những kẻ thờ ơ, cợt nhả, vô tâm và thiếu văn hóa. Nguy hiểm hơn, với lượt view, lượt like và comment thuộc hàng khủng - họ đã tưởng thế là hay và cho rằng người khác chỉ đang khắt khe với mình mà thôi.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 1

Một người có sự tôn trọng tới bất cứ ai, sẽ không sử dụng lời nói và sức ảnh hưởng của mình để tấn công người khác. Đó là hành động của những kẻ vô tâm, vô duyên và vô cảm.

Một người có học thức sẽ hiểu rằng không phải chuyện gì cũng có thể lôi ra làm trò đùa, nhất là sự ra đi của một người đáng kính. Đó là hành vi của một kẻ thiếu văn hóa, một sự cợt nhả và ngu dốt có thể gây tổn thương đến người khác.

Một người có trí tuệ cảm xúc (EQ) đủ cao - sẽ không dùng những bức hình sexy của bản thân và chèn filter đen/ trắng, chỉ để kịp hòa vào không khí tiếc thương mà họ tưởng đó là một xu hướng. Đó là hành động của những kẻ nông cạn và luôn tìm kiếm sự chú ý, ngay cả khi họ đang muốn thể hiện tình cảm với một người đáng kính.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 2

Đứng trước sự phản đối dữ dội sau khi lỡ làng làm một chuyện gì đó gây phẫn nộ, ai đó có thể nói rằng họ lỡ lời, họ bị hack một cách không mong muốn, họ không cố ý - nhưng điều đó cũng nói lên rằng, trong một phút giây nôn nóng không muốn chậm trễ việc hòa vào đám đông, họ đã để lộ ra những góc xấu xí mà họ đã luôn khôn khéo giấu bên trong, hoặc chưa từng nhận ra là mình có những khiếm khuyết đó.

Khi để cái tay nhanh hơn cái trí khôn, họ đã không đủ thời gian và tỉnh táo để che lấp sự thiếu hiểu biết, thờ ơ và ích kỷ vẫn tồn tại bên trong mình bấy lâu. Và chỉ cho đến khi phải nhận về sự giận dữ của cộng đồng, họ mới hốt hoảng nhận thức được mình đã làm sai ở đâu đó và tìm cách chống chế dù đã quá muộn.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 3

Không phải chủ đề nào cũng là cái cớ để làm nội dung

Làm việc trên môi trường mạng xã hội kể từ khi nó xuất hiện tại Việt Nam, tôi hiểu rõ ma lực của sự nổi tiếng trên mạng có thể khiến nhiều người chấp nhận đánh đổi sự tỉnh táo của mình như thế nào. Người ta tự tìm ra những công thức riêng để nhận được chú ý mỗi khi có các sự kiện lớn nhỏ xảy ra. Khao khát được khen là thú vị, được quảng bá hình ảnh, được trở nên độc đáo… đã khiến nhiều người lao vào một cuộc đua để mình không nằm ngoài mọi chủ đề có thể tạo viral. Họ tìm mọi cách để thể hiện bản thân ở những góc độ lạ lùng nhất.

Bày tỏ những quan điểm đi ngược với đám đông - điều đó ổn. Thể hiện sự hài hước và châm biếm khác người - cũng chẳng sao. Khoe hình ảnh đẹp của bản thân để được nhiều like - quá bình thường. Đu trend để không bỏ lỡ một sự kiện đang hot - Một người làm Influencer có tâm là phải thế!

Nhưng, ở trên đời, có những quy luật cơ bản về cách làm người và làm nghề. Cũng có những thứ được gọi là căn bản trong nguyên tắc ứng xử, nhất là với các sự kiện trang nghiêm. Dù nghề Influencer có đòi hỏi bạn phải trở thành một cá nhân độc nhất đi ngược lại với số đông ra sao, hay buộc bạn phải luôn bám theo những trào lưu mới trên mạng xã hội như thế nào - bạn cũng không thể đặt mình ngoài những luật lệ cơ bản của việc làm người. Và luật lệ đó đòi hỏi bạn phải có những thái độ đúng mực nhất định khi tiếp cận với một vài sự kiện và hiểu rằng, không phải chủ đề nào cũng là cái cớ để mình làm nội dung thể hiện bản thân.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 4

Mỗi nghề nghiệp thường có một nền tảng đạo đức riêng làm ngọn hải đăng cho mỗi người đi đúng hướng. Giống như có lương y và có cả lang băm, Influencer cũng sẽ có những người tạo ra những giá trị tốt và cả những kẻ mang đến những nội dung rác. Với một công việc tạo ra sức ảnh hưởng trực tiếp tới con người như Influencer hay KOL - việc xác định một nền tảng đạo đức cơ bản của mỗi người làm nghề lại càng trở nên thiết yếu.

Nền tảng đạo đức đấy là gì? Khi một Influencer trở nên nổi tiếng, họ nhận được sự yêu mến và cả niềm tin của khán giả vao con người họ. Vậy nên, dù họ có cá tính, nổi loạn đến thế nào, họ cũng không thể đi chệch hướng của việc làm người tử tế. Công chúng không yêu cầu người mình yêu mến bắt buộc phải có bằng đại học, phải kiếm được hàng chục tỷ ở tuổi 20, càng không yêu cầu thần tượng của mình nói được 10 thứ tiếng cùng một lúc. Nhưng, để làm một người có sức ảnh hưởng và xứng đáng với sự tin yêu của khán giả đó, Influencer/ KOL buộc phải là một người có hiểu biết về lễ nghĩa, tử tế và văn minh. 

Hiểu biết về lễ nghĩa để biết cách ứng xử cơ bản giữa con người và con người. Tử tế để nhìn nhận và chia sẻ quan điểm trên nền tảng tôn trọng và yêu thương người khác. Văn minh để góp phần tạo ra một môi trường mạng xã hội sạch sẽ và lành mạnh. Sự tử tế và văn minh đó sẽ là thứ cốt lõi để Influencer/ KOL xây dựng các nội dung của mình và ứng xử với khán giả và các sự kiện trong cuộc sống. Từ đó, lan truyền những giá trị tích cực dựa trên cá tính của chính con người mình.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 5

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 6

Trong thời đại mà chỉ cần 20k followers là bạn cũng có thể coi là một vốn liếng đủ để trở thành Influencer, việc ý thức những trách nhiệm cơ bản của công việc này cũng là một bộ kỹ năng quan trọng. Thậm chí, ý thức trách nhiệm đó nên đến trước những toan tính làm sao để có được nghìn like và triệu view.

Làm một người có sức ảnh hưởng không chỉ là được nghìn like cho một bức hình hay hàng triệu view cho một video, đó còn là sự tinh tế khi nhận biết được đâu là thứ mình có thể làm và đâu là thứ mình phải thể hiện sự nghiêm túc và chân thành. Bạn cần nhiều kiến thức xã hội hơn là mờ mắt chạy theo để tóm nhanh một sự kiện có vẻ như đang là trào lưu hot. Bạn cần sự hiểu biết để ngồi xuống cân nhắc xem mình nên tiếp cận với nội dung này như thế nào để phù hợp với tính chất và thời điểm nào là hợp lý. Ngày xưa, ông bà bố mẹ chúng ta bảo “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" - ý rằng hãy suy nghĩ, lật đi lật lại, để đảm bảo rằng đó là điều đã được cân nhắc kỹ càng khi nói ra. Còn với thời buổi ngày nay, khi chúng ta sống với MXH, với bàn phím máy tính, với bàn phím điện thoại, thì có lẽ rằng bạn cần… gõ phím 7 lần trước khi ấn post, để xem thật sự nội dung này đã đúng đắn và tử tế hay chưa?

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 7

Trên mạng, có một cái meme mà tôi rất tâm đắc, đó là hình chú thỏ trong bộ phim hoạt hình Bambi. Trong hình thỏ nói: Nếu không thể nói gì tốt đẹp, tốt nhất đừng nên nói. Tôi xin tặng các bạn Influencer và KOl bức hình meme này, bởi tôi biết, trong nhiều trường hợp, các bạn không có ý xấu để chia sẻ những năng lượng tiêu cực, chỉ là phông kiến thức không đủ, trí tuệ cảm xúc (EQ) không cao - khiến các bạn tưởng hành động của mình là vô hại. Hãy nhớ: Vì một môi trường mạng xã hội lành mạnh, vì một công việc Influencer sẽ không bị mang tiếng bởi những vụ phốt vạ miệng không phanh. Khi không thể nói gì tốt đẹp, đừng nói.

Từ comment gây phẫn nộ của Duy Muối, đâu là đạo đức của Influencers - 8

Theo Diệp Nguyễn - Thiết kế Hoàng Sơn (Nguoiduatin.vn)