Ly dị vì mẹ chồng nhất quyết không cho con dâu đứng tên sổ đỏ

31/07/2024 10:06:28

Lời qua tiếng lại, mọi chuyện thành không cứu vãn được, chị nhất quyết chia tay anh, người chồng mà như chị kết luận "có xảy ra chuyện mới biết lòng dạ, tâm địa con người!".

Vợ chồng họ đã nộp đơn ly hôn ra toà, đang chờ ngày toà gọi giải quyết. Nhưng người chồng cảm thấy băn khoăn nên gọi điện thoại cho Thanh Tâm chia sẻ. Có lẽ, trong lòng anh ấy cũng nhận ra mình giải quyết vấn đề chưa thoả đáng, để sự nóng giận tức thời làm tổn thương tình cảm của vợ, đẩy vợ chồng ra toà.

Anh bảo, đến tuổi này rồi, vợ chồng làm ăn có của ăn, của để, tự lo được cho con cái rồi, đâu cần phải làm khổ nhau vì mảnh đất thừa kế thế này cơ chứ!

Đầu đuôi câu chuyện của anh là bỗng dưng mẹ anh, một cụ bà gần 90 tuổi vẫn minh mẫn, mạnh khoẻ, quyết định chia đất cho các con. Nhà anh có 3 anh em. Anh cả ra nước ngoài làm ăn đã định cư ở đó gần 40 năm. Em gái anh lấy chồng và làm việc tại Vĩnh Long. Anh lấy chị và sống cùng bố mẹ.

Bố anh mới mất năm ngoái, sau hơn 2 năm bị tai biến nằm bẹp trên giường. Chị là một hộ lý, đã hướng dẫn anh và các con chăm sóc bố anh chu đáo. Hơn 30 năm làm dâu, chị chưa bao giờ khiến cho mẹ anh phải nặng lời.

Ly dị vì mẹ chồng nhất quyết không cho con dâu đứng tên sổ đỏ

Mẹ anh quyết định chia cho anh chị một nửa diện tích đất, là toàn bộ mảnh vườn, còn nhà và sân chia cho anh cả và em gái anh. Nhưng bà lại yêu cầu chỉ cho mình anh đứng tên. Lúc biết ý định của mẹ chồng, chị buồn lắm, khóc mấy đêm.

Nhưng rồi chị cũng thông là mẹ già rồi, mẹ muốn gì thì chiều mẹ. Chỉ có điều, anh trai và em gái không có ý định về quê, nên để cho 2 người mảnh vườn, còn vợ chồng anh chị ở nhà, sau này lo hương khói, thờ cúng luôn. Anh cũng thấy như thế là hợp lý nhưng mẹ anh lại cứ khăng khăng giữ ý của mình, còn bảo chị "có phần đâu mà cứ có ý kiến".

Lần này như giọt nước tràn ly, chị đòi được đứng tên cùng anh bằng được. Ma xui quỷ khiến thế nào, anh đã không động viên vợ, không hỏi rõ ý của mẹ, lại còn bảo, đằng nào chị chả ở cùng anh, có khác gì đâu mà cứ phải hơn-thua. Thế là chị giận, cho rằng cả nhà anh không tôn trọng chị, không yêu thương chị, có phục vụ thế nào cũng chỉ là người ngoài.

Lời qua tiếng lại, mọi chuyện thành không cứu vãn được, chị nhất quyết chia tay anh, người chồng mà như chị kết luận "có xảy ra chuyện mới biết lòng dạ, tâm địa con người!". Anh giận quá cũng gật đầu cái rụp. Bây giờ nghĩ lại, anh rất áy náy, không muốn ly hôn.

Thanh Tâm nghĩ rằng, anh hoàn toàn có thể giải quyết việc này mà không làm tổn thương đến chị, không phải để chị lên tiếng trong việc với mẹ anh. Nhìn vào cách ứng xử của vợ anh, cô ấy là người biết điều, chỉ là trong phút nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc tủi thân khi thấy chồng cũng hùa theo cách giải quyết của mẹ.

Trước hết, hãy tổ chức một cuộc họp gia đình online với gia đình anh trai và em gái để thảo luận về mong muốn của mẹ. Nếu như đó cũng là điều anh chị và các anh em mong muốn thì cần nói rõ về mong muốn của mình khi chia đất.

Sau khi các anh chị em đã thống nhất thì chuẩn bị văn bản thừa kế, giấy tờ uỷ quyền để xử lý các thủ tục hành chính có liên quan rồi để mẹ điểm chỉ hoặc ký vào. Đây chỉ là thủ tục để mẹ anh yên tâm, còn quan trọng hơn là 3 anh em thống nhất được mọi điều khoản với nhau, không tranh giành gì sau này.

Còn về việc đứng tên thừa kế, anh chị có thể nói chuyện riêng với nhau. Anh sẽ nói chuyện với mẹ trước để hiểu lý do tính toán của bà. Khi hiểu rõ rồi mà thấy không hợp lý, anh cần phải thuyết phục bà. Nếu bà vẫn dứt khoát thì cứ làm thủ tục đứng tên của anh. Sau đó, anh chị làm thủ tục cùng đứng tên.

Theo Thanh Tâm (Phụ nữ Việt Nam)