Loại quả có thể thay thế thịt trong tương lai
Mít là loại quả không mấy xa lạ với người Việt Nam. Loại trái cây thơm ngon này được trồng khắp trên nước ta và được nhiều người ưa thích vì thơm ngon.
Ít ai biết được một loại quả bình dân như mít lại được thế giới lại ca tụng là thực phẩm bổ dưỡng. Thông tin đăng tải trên VTV cho biết mít có thể là thay thế cho thịt động vật vì chứa lượng dinh dưỡng như: chất xơ, kali, kẽm... dồi dào.
Bà Kavita Devgan (Chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ) nhận định: “Mít cung cấp nhiều chất xơ, mà chất xơ lại rất tốt cho chúng ta. Nó cung cấp cho chúng ta vitamin A, C, vitamin B, magie, canxi, sắt và thậm chí nhiều loại khoáng chất vi lượng khó có thể tìm thấy trong các loại quả khác”.
Mít được dùng làm thuốc
Ngoài giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ, mít còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh trong y học cổ truyền.
Theo bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng, Uỷ viên thường trực Hội Nam Y Việt Nam, mít có tên gọi khác là: bà la mật, mắc mị, may mí, quả mít chín rất bổ dưỡng.
Bác sĩ Hữu Trọng cho hay, trong y học cổ truyền quả mít non có vị chát, tính bình có tác dụng lợi sữa. Còn múi mít có vị ngọt, tính ấm, bổ dưỡng, có tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ âm nhiệt.
Trong cùi mít khô có có các đường fructoza, glucoza, tinh dầu thơm, protid, các muối khoáng như: Ca, P, Fe, các vitamin B2, C và Carotene (tiền sinh tố vitamin A). Cùi mít là thuốc bồi bổ cơ thể, trừ chứng âm nhiệt, giải rượu.
Hạt mít luộc ăn hoặc phơi khô có thể dùng làm thuốc. Hạt mít có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư dưỡng ích khí, thông sữa. Trong hạt mít có tinh bột, protid, lipid và muối khoáng, ngoài ra còn có chất men ức chế tiêu hóa trong ruột. Do đó, ăn hạt mít dễ gây đầy hơi, trung tiện (xì hơi) nhiều, bác si Hữu Trọng nói.
Thân gỗ của cây mít chứa các hợp chất polyhydric, flavon và các chất màu. Thân gỗ có tác dụng an thần, làm hạ huyết áp hoặc chữa những trường hợp co quắp.
Lá mít có vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng lợi sữa, lợi tiêu hóa, an thần. Phụ nữ sau sinh ít sữa dùng lá mít nấu uống giúp ra sữa.
Bài thuốc hay từ mít
Dưới đây là một số bài thuốc hay có sử dụng mít được lương y giới thiệu:
- Chữa sinh con ít sữa: Lá mít non 30g, lá chè tươi 50g. Nấu nước uống hàng ngày thay chè.
- Chữa ăn không tiêu, đi ngoài phân lỏng: Lá mít non sao vàng 30g, nam mộc hương hoặc mộc hương 12g. Cho 400ml nước sắc còn 200ml, chia thành 2 lần uống, ngày dùng 1 thang.
- Chữa khó ngủ, huyết áp cao: Lá mít non 20g, gỗ mít hoặc vỏ thân cây mít 20g. Sao thơm cả 2 thứ, cho vào 400ml nước, sắc còn 200ml nước thuốc, chia 2 lần uống (sáng – tối), ngày dùng 1 thang.
- Chữa ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa do ăn thức ăn sống lạnh: Lá mít 20g sao vàng sắc với 550ml nước đến khi còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày. Có thể phối hợp thêm với nam mộc hương 12g, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 - 50ml.
- Chữa tưa lưỡi cho trẻ em: Lấy 30g lá mít vàng, rửa sạch, phơi cho thật khô rồi đốt cháy thành than, trộn với mật ong, bôi vào chỗ tưa lưỡi 2 lần trong ngày (sáng - tối) trước khi đi ngủ.
- Thuốc an thần: Dùng lá và vỏ mít mỗi thứ 30g, nấu với 300ml nước đến khi còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 5-7 ngày.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Ăn mít thường xuyên sẽ bổ sung nguồn Vitamin C cho cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Mít là vị thuốc lành tính, tuy nhiên việc sử dụng mít làm thuốc để phát huy hiệu quả cần phải tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)