Thời gian thấm thoắt thoi đưa, họp lớp cũng ngày càng nhiều thay đổi. Nguyên nhân chính là sự đổi thay của người tham dự. Những năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, mọi người đều chưa có nhiều điều mới mẻ, tình bạn vẫn tương đối sâu sắc nên bữa tiệc thường sôi nổi, vui vẻ trò chuyện mà không có áp lực gì.
Theo năm tháng, ai nấy đều bận rộn hơn, khó liên lạc với nhau hơn. Ngoại hình của nhiều người cũng khác hẳn trước đây vì thời gian không bỏ sót một ai. Lúc này dù mọi người có gạt hết công việc sang một bên để gặp bạn cũ đi chăng nữa thì cũng khó có sự hoà hợp, thấu hiểu. Và khi không có sự đồng điệu về mặt nào đó như tính cách, công việc,... tình bạn sẽ trở nên yếu ớt, đến mức khó mà cảm nhận được.
Sự đoàn tụ của những người bạn cũ cũng vì vậy mà mất đi nghĩa quý giá nhất. Thay vì một dịp thư giãn, giải tỏa áp lực và ôn lại kỷ niệm xưa thì họp lớp bỗng dưng trở thành nguồn cơn gây căng thẳng, trở thành gánh nặng cho mọi người. Có buổi họp lớp như vậy là điều đáng tiếc! Nhưng may mắn thay, vẫn còn nhiều người lặng lẽ trân trọng tình bạn tuổi học trò.
Khi còn đi học, gia đình Trần Nghị tương đối nghèo. Thể chất của anh khi đó tương đối yếu đuối nên thỉnh thoảng có một số học sinh lớp khác công khai bắt nạt. Lúc này, chính những người bạn cùng lớp đã bên vực và giúp đỡ Trần Nghị. Họ thường quan tâm và chăm sóc cậu bạn thiệt thòi, giúp cho Trần Nghị có thời gian đi học dễ thở hơn nên anh vô cùng biết ơn.
Sau khi tốt nghiệp, Trần Nghị rời quê nhà, lên thành phố lập nghiệp. Kể từ đó anh chưa từng tham dự buổi họp lớp nào và mọi người cũng hiếm khi nghe thấy tin tức về anh. Dần dần ai đều bận nên mọi người cũng ngừng tổ chức họp lớp.
Cách đây vài năm, Trần Nghị về quê vì công việc. Sau khi trở về, anh đã đến thăm trường cũ và không khỏi xúc động khi nghĩ đến những người bạn cũ đã từng giúp đỡ mình và áy náy vì không nói chuyện với ai kể từ khi ra trường.
Nhớ ra mình có một người quen mở nhà hàng lớn ở quê, Trần Nghị liền liên lạc ngay. Người này cho biết nếu anh tổ chức họp lớp ở nhà hàng mình sẽ giảm giá 10% vì mối quan hệ riêng của cả 2. Sau đó Trần Nghị lần lượt gọi điện cho những người bạn cùng lớp năm xưa, rủ mọi người tổ chức họp lớp.
Cũng đã lâu không gặp nhau nên nhiều người nhanh chóng đồng ý. Ngày tổ chức tiệc, Trần Nghị có mặt từ rất sớm và đợi mọi người trong phòng tiệc. Trong suốt bữa ăn, cả lớp vui vẻ trò chuyện với nhau, không quên thống nhất phương án sẽ chia đều tiền ăn hôm nay.
Sau khi đồ ăn và đồ uống được gọi lên hết, Trần Nghị chủ động đứng ra thanh toán trước vì không muốn mọi người phải chờ đợi chia tiền lắt nhắt ở cuối buổi. Mọi người cũng đồng ý sẽ thanh toán trước cho thoải mái ăn uống và Trần Nghị cho biết mỗi người sẽ gửi lại cho mình 600 NDT (khoảng 1 triệu đồng). Bỗng dưng có người nói: “Chỉ có ngần này đồ ăn thức uống mà sao đắt thế?”.
Hoá ra người bạn này nghi ngờ Trần Nghị khai khống số tiền để kiếm chác. Nhưng anh chưa kịp trả lời thì một người khác đã lên tiếng thay: “Cậu nhìn xem, với một nhà hàng lớn thế này, thiết kế và chất lượng phục vụ thế này thì bỏ ra số tiền đó vẫn còn rẻ chán đấy!”.
Nhưng kỳ thực trong lòng người này vẫn lấn cấn, cho rằng Trần Nghị ăn chặn của bạn cũ. Vì vậy nhân lúc mọi người không để ý, anh ta liền rủ người bạn ngồi bên cạnh ra quầy lễ tân và đòi xem hoá đơn.
Khi người nhân viên đưa tờ hoá đơn ra, người này không khỏi choáng váng. Hoá ra Trần Nghị không những không khai khống mà còn nhờ mối quan hệ của mình để được giảm giá đồng thời đóng thêm 1000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng). Lúc này anh ta không còn gì để nói, chỉ cảm thấy gương mặt nóng bừng vì xấu hổ.
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng trên thực tế, đôi khi phải cẩn thận để lợi ích của bản thân không bị xâm phạm trong những buổi họp lớp. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng ta cũng không cần phải quá nghi ngờ bạn cũ, để bản thân không thoải mái.
Theo S.A (Phụ Nữ Mới)