Hồi cấp 3, bạn bè cùng lớp chính là những người tri kỷ nhất trong cuộc đời tôi. Mỗi ngày, thời gian tôi ở chung với họ còn nhiều hơn cả bố mẹ và gia đình. Chúng tôi cùng nhau học, cùng ăn cơm, cùng đạp trên chiếc xe cà tàng đến các lớp ôn thi,...tình bạn như thế thật đáng trân trọng suốt đời.
Tuy nhiên, khi lớn lên, chúng tôi ngày càng xa cách nhau. Điều này cũng dễ hiểu, bởi mỗi người một cuộc sống, ai cũng có công việc riêng và một gia đình nhỏ cần chăm lo.
Năm ngoái, tôi bất ngờ được mời vào trong một nhóm chung mang tên lớp A1. Ở đây có đầy đủ hết 50 thành viên.
Sau đó, Lý Cường - lớp trưởng thông báo: Thứ 7 tới, cả lớp sẽ họp mặt sau 20 năm ra trường, hi vọng tất cả mọi người sẽ tham gia đầy đủ.
Đến ngày hẹn, tôi có mặt gần như sớm nhất bởi tôi rất hào hứng gặp các bạn. Nhưng 2 tiếng chờ đợi trôi qua, chỉ có 20 bạn đến dự. Sau đó, chúng tôi ngồi vào bàn tiệc, bắt đầu nâng ly chúc mừng nhau rồi ai nấy đều vui vẻ hàn huyên tâm sự và hồi tưởng lại quá khứ.
Mọi chuyện đang vui thì lớp trưởng bắt đầu chuyển đổi câu chuyện bằng cách kể lể về bản thân. Anh ta đưa cho mỗi người 1 chiếc danh thiếp, bên trên ghi Lý Cường - tổng giám đốc công ty xây dựng ABC.
Cường nói, ngày xưa nhà nghèo nên sau khi tốt nghiệp đại học luôn cố gắng làm ăn. Ban đầu cũng thua lỗ nhiều, nhưng về sau nhờ trời thương nên giờ sở hữu tài sản khá lớn. Cường cũng không quên khoe quen biết rất nhiều quan chức, đi nước ngoài như cơm bữa, và từng lo công việc cho hàng trăm người.
Thấy vậy, tất cả mọi người đều hân hoan chúc mừng Cường, ai cũng tranh thủ xin số điện thoại liên lạc và nhân tiện giới thiệu người thân để mong Cường chiếu cố.
Cuối buổi, Cường thông báo hôm nay sẽ mời tất cả mọi người, không ai phải bỏ tiền ra nữa. Tất cả lớp liền vui vẻ, vỗ tay hoan hô vang rội.
Ba ngày sau, bất ngờ tôi thấy số điện thoại lạ gọi đến, hóa ra là Lý Cường. Sau vài câu thăm hỏi, Cường nói bây giờ đang có kế hoạch làm ăn lớn, cần phải huy động vốn gấp nên mong tôi cho vay 500.000 tệ (hơn 1,7 tỷ đồng). Cường hứa sẽ trả lãi cao theo từng tuần và viết giấy cam đoan để tôi an tâm.
Vì quá bất ngờ nên tôi thoáng ngập ngừng rồi quyết định từ chối. Tôi nói vì con gái mới vào đại học nên đã dồn hết tiền tiết kiệm để mua nhà cho nó nên bây giờ chẳng còn bao nhiêu.
Cường chưa vội từ bỏ, anh ta còn nhờ tôi đi vay giúp các bạn trong lớp vì sau khi kết bạn mạng xã hội nên biết có nhiều bạn khá giàu có.
Song, tôi nói từ trước đến nay chưa từng đi vay nợ ai, huống chi đã 20 năm rồi mới gặp lại bạn bè vào buổi họp lớp hôm trước nên không dám đi vay. Đến đây, Cường đáp lại qua loa rồi cúp máy.
Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cho đến khi chỉ một tuần sau đó mới hiểu rõ ra chân tướng sự việc.
Buổi sáng hôm ấy, tôi cùng con gái đi ăn sáng thì gặp An - người bạn khá thân với tôi khi xưa. Thấy tôi, An liền vội chạy tới với vẻ mặt gấp gáp hỏi: "Cậu biết tin gì về Cường chưa, cậu có từng cho hắn ta vay tiền không"
Tôi ngơ ngác đáp lại: "Vay tiền? Mình không có"
An tiếp tục: "Ôi thế thì tốt, cậu lên mạng ngay đi. Sau buổi họp lớp, Cường đã đi vay rất nhiều bạn trong lớp để kêu gọi vốn đầu tư, người nào ít thì vài trăm triệu, người nào nhiều thì cả tỷ bạc. Hắn hứa sẽ trả lãi theo tuần và chia cả cổ phiếu công ty cho mọi người.
Bởi hắn có cái mác tổng giám đốc nên rất nhiều bạn đã tin tưởng đưa tiền cho hắn. Cuối cùng đến ngày lĩnh tiền lãi thì số điện thoại chẳng liên lạc được, công ty của Cường cũng là công ty ma. Lớp mình đang nháo nhác cả lên".
Tôi nghe xong mà không tin nổi rằng đây là sự thật, hóa ra vẻ hào nhoáng bên ngoài của Cường chính là công cụ để hắn câu dẫn các nạn nhân cắn câu. Thật may mắn vì tôi đã không tham lam để mắc bẫy của hắn, nếu không thì giờ này chắc cả nhà phải bán đất đai mà trả nợ.
Ngay lập tức tôi vào nhóm lớp nghe ngóng qua tình hình rồi thoát khỏi ra ngoài. Tôi rất trọng tình bạn nhưng không phải theo cách lừa gạt nhau như thế này.
Theo Nguyễn Phượng (Nguoiduatin.vn)