"Harvard bốn rưỡi sáng" đã lừa bao nhiều người?

08/12/2016 10:17:00

Ngay tại Trung Quốc, cuốn sách "Harvard, bốn rưỡi sáng" cũng bị chỉ trích rằng thông tin không chính xác.

Ngay tại Trung Quốc, cuốn sách "Harvard, bốn rưỡi sáng" cũng bị chỉ trích rằng thông tin không chính xác.

Ngày 16/9, Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho đăng tải bài viết "Harvard bốn rưỡi sáng đã lừa bao nhiêu người?" của tác giả Zhang Tiankan (Trương Điền Kham). Bài viết được dẫn lại từ "Bắc Kinh Thanh Niên Báo".

'Harvard bốn rưỡi sáng' đã lừa bao nhiều người?
Bức ảnh lan truyền trên các trang mạng Trung Quốc với tựa đề cảnh tượng tại thư viện Đại học Harvard lúc 4 rưỡi sáng.

Xin đăng lại bản dịch bài viết này:

'Harvard, bốn rưỡi sáng' ban đầu được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng. Sau đó, đến tháng 1/2012 thì được Nhà xuất bản Nhân dân An Huy xuất bản thành sách.

Điều mà cuốn sách này mô tả là, lúc hơn 4h sáng tại thư viện Đại học Harvard, đèn vẫn sáng, không còn một chỗ trống, các sinh viên chăm chỉ đã ngồi đầy thư viện, đọc sách trong yên lặng, chăm chỉ ghi chép, suy nghĩ các vấn đề…

Bất kể là sách hay tác phẩm văn chương thì vấn đề trọng tâm mà tác giả muốn truyền đạt là: Lúc này mà ngủ gật thì bạn sẽ nằm mơ, còn tỉnh dậy học tập thì bạn sẽ có được giấc mơ của mình.

Tuy nhiên, Li Zhayuan (Lý Giá Viễn), tốt nghiệp Trường ĐH Yale (Mỹ), vừa vào học MBA tại Đại học Harvard cuối tháng 8 vừa qua, dựa vào chính trải nghiệm và điều tra của bản thân đã chứng minh rằng, "Cảnh tượng thư viện Đại học Harvard lúc bốn rưỡi sáng" lan truyền trên mạng chẳng qua chỉ là tưởng tượng.

Bốn rưỡi sáng ở Đại học Harvard kỳ thực cũng giống như bao trường đại học trên thế giới, trong đó có cả các trường đại học của Trung Quốc, bất kể là sinh viên hay nhân viên đều đang say giấc nồng. Nhận thức được điều này là rất quan trọng.

Điều tra của Li Zhayuan được chia làm 3 phần. Một là tra cứu tư liệu trên website chính thức của Đại học Harvard. Hai là từ lời kể của chính sinh viên đại học Harvard. Ba là, trực tiếp đến các thư viện của Đại học Harvard.

Trong số 80 thư viện của Trường ĐH Harvard, chỉ có thư viện The Lamont là mở cửa 24 giờ. Các thư viện khác hầu hết đều đóng cửa lúc 0 giờ. Ngay cả thư viện The Lamont ngày bình thường cũng rất ít người tới vào lúc 11-12h đêm chứ không nói tới sau nửa đêm. Chỉ vào trước kỳ thi khoảng 1-2 ngày, người tới đây sẽ đông hơn một chút, nhưng cũng không hề có cảnh tượng người đông nghịt như miêu tả.

Rõ ràng, "Harvard, bốn rưỡi sáng" không phải là "món súp gà" cho chúng ta. Nếu nói nó vẫn là thì có lẽ là món súp có thêm tí mỡ gà mà thôi. Tuy nhiên, món súp giả này lại đang làm hầu hết người dân Trung Quốc say mê, đặc biệt là sinh viên, học sinh Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do thành tựu của Đại học Harvard đã trở thành một luận chứng trong tư duy của người Trung Quốc.

Là một trường nổi tiếng bậc nhất thế giới, Đại học Harvard đã đào tạo rất nhiều nhân tài kiệt xuất. Trong đó có 40 vị đoạt giải Nobel, 30 chủ nhân giải Pulitzer, 8 vị tổng thống Mỹ và hàng loạt những anh tài của đủ các ngành nghề. Những thành tựu này không dễ mà có được mà là kết quả của nỗ lực và trả giá lớn lao. Điều này có vẻ phù hợp với quan niệm nỗ lực để thành công của Trung Quốc.

Chẳng có ai thành công một cách dễ dàng. Điều này chắc chắng là đúng. Tuy nhiên, một khi vượt qua giới hạn nào đó, chẳng hạn như giới hạn chịu đựng sinh học của cơ thể thì có thể dẫn tới nhầm lẫn, không thể nào tới được chân lý. Vì thế, Li Zhayuan tổng kết rằng: Lấy thời gian học tập để đo đếm sự nỗ lực của một người chẳng phải là thông minh, thậm chí là một cách làm ngu xuẩn. Tại Harvard và Yale, chẳng ai lấy việc học cả đêm là vinh dự, càng chẳng có ai so sánh xem ai có thể thức muộn hơn. Điều mà các sinh viên này tôn vinh là "productiveness" (hiệu quả).

'Harvard bốn rưỡi sáng' đã lừa bao nhiều người?
Hình ảnh thư viện The Lamont của Trường ĐH Harvard nơi được coi là mở cửa muộn nhất tại trường này.

Coi trọng phương pháp và hiệu quả học tập chính là bí quyết thành công, thành tài của những người Đại học Harvard. Đồng thời cũng phủ định phương pháp học hành thâu đêm suốt sáng. Bởi lẽ, việc học thâu đêm suốt sáng là phản khoa học đồng thời cũng khác với hành vi của đại đa số những người bình thường. Đương nhiên, những người ra nước ngoài học tập biết rằng, cũng có người học thâu đêm suốt sáng không có giờ nghỉ. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, cá biệt hoặc là vào thời điểm sắp thi chứ không kéo dài. Đây thực tế là những người không hiểu phương pháp học tập và cũng không phải là phương pháp mà đại đa số sinh viên thực hiện.

Hiện tại, theo các nghiên cứu về giấc ngủ thì mỗi người phải ngủ ít nhất 6-7 tiếng mỗi ngày. Điều này có thể chứng minh, cảnh tượng đèn sáng trưng lúc 4h30 sáng ở thư viện Trường Đại học Harvard thực chất là cảnh tượng "đổi trắng thay đen". Điều này tạo ra rất nhiều nguy cơ. Một nghiên cứu do Trường Đại học Rochester (Mỹ) thực hiện cho thấy, lúc ngủ là thời gian hiệu quả nhất để dọn dẹp những thông tin rác khỏi bộ não.

Vì thế, nếu như ngày nào cũng thức thâu đêm thì không còn sức lực đâu mà học. Ngược lại có thể làm suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học của cơ thể. Ngay cả khi ngủ đủ nhưng "đổi trắng thay đen", đêm học ngày ngủ cũng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.

Chẳng có ai có thể thành công và có thành tựu nếu như vi phạm những quy luật của tự nhiên. Chỉ khi người ta bị mờ mắt bởi ánh hào quang của ngôi trường nổi tiếng và chẳng có ai tự trải nghiệm để mắt thấy tai nghe thì cuốn sách "đổi trắng thay đen" - "Harvard bốn rưỡi sáng" mới có thể lừa được người ta mà thôi.

Theo Lê Văn (VietNamNet)

TAGS

Nổi bật