Bên cạnh câu chuyện về Cô Vy, thứ được nhiều người nhắc đến nhất trong năm 2021 chắn hẳn là chứng khoán. Ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện về mua mã cổ phiếu này, bán mã cổ phiếu kia khắp mọi ngóc ngách trên MXH.
Thật ra, chứng khoán không còn là đề tài quá lạ lẫm với những người sành sỏi trong đầu tư, kinh doanh. Thế nhưng phải đến khi cuộc sống của mỗi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, phải ngồi nhà 24/7, người ta mới nghĩ đến việc kiếm tiền online nhiều hơn. Điều này khiến mọi người, nhất là những người trẻ bắt đầu đổ xô vào chọn lựa một kênh đầu tư cho riêng mình. Với những lời mời gọi ngon ăn về lợi nhuận cao và rủi ro bé tẹo, chứng khoán nhanh chóng vươn lên, trở thành nơi chốn mà nhiều người trẻ mong muốn rót tiền vào nhất.
Song, không có miếng bánh nào dễ ăn cả, nhất là trên thương trường. Không tin hả, lắng nghe thử ý kiến của những người trẻ đã và đang đầu tư vào chứng khoán thử nha!
Những ngày đầu tập tành đầu tư chứng khoán của bạn ra sao?
Dù có tìm hiểu qua trên MXH và sách vở nhưng tham gia rồi mình mới biết mọi thứ không như mơ. Ngay tháng đầu tiên, mình đã mất toi 5% trên tổng tiền vốn ban đầu. Lần đầu tiên thấy mã cổ phiếu mình mua rớt giá xuống "vực thẳm" cảm giác rất buồn. Hồi đó, màn hình xanh đỏ, lên xuống của các mã còn quyết định tâm trạng cả ngày của mình.
Hiện tại tình hình lời lỗ của bạn thế nào? Có phải vay nợ để tiếp tục cuộc chơi này không?
Sau 2 năm có lúc lời có lúc lỗ, nhưng tổng lại thì chắc lỗ. Nhưng chơi chứng khoán, không thua lỗ, bạn chả học được gì đâu. Trước khi chơi mình đã xác định rõ tài chính chỉ được chơi trong khoản đó, không được vay mượn vì mình ghét nợ nần.
So với các loại hình đầu tư khác, bạn thấy chứng khoán có ưu - nhược điểm gì nổi trội?
Chứng khoán không đòi hỏi bạn phải có quá nhiều tiền để chơi, giúp bạn lanh lẹ hơn và có thể giúp xả stress nếu thắng. Mặt trái thì có lẽ bạn sẽ gặp rủi ro từ các sàn chứng khoán vì tính thanh khoản của nó.
Ngày càng nhiều người trẻ đầu tư vào chứng khoán, bạn thấy điều này như thế nào?
Chứng khoán thoạt nhìn có vẻ dễ ăn nên nhiều người chưa hiểu rõ đã vội đầu tư. Đây cũng như tảng băng trôi, nhìn bên ngoài chỉ thấy phần nổi nhưng lặn sâu sẽ thấy có nhiều phần chìm. Người trẻ chơi chứng khoán từ sớm vẫn tốt, nhưng nên xác định rõ tài chính và tìm hiểu thật kỹ chứ đừng nghe ai nói.
Mới đầu chơi chứng khoán, bạn có "va" phải khó khăn nào không?
Mình "vào sàn" ngay ngày đầu tiên thực tập tại một công ty chuyên về lĩnh vực này nên hầu như không gặp trở ngại vì được các anh chị hỗ trợ rồi. Thậm chí, 1 nửa tiền chơi lúc đó (2 triệu) là mình vay công ty theo dạng đầu tư margin (PV: sử dụng khoản vay từ công ty chứng khoán và thế chấp khoản vay bằng chính cổ phiếu đã mua). Dù thế thời gian đầu mình vẫn thua lỗ đôi chút.
Hiện tại tình hình lời lỗ của bạn ra sao rồi? Có phải vay nợ để tiếp tục cuộc chơi này không?
Mình chỉ bắt đầu nghiêm túc, vốn ổn định và có phương pháp đầu tư hơn là từ hồi tháng 2/2021. Sau 6 tháng, mình hiện đang lời được tầm 15% trên tổng tiền vốn. Mình vẫn đang dùng phương pháp tích sản để đầu tư, mỗi tháng có lương mình đều nạp vào mua tích lũy thêm cổ phiếu, nên không phải vay nợ ở ngoài, họa chăng chỉ là thường xuyên sử dụng margin để tiếp tục mua cổ phiếu thôi.
So với các loại hình đầu tư khác, bạn thấy chứng khoán có ưu - nhược điểm gì nổi trội?
Chứng khoán là kênh đầu tư linh hoạt và an toàn nhất ở thời điểm hiện tại. Mặt khác, chứng khoán không "kén" vốn hay đòi hỏi phải có nhiều tiền mới tham gia được. Song, thị trường lại phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô, hiệu ứng đám đông cũng như cần nhiều thời gian tìm hiểu và theo dõi.
Ngày càng nhiều người trẻ đầu tư vào chứng khoán, bạn thấy điều này như thế nào?
Giới trẻ nên tham gia càng sớm càng tốt, sẽ tích trữ được nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm. Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với đồng vốn mình có, cũng như tạo ra được mức sinh lời ổn định và lâu dài. Song, vì tiền là của mình, ra quyết định đầu tư cũng là mình, nếu không hiểu rõ đang làm gì, đầu tư vào đâu, mua bán gì thì sẽ phải trả giá.
Những ngày đầu tập tành đầu tư chứng khoán của bạn ra sao?
Ban đầu, thứ mình thiếu là kiến thức và kinh nghiệm. Kiến thức có học qua nhưng vì không có kinh nghiệm mà dễ bị cuốn theo lời lỗ, hơn thua nhiều lần. Hồi ấy, mình bị nghiện đọc báo, nghiện xem bảng giá. Mở mắt ra là đọc báo tìm hiểu hết công ty này công ty khác, nằm cả ngày xem bảng giá, lên xuống từng đồng, cảm giác xem khối lượng khớp lệnh và tài khoản của mình tăng liên tục thật sướng.
Hiện tại tình hình lời lỗ của bạn ra sao rồi? Có phải vay nợ để tiếp tục cuộc chơi này không?
Sau ngần ấy năm đầu tư, lợi nhuận duy nhất mình có chắc vẫn chỉ là kiến thức và kinh nghiệm. Các khoản lời về tiền bạc của mình vẫn chưa đáng kể và khi còn tham gia thị trường thì chuyện lời lỗ nay mai vẫn chưa rõ. Song, mình cảm thấy những thua lỗ trước đây và hiện tại đều là học phí rẻ cho những khoản đầu tư lớn hơn trong tương lai. Bởi, nhờ vậy mình đã tìm được những con đường đầu tư riêng, tâm lý vững chắc hơn, quyết định lý trí hơn.
Từ lúc bước vào đến giờ, tiền đầu tư của mình đều là từ cá nhân chi ra, thậm chí, mình còn không dùng đến margin. Nếu thua lỗ, mình sẽ dùng tiền tích lũy để tiếp tục đầu tư.
So với các loại hình đầu tư khác, bạn thấy chứng khoán có ưu - nhược điểm gì nổi trội?
Đầu tư chứng khoán rất dễ, vốn bao nhiêu cũng đầu tư được, không chịu ràng buộc nhiều về pháp lý, ít rủi ro mất trắng tài sản hơn các kênh đầu tư khác. Lợi nhuận từ chứng khoán cũng rất lớn. Nếu gặp may hoặc đầu tư chính xác, 1 ngày có thể lãi được hơn 15% so với tiền vốn, gấp 3 lần lãi gửi ngân hàng 1 năm rồi còn gì, hấp dẫn không?
Nhưng đầu tư chứng khoán rất khó thành công, thành công chỉ được tính khi bạn rút tiền khỏi thị trường và nhiều hơn lúc nạp vào, còn ở lại thị trường thì chuyện thắng thua đều không thể nói trước.
Quan điểm của bạn như thế nào về "chứng khoán dễ ăn" và việc ngày càng nhiều người trẻ "vào sàn"?
Chứng khoán ấy, gần như ai mới đầu tư cũng đều thắng, thắng ít thì đổ nhiều tiền vào sau đấy lại thua nhiều. Những lần thị trường giảm mạnh, vì chưa có kinh nghiệm chưa từng trải giai đoạn thị trường biến động, cổ phiếu đi xuống nên mình không biết cắt lỗ và chốt lời nên cũng mất toi tiền nhiều lắm. Bạn phải thực sự bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm và kiến thức thì mới mong kiếm lời chứ không thể trông mong mãi vào may mắn. Càng tham lam bạn càng nhanh vác balo rời thị trường thôi.
Mình rất ủng hộ mọi người tham gia thị trường sớm. Nhưng cũng đừng quá mong chờ các khoản lợi nhuận lớn khi đầu tư, nhân đôi nhân ba tài khoản, điều này hoàn toàn không thể xảy ra.
Khoảng thời gian mới bắt đầu đầu tư chứng khoán, bạn có gặp phải khó khăn nào không?
Thứ nhất phải kể đến việc khi đầu tư mọi thứ khác hoàn toàn kiến thức mình học trên giảng đường. Mình phải tự mày mò lại kiến thức về phân tích kỹ thuật qua các diễn đàn, học lại cách đọc báo cáo tài chính rồi tìm hiểu về cơ cấu danh mục, cách đầu tư cho hiệu quả rất mất thời gian. Xong lại đến cách chọn cổ phiếu, nhiều cổ phiếu có tính đầu cơ cao mình không hề biết do mới tham gia vào thị trường nên hay bị lỗ do mua bán sai nguyên tắc.
Chưa kể, 2018 là giai đoạn mà thị trường tạo đỉnh rồi rơi vào vực thẳm vô cùng khốc liệt, gần như mình mất sạch thành quả gây dựng bao năm trong giai đoạn ấy.
Đến hiện tại tình trạng thua lỗ của bạn ra sao rồi?
Hiện tại, số vốn của mình đang ở mức 9 con số 0. Về lợi nhuận thì mỗi một giai đoạn thị trường khác nhau sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận khác nhau, như giai đoạn từ năm 2013 đến 2016 mức lợi nhuận của mình khá thấp chỉ vào khoảng 20- 25% số vốn/ 1 năm. Từ 2016 đến 2018 thị trường thuận lợi, mình được nhiều hơn tầm 50% nhưng cuối 2018 thì mình mất sạch khoản lợi nhuận tính từ 2013. Sang năm 2019, 2020 thì thuận lợi hơn khá nhiều: Năm 2019 quay về mức lợi nhuận khá tốt là 35% còn 2020 thì mình được 100%. Nhìn chung là vẫn lời và lời "ổn áp" nhé.
Bạn phân bổ tiền bạc cho việc đầu tư như thế nào? Có phải vay nợ để tiếp tục đầu tư khi mất trắng không?
Mỗi tháng mình dành 1/4 thu nhập cho việc đầu tư còn lại là trang trải và lo cho cuộc sống, ngoài ra có một khoản nhỏ để backup nếu có việc gì cần.
Từ khi tham gia đầu tư, mình thua lỗ nặng thì nhiều lắm nhưng nợ nần thì không. Mình xác định ngay từ đầu tiền đầu tư chỉ dùng tiền nhàn rỗi và bước vào thị trường với tâm thế nếu sai có thể mất trắng. Mình cho phép bản thân làm lại từ con số không chứ không cho phép bản thân làm lại từ con số âm nên cũng may chưa lâm vào tình trạng nợ nần bao giờ.
So với các loại hình đầu tư khác, bạn thấy chứng khoán có ưu - nhược điểm gì nổi trội?
Đầu tư chứng khoán có vài ưu điểm như tính thanh khoản lớn, thị trường mua bán liên tục không cần phải đợi chờ như đầu tư bất động sản hay vàng. Số vốn tham gia ban đầu cũng tùy theo mức độ tài chính, không cần quá nhiều tiền như các loại hình khác. Ngoài ra, cổ phiếu vẫn được tính là một loại tài sản được nhà nước bảo hộ nên bạn không sợ bị lừa đảo, trắng tay. Mặt khác, bạn có thể dùng cổ phiếu để đi cầm cố như các loại tài sản khác.
Về nhược điểm phải kể đến chuyện làm giá của cổ phiếu (PV: tình trạng nâng giá cổ phiếu lên xuống không đúng với thực trạng kinh tế công ty) - rất khó nhận biết với những ai mới đầu tư. Rồi cả những rủi ro về chuyện mua nhưng khó bán khi giá xuống quá thấp hay thỉnh thoảng hệ thống "chập mạch" lúc quan trọng nữa.
Càng ngày càng nhiều người trẻ đầu tư vào chứng khoán, bạn thấy điều này như thế nào?
Người trẻ sẽ có nhiều thời gian và đầu óc nên tiếp thu kiến thức nhanh và tích lũy kiến thức tốt hơn là tham gia khi đã hơi "dừ".
Khi còn trẻ, các bạn hầu như không có nhiều tài sản, không rót tiền quá lớn nên khi thua lỗ vẫn làm lại từ đầu được. Thị trường bây giờ biến đổi rất nhanh theo từng giai đoạn, đầu tư từ sớm giúp bạn quen với thị trường rồi thì sau này có muốn rót số tiền lớn hơn cũng sẽ không bị nhiều áp lực như khi có nhiều tiền mới tham gia thị trường.
Với mình, các bạn trẻ không nên lâm vào tình trạng vay mượn tiền để đầu tư, chỉ nên dùng số tiền nhàn rỗi để hạn chế rủi ro và cũng không bị gặp áp lực tài chính nếu đầu tư sai. Vay mượn tiền để đầu tư nếu thị trường không thuận lợi sẽ gặp áp lực khá lớn về tài chính, dẫn tới tâm lý không vững, đưa ra các quyết định thua lỗ nặng nề, có nhiều người lâm vào cảnh nợ nần cũng vì thế.
Theo NE - Thành Đạt (Pháp Luật & Bạn Đọc)