Nhà đầu tư mới học được gì khi thị trường chứng khoán giảm sâu 160 điểm thời gian qua?

17/07/2021 14:26:48

Tôi đầu tư chứng khoán một năm trở lại đây khi thị trường có nhiều khởi sắc sau dịch Covid năm 2020. Lúc thị trường đi lên, tôi mua, kiếm lời nhanh chóng và thấy đầu tư chứng khoán thực ra cũng không cần phải biết quá nhiều.

Đến khi kiếm được một khoản tiền kha khá, tôi nghĩ mình cần phải học hỏi đề đầu tư tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn. Chính quyết định này đã giúp tôi tránh được thua lỗ lớn khi thị trường chứng khoán giảm sốc và tâm lý FOMO xuất hiện ở nhiều nơi

Dưới đây là 5 điều tôi học được khi VN-Index giảm 160 điểm trong thời gian vừa qua. Hy vọng điều này sẽ giúp những nhà đầu tư mới có một cái nhìn khách quan về thị trường chứng khoán và đầu tư hiệu quả hơn.

Mua cổ phiếu tốt không bao giờ sai

Tôi thường chọn các cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc VN30 trong danh mục đầu tư. Lợi nhuận có thể không quá cao nhưng yên tâm nắm giữ lâu dài và khi thị trường giảm hoặc hồi lại đó sẽ là những cổ phiếu tăng điểm đầu tiên.

Theo quan sát của tôi đến thời điểm hiện tại, hầu hết các cổ phiếu tốt dù bị giảm giá mạnh đều đang bắt đầu phục hồi. Với tôi, mua cổ phiếu là mua chính công ty vì thế tôi thường tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin, tiềm năng phát triển kinh tế của công ty đó trong tương lai. Tôi tự tin thị trường chứng khoán có thể lên xuống giảm điểm nhưng nếu nội tại một công ty thực sự tốt, giá vẫn sẽ thể hiện trên cổ phiếu, không sớm thì muộn.

Nhà đầu tư mới học được gì khi thị trường chứng khoán giảm sâu 160 điểm thời gian qua?

Kỷ luật trong giao dịch

Những người mới tham gia thị trường chứng khoán theo xu hướng chung khi thị trường đi lên dễ mua đuổi, có lời không bán ngay muốn lời nhiều hơn. Đến khi thị trường giảm điểm lại không dám bán nghĩ nó sẽ hồi phục, cuối cùng rớt xuống đáy muốn bán thì đã quá trễ và từ mua lướt trở thành cổ đông chiến lược. Vì vậy tôi thường có một bảng excel theo dõi các cổ phiếu mình mua, xác định mục tiêu lợi nhuận, mức độ bản thân có thể chấp nhận rủi ro để tối ưu hóa khả năng sinh lời và không FOMO theo tâm lý theo thị trường.

Không bỏ hết tiền vào một rổ

Sau một thời gian quan sát tôi nhận thấy thị trường thường tăng theo dòng, dòng này xuống thì dòng khác sẽ lên. Khi VN-Index giảm 160 điểm, các cổ phiếu giảm sàn la liệt, chỉ có bán lẻ như FRT, MWG, MSN…tăng. Nếu bạn có một mã bán lẻ trong tài khoản thì sẽ cứu lại kha khá số tiền của mình. Tôi nhận ra nếu mình nắm ba đến năm cổ phiếu trong tài khoản và chọn những con mạnh nhất ở mỗi dòng ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, bất động sản hoặc dầu khí...thì khi cổ phiếu này giảm sẽ có cổ phiếu khác bù lại.

Dự trữ một khoản tiền tối thiểu 20% đến 30% để đảo hàng

Tôi chia khoản tiền đầu tư của mình theo từng danh mục và giữ lại ít nhất 20% đến 30% để đảo hàng. Nhờ việc giữ lại tiền đã giúp tôi giảm giá mua xuống đáng kể khi thị trường giảm điểm. Ví dụ: tôi mua 1000 cổ phiếu PVD giá 23.000 VND, khi PVD gãy xuống đáy tôi mua tiếp 1.000 cổ phiếu giá 18.000 đồng và bán ngay trong phiên giá 19.500 đồng, sau khi đảo hàng số cổ phiếu của tôi nắm giữ vẫn là 1.000 nhưng giá đã giảm xuống 21.500 đồng.

Không mua vì thích hãy học để có kiến thức

Đừng nghĩ mình mua khi thị trường đang đi lên là mình giỏi, không cần biết gì cũng có thể đầu tư được, bạn có thể lời một chút nhưng khi thị trường khủng hoảng bạn dễ dàng bị âm tài khoản và mất trắng vì không biết cách xử lý. Điều may mắn nhất tôi đã làm trong thời gian giãn cách xã hội là đọc sách và tham gia các khóa học chứng khoán. Việc này giúp ích cho tôi rất nhiều, tôi được ứng dụng những điều đã học vào thực tế khi thị trường đi lên và đi xuống, biết cách đánh giá một cổ phiếu tốt, xem biểu đồ kỹ thuật và phân tích thị trường. Ngoài ra tôi cũng nghe chia sẻ mỗi ngày từ những nhà đầu tư giỏi, nghe các phân tích báo cáo tài chính…để cập nhập tình hình thị trường và kiến thức hữu ích. Nhờ vậy khi thị trường chứng khoán tê liệt, tôi đã không bị cháy tài khoản và bình tĩnh xử lý các cổ phiếu một cách hiệu quả.

Một câu nói của Charlie Munger mà tôi rất thích và ứng dụng nó trong cuộc sống cũng như trong chính cách tôi đầu tư: "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?". Khi tôi quyết định đầu tư tôi luôn tự hỏi mình câu này và nếu tôi chấp nhận được mức độ rủi ro của nó tôi sẽ vào tiền. Hy vọng những điều tôi chia sẻ sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tham gia thị trường chứng khoán.

Theo Minh Phượng (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)