Lãi suất ngân hàng thấp sẽ kích thích dòng tiền đổ vào các kênh sinh lời cao hơn. Với tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán như hiện tại, dòng tiền sẽ đổ vào đầu tư như một kênh sinh lời khả dĩ.
Đánh giá về thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết “Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian tới phụ thuộc khá nhiều vào dòng tiền. Yếu tố tiền rẻ như hiện tại sẽ là động lực hỗ trợ dòng tiền chảy vào chứng khoán. Lãi suất ngân hàng thấp sẽ kích thích dòng tiền đổ vào các kênh sinh lời cao hơn. Với tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán như hiện tại, dòng tiền sẽ đổ vào đầu tư như một kênh sinh lời khả dĩ”.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu – VinaCapital cho rằng “Thời gian qua số lượng nhà đầu tư F0 vào thị trường rất nhiều một phần vì dịch bệnh các ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống thấp. Khi không có nhiều kênh có thể để đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi trong bối cảnh lãi suất thấp thì các nhà đầu tư đổ dồn vào mở tài khoản chứng khoán”.
Theo thống kê, tổng số tài khoản mở mới 6 tháng đầu năm đến nay lên tới gần 620.000 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020, năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới.
Hiện số tài khoản chứng khoán của Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 3% dân số, trong khi Trung Quốc là 13%. Thị trường Việt Nam đang được so sánh với Đài Loan vào cuối những năm 80 - đầu 90 thì lúc này số tài khoản của Đài Loan đã là khoảng 84%. Do đó, tiềm năng của thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất lớn.
“Về các nhà đầu tư F0, họ cũng đã trở nên sành sỏi hơn, đã có nhiều kiến thức hơn. Tuy nhiên, thực tế trong số các nhà đầu tư cá nhân F0, thậm chí các nhà đầu tư Fn, ta thường không đoán được họ là nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, mà nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 86-87% lượng giao dịch mỗi ngày với quy mô giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỉ USD, dẫn tới mức độ biến động của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng so với trước đây. Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, là các quỹ, chiếm tỉ lệ ít hơn nhưng thường đầu tư dài hạn và có danh mục đầu tư rõ ràng hơn”, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, thời gian qua, tổng tiền đầu tư của các nhà đầu tư trong nước cũng đã cân hết được lượng tiền rút ra của khối ngoại. Do đó, sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước và nội lực trong nước nhiều hơn.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu – VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường vẫn đang tốt hơn nhiều thị trường trong khu vực nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang quan tâm.
“Chúng tôi nhận thấy một số nhà đầu tư trong khu vực châu Á, trong đó, có các nhà đầu tư Đài Loan vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong khi nhà đầu tư ngoại rút ròng 1,3 tỉ USD, thì các nhà đầu tư đến từ Đài Loan vẫn đổ tiền vào thị trường Việt Nam, ví dụ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã đổ khoảng hơn 540 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó có 173 triệu USD chỉ trong tháng 7”, bà Nguyễn Hoài Thu nói.
Theo Trà My (Lao Động)