Gần 20 năm sống với 1 quả thận, nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ĐH Bách khoa TPHCM

26/04/2025 06:11:13

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc vừa tốt nghiệp sớm và xuất sắc Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Gần 20 năm qua, cô chỉ sống bằng một quả thận.

3 tuổi đã bị cắt thận

Hồi 3 tuổi, do thận trái của Ngọc bị đa nang bẩm sinh nên phải cắt bỏ. Ký ức về việc được các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc đã truyền cảm hứng khiến Ngọc mong muốn được làm việc trong ngành y, chăm sóc sức khỏe. Cùng sự định hướng của mẹ, Ngọc chọn ngành Kỹ thuật y sinh như một cách hoàn thành ước nguyện hồi bé và thỏa mãn bản tính tò mò của bản thân.

Lúc còn là học sinh Trường THPT Gia Định, Ngọc đã tham gia các câu lạc bộ phát triển kỹ năng mềm. Hồi đó, cô hay lui tới Làng trẻ em SOS Việt Nam để truyền thông, dạy tiếng Anh và tìm hiểu về khả năng, đam mê của bản thân. Cô cũng là thành viên của tổ chức Nuôi em (hỗ trợ trẻ vùng cao).

Gần 20 năm sống với 1 quả thận, nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ĐH Bách khoa TPHCM
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc tốt nghiệp sớm và xuất sắc Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: NQ

Những năm đại học, Ngọc tham gia nhiều nghiên cứu liên quan đến ứng dụng quang học trong lĩnh vực y sinh, gồm các dự án sử dụng quang học để kiểm tra chất lượng thực phẩm, đo đường huyết không xâm lấn, thực hiện thí nghiệm và xử lý số liệu, xác định chất lượng thịt heo và trái cây. Cô cũng quan tâm đến việc sử dụng ánh sáng theo dõi mức đường huyết sao cho tiện lợi và an toàn, không cần dùng kim tiêm. Theo Ngọc, những việc này không chỉ mang lại giá trị thực tiễn mà còn giúp cô có thêm kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực quang học y sinh.

Nữ sinh nói lý do hoàn thành sớm chương trình đại học vì muốn giảm áp lực chi phí trên đôi vai mẹ. Từ năm thứ 2, cô bắt đầu học nhiều hơn 1-2 môn so với lộ trình, thậm chí học thêm vào mùa hè để tích lũy đủ tín chỉ cho các học phần tốt nghiệp. Mỗi học kỳ theo đúng lộ trình, sinh viên chỉ học 14-15 tín chỉ, nhưng cô học tới 17 tín chỉ.

Để đúng tiến độ bản thân vạch ra, Ngọc lập Google Sheet mang tên “Study Plan” từ năm nhất, theo dõi và điều chỉnh kế hoạch học tập cá nhân. Với vai trò lớp phó, Ngọc thường xuyên tiếp cận và đọc kỹ các công văn, thông báo từ nhà trường. Nhờ đó, cô vừa hỗ trợ lớp, vừa chủ động lên kế hoạch học tập cho bản thân.

Một số môn đại cương ở học kỳ 8 được Ngọc đưa vào các kỳ trước đó, linh hoạt điều chỉnh các tín chỉ, lên kế hoạch học như một trò chơi “điền vào chỗ trống”. “Do nhiều môn chỉ được giảng dạy mỗi năm một lần, việc đăng ký học phần đối với em như một 'trò chơi sinh tồn' - vừa sắp xếp môn học và vừa phải tranh suất đăng ký môn học”, Ngọc kể.

Vừa học vừa dưỡng sức

Hàng ngày, Ngọc quản lý thời gian và năng lượng cá nhân, tìm hiểu trước nội dung bài học, tích cực học trên lớp, sau đó làm bài tập hoặc ôn lại sau giờ học. Nhờ vậy, mỗi kiến thức được Ngọc tiếp cận ít nhất ba lần, giúp việc ôn thi hiệu quả hơn mà không bị dồn nén. 

Điểm yếu của Ngọc là sức khỏe. Cô chỉ còn một quả thận, nên việc cân bằng giữa sức khỏe và lịch học là một thử thách không nhỏ. Cô ưu tiên ngủ đủ giấc và thư giãn để giữ tinh thần tích cực.

Mỹ Ngọc nhớ vào khoảng giữa năm hai, do lịch học khá dày - có những ngày liên tục 10 giờ, từ 7h đến 18h, cô bị rối loạn nhịp tim. Ngọc đã chủ động sắp xếp thời gian, ôn tập hợp lý trong tuần để tránh quá tải khi đến giai đoạn làm đồ án, kiểm tra hoặc thi. Nhìn lại quá trình, Ngọc nhận ra, việc được đi học chính là nguồn động lực lớn nhất giúp em vượt qua bệnh tật.

Gần 20 năm sống với 1 quả thận, nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ĐH Bách khoa TPHCM - 1
Ngọc phải cắt một bên thận từ năm 3 tuổi. Ảnh: NQ

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp Bách khoa TPHCM, Mỹ Ngọc dự định đi du học để có thêm nhiều kinh nghiệm và nguồn lực, tiếp tục tham gia các nghiên cứu chuyên sâu. 

Có mặt cùng con gái trong lễ tốt nghiệp, bà Hoàng Thị Hoa, mẹ Mỹ Ngọc, cho biết sức khỏe của Ngọc từ nhỏ không tốt, đặc biệt khi em chỉ còn một quả thận, nên bà luôn lo lắng. Bà càng lo hơn khi Ngọc học tại Bách khoa TPHCM - một môi trường đòi hỏi rất nhiều về thể chất và tinh thần. "Dù có áp lực lớn, con đã luôn nỗ lực, học tập hết mình. Là một người mẹ, tôi chỉ có thể động viên, hỗ trợ con về mặt tinh thần, khích lệ con cố gắng học tập, để đóng góp cho đất nước", bà Hoa bày tỏ.

Trong mắt PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn - Trưởng phòng thí nghiệm Vật lý tính toán (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), Mỹ Ngọc là sinh viên rất nhiệt huyết, chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. PGS Sơn đánh giá năng lực học tập của Ngọc thuộc top 2% trong số các sinh viên xuất sắc nhất của khoa. Ông nhận thấy Ngọc có tố chất ở môn Vật Lý, ủng hộ Ngọc đi du học và hy vọng cô sẽ phát triển năng lực tốt hơn nữa.

Theo Lê Huyền (VietNamNet)