Cách bài trí mâm cúng Rằm tháng 7
Đối với mâm cúng Phật, cần phải đặt cao nhất trên bàn thờ. Nếu không thể chuẩn bị đồ chay, chỉ cần cúng nước lọc và trái cây. Sẽ dùng hoa sen vì đây là loài hoa tượng trưng cho Phật.
Đối với mâm cúng gia tiên, một số đồ cúng như gà luộc, xôi, bánh tét hoặc bánh chưng đã bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng sẽ được đặt trước các món ăn khác.
Đối với mâm cúng chúng sinh, không nên bày biện quá hoành tráng, tránh khơi dậy sự tham lam và sân si.
Cúng rằm tháng 7 vào giờ nào tốt nhất?
Cúng Rằm tháng 7 bao gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn). Mỗi loại cúng có những ngày giờ và cách thức khác nhau.
Để biết được cụ thể cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng cô hồn tháng 7 là ngày nào, giờ nào, sau đây là một số gợi ý.
Cúng thần linh: Đây là việc cúng Phật, Bồ tát, các vị Thánh Thần trong Phật giáo và các đạo khác. Cúng thần linh có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch, nhưng thường được chọn vào ngày rằm (15/7 âm lịch). Giờ cúng thường là vào buổi sáng hoặc trưa, từ 10h đến 12h.
Cúng gia tiên: Đây là việc cúng tổ tiên, cha mẹ và các bậc sinh thành của mình. Cúng gia tiên nên được làm vào ngày 13/7 âm lịch, đây là ngày Đường Phong, tốt cho xuất hành, cầu tài, mọi điều như ý, quý nhân phù trợ. Cúng gia tiên cũng nên được thực hiện vào ban ngày, từ 10h đến 12h là hợp lý nhất. Đây là giờ hoàng đạo, ít ma quỷ xuất hiện hơn, gia tiên sẽ được Thổ thần cho phép vào để thụ lộc.
Cúng xá tội vong nhân (cúng chúng sinh, cô hồn): Đây là việc cúng cho những vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng. Cúng chúng sinh nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Lý do là vì các cô hồn thường sợ ánh sáng, bắt đầu cúng khi tắt nắng thì họ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng.
Những lưu ý khi cúng rằm tháng 7 để nhiều tài lộc
Nên cúng gia tiên vào ban ngày
Vào ngày rằm tháng 7, những gia đình thường chuẩn bị hai mâm cỗ cúng:
Một mâm cỗ mặn để cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cỗ chay để cúng chúng sinh gọi là cúng cô hồn đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.
Quan niệm dân gian cho rằng, lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào xẩm tối vì lúc này mặt trời đã lặn, cửa âm phủ đã đóng.
Không cúng cô hồn bằng món mặn, nên cúng vào chiều tối
Lễ Xá tội vong nhân (cúng cô hồn) thường là các món chay. Dân gian quan niệm không cúng cô hồn món mặn vì sẽ khơi dậy lòng tham, sân si... Đặc biệt, khi cúng phải đặt lễ cúng trước cửa nhà.
Theo đó, mâm cúng cô hồn gồm có các lễ vật: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, đĩa gạo trộn lẫn với muối (đĩa này sẽ được rắc ra vỉa hè phía xa nhà), ngô, khoai lang luộc để cúng cho những cô hồn không nơi nương tựa...
Đặc biệt, món cháo loãng không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn. Dân gian tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.
Đồng thời, nghi lễ này nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Theo quan niệm dân gian, các cô hồn thường sợ ánh sáng, thời điểm trời tắt nắng họ sẽ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng hơn.
Tuy nhiên, trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!
Theo Hoàng Ly (Gia Đình Việt Nam)