Cưới trong tháng cô hồn – Nên hay không nên?

08/08/2024 07:13:59

1 năm 365 ngày, có nên cưới trong tháng cô hồn không? Cưới vào tháng này có gì cần phải chú ý?

Cưới xin là chuyện trọng đại cả đời người. Từ xa xưa, các cụ đã có lệ xem ngày tốt xấu để chọn ngày lành tháng tốt tổ chức hôn lễ thuận lợi, cầu mong cho hai vợ chồng hôn nhân hạnh phúc, sung túc.

Một năm có 12 tháng, cưới tháng nào thì tốt? Có nhiều người nói rằng, tháng nào cũng có thể tổ chức đám cưới, nhưng tuyệt đối không nên cưới trong tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch.

Ngày nay mọi người có suy nghĩ thoáng hơn, không còn giữ nhiều điều kiêng kị trong dân gian như xa xưa nữa. Tuy nhiên cũng vẫn có rất nhiều cặp đôi băn khoăn về vấn đề có nên cưới trong tháng cô hồn hay không?

Cưới trong tháng cô hồn – Nên hay không nên?

Trao đổi với báo Lao Động, TS. Nguyễn Hùng Vĩ – giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian - cho rằng: “Việc kiêng kị chuyện cưới xin trong tháng cô hồn hoàn toàn là mê tín, thiếu cơ sở khoa học. Đây chỉ là thói quen và tâm niệm “có kiêng có lành” của người Việt”.

Chuyên gia Hùng Vĩ phân tích, tháng 7 âm lịch có dịp lễ Vu Lan theo nhà Phật. Lễ này cũng trùng với ngày xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Từ việc báo hiếu cho vong hồn của mẹ, người ta mở rộng để các vong hồn khác đều xứng đáng được cứu rỗi. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, các vong hồn trở lại dương gian.

“Sở dĩ người ta kiêng cưới xin vì đây là một trong những việc trọng đại của đời người. Ngày rước dâu đi đường mà vong hồn lang thang khắp nơi người ta sợ rước điềm xui xẻo về nhà. Ai cũng muốn được suôn sẻ, đề phòng bất trắc.

Tuy nhiên, kể cả trước đây hay bây giờ vẫn có những người cưới vào tháng cô hồn vì không mê tín. Những người đó cho rằng “vô sư vô sách, quỷ thần bất trách” rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Thế nên, việc cưới xin hoàn toàn có thể diễn ra trong tháng này.

Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng của mỗi người nhưng có những tín ngưỡng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại giờ đã không còn phù hợp. Chẳng lẽ cứ giao thông, xây dựng dừng lại, cưới hỏi không tiến hành thì cả cuộc sống ngưng trệ theo tháng cô hồn hay sao?” – chuyên gia Hùng Vĩ phân tích sâu.

Cưới trong tháng cô hồn – Nên hay không nên? - 1

Đồng quan điểm, một chuyên gia phong thủy cho rằng việc kết hôn, tổ chức đám cưới quan trọng nhất là sự tương hợp trong mệnh lý, bát tự của hai người, còn thời điểm kết hôn chỉ là yếu tố phụ, không phải là điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, các cụ nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là cũng có lý của nó. Tổ chức đám cưới trong tháng 7 âm lịch, các cặp đôi cũng nên chú ý thêm một vài điểm sau.

Thứ nhất, tháng cô hồn âm thịnh, dương suy, là thời điểm âm khí cực vượng, vong hồn ma quỷ nhiều, mọi người thường đốt vàng hương để báo hiếu tổ tiên, cũng làm lễ cúng chúng sinh cho vong hồn vất vưởng được siêu thoát. Chính vì thế điều đầu tiên khi cưới vào tháng 7 âm chính là chọn ngày hợp với bát tự của hai người, tuyệt đối tránh xung phạm.

Thứ hai, cô dâu chú rể trong thời điểm này đi đường không được tùy tiện nhặt đồ vật rơi vãi ngoài đường đem về nhà, dễ bị vong hồn đi theo quấy nhiễu, ảnh hưởng đến việc kết hôn. Bởi đó là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn nên tránh.

Thứ ba, cô dâu cưới trong tháng cô hồn nếu có thể thì nên trang điểm theo tone hồng và mặc trang phục màu hồng, màu đỏ thay cho màu trắng để tăng thêm dương khí, phúc lộc dồi dào. Khi đón dâu, cố gắng không được khóc, nếu không dễ chiêu gọi vong hồn tới quấy rầy cha mẹ mình.

Thứ tư, tiệc cưới nên tổ chức vào lúc trưa, khi dương khí vượng nhất trong ngày. Khi diễn ra lễ cưới, tốt nhất nên nhờ người đàn ông tuổi Dần vào phòng cưới trước để dùng dương khí trấn phòng, dương khí vượng sẽ át bớt âm khí trong tháng cô hồn.

Ngoài ra, khi chọn ngày cưới, nên tránh các ngày 1, 15 và 30 âm lịch. Đây là thời điểm mọi người thường hay cúng bái, tế lễ chúng sinh, vong hồn cũng đặc biệt nhiều, sẽ không có lợi cho chuyện cưới hỏi. Nếu thấy vẫn lo lắng, có thể dùng một số vật phẩm phong thủy khai vận phù hợp với bản mệnh hay bùa bình an để trừ tai ách.

PN (SHTT)

Nổi bật