"Làm cha mẹ thời này khó thật, có ra đời chinh chiến trên bao thương trường nhưng vẫn thấy khó khăn để nuôi dạy tâm sinh lý 1 đứa trẻ nên người" - một bà mẹ mới đây chia sẻ những bối rối trong việc nuôi dạy con, trong một nhóm dành cho phụ huynh. Chị băn khoăn không biết ứng xử ra sao vì con mình ức chế ngày qua ngày vì bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt.
Con trai chị năm nay lên lớp 8, theo nhận xét của chị là thật sự rất hiền ngoan biết điều, giáo viên nào cũng yêu mến. Có 1 vấn đề là con ở lớp thường xuyên bị trêu quá đà. Tất nhiên con có phản kháng và nhiều bạn không trêu nữa, nhưng có những lần con đi học về hùng hục chạy vào nhà lấy roi, nói "Con phải đánh chúng nó", rồi oà lên khóc. Con còn bảo các bạn nghịch quá con không nghe cô giảng.
Đính kèm bài viết là hình ảnh một chiếc áo bị chấm bút bi. Chị kể con mình đi học nhóm con bị bạn chấm đầu bút bi vào chiếc áo còn mới, con khóc vì bao công bà nội giặt, con gìn giữ để bà đỡ mất công. Chị đến gặp cô chủ nhiệm thì cô cũng giải quyết qua loa, không tìm ra thủ phạm, và cũng chỉ bảo các bạn lần sau không được làm như thế. Ấm ức lâu ngày mà ở lớp cô cũng không giải quyết được, con cứ dồn về nhà tâm sự với bà nội và mẹ.
"Hết 1 mùa hè rồi, dù sắp đi học nhưng con không muốn đến lớp, vì phải học những người bạn đó. Mặc dù bà con có tâm sự chia sẻ là kệ các người bạn hư đó, hay như mẹ chỉ cho vài mẹo để mấy bạn cùng lớp không đùa quá đáng nữa nhưng bản chất con không thích thắng thua, con cứ lẩn quẩn trong suy nghĩ là muốn đi nơi khác, hay con muốn ra nước ngoài với cô con. Mặc dù bên ngoài con vẫn giao tiếp mọi thứ bình thường nhưng hôm nay con nói với bà "con muốn đánh chết những đứa ấy".
"Em sốc quá, dù mới là lời nói. Em đau đầu mấy hôm nay. Con cái là tất cả với em nên em không mong điều gì đau lòng xảy ra với con. Mong mọi người có lời chia sẻ với em", bà mẹ tâm sự.
"Chuyển trường ngay, chị còn đợi điều gì nữa?"
Câu chuyện của bà mẹ khiến nhiều người giật mình. Hầu hết đều khuyên chị nên chuyển trường, hoặc ít ra là chuyển lớp cho con, bởi đây là một hình thức bắt nạt học đường, và sự ức chế của con đã tích tụ lâu ngày, chỉ chực chờ bùng phát. Càng để lâu càng dễ dẫn tới hậu quả đau lòng. Đúng ra ngay từ đầu khi con chớm bị bắt nạt, cha mẹ đã cần có biện pháp ngay và luôn.
Nhiều người cho rằng, trẻ con không ngây thơ, vô tội!. Trẻ con có thể rất tàn nhẫn, mà cũng có lẽ chúng không ý thức được sự tàn nhẫn ấy, và bởi vì mang danh trẻ con nên chẳng ai xử lý chúng đến nơi đến chốn. Các giáo viên chủ nhiệm giải quyết những vấn đề khó khăn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự nhiệt tình của họ. Bên cạnh đó, hầu hết các trường chỉ mong muốn giữ yên bình, tránh những việc ồn ào rắc rối, nên các giáo viên cũng chỉ giải quyết theo hướng xoa dịu chứ không đi đến tận gốc, căn nguyên của vấn đề.
Lúc này, phụ huynh phải đứng bên cạnh con, đồng hành cùng con. Nên cho trẻ thấy rằng, mình là chỗ dựa đáng tin cậy mỗi khi con gặp khó khăn để có thể bộc lộ những khúc mắc mà mình gặp ở trường học, hay trong cuộc sống sau này.
Nói về việc chưa chuyển trường, bà mẹ này cũng cho biết, do trường cách nhà 500m nên thuận lợi nhiều thứ, nhất là quá trình con nghỉ trưa. Hơn nữa, chị có phần chủ quan vì năm ngoái tình trạng "không đến nỗi nào".
Khi con bị bắt nạt nghiêm trọng ở trường, cha mẹ cần làm gì?
Nhiều khi cha mẹ xác định rằng việc học là mục tiêu sống còn, khiến trẻ em xử lý không đúng thứ tự ưu tiên. Chúng sẵn sàng hy sinh sự an toàn của bản thân để bảo vệ việc học của chúng. Với học sinh có phải việc học là quan trọng nhất không? Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, câu trả lời là không. Ông cho rằng, với học sinh, quan trọng nhất là sự an toàn, bao gồm an toàn tính mạng, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần.
Việc học sẽ trở nên vô nghĩa khi sự an toàn và hạnh phúc của học sinh bị xâm phạm. Trong các trường hợp con bị bắt nạt ở mức độ rõ ràng nghiêm trọng hoặc có vẻ nghiêm trọng, theo ông Nguyên, cha mẹ cần lập tức hành động và can thiệp ngay, thay vì chỉ hỏi han, khuyên nhủ thông thường.
Sau đây là một số điều chuyên gia khuyên cha mẹ cần làm khi có những dấu hiệu con bị bắt nạt ở mức độ nghiêm trọng, hoặc đơn giản là có sự bất ổn mà phụ huynh cảm nhận được bằng bản năng của người làm cha mẹ.
1. Hãy hỏi con. Nếu con cảm thấy khó khăn khi nói chuyện mặt đối mặt với cha mẹ, hãy mua một cuốn sổ và ghi vào đó tâm sự, nỗi băn khoăn hay câu hỏi của cha mẹ và trao sổ cho con. Nói với con rằng hãy giúp ba mẹ giải tỏa nỗi băn khoăn lo lắng của ba mẹ.
2. Tìm cách gặp bạn thân của con. Hãy dạy con rằng cần thiết lập đồng minh trong môi trường tập thể. Ít nhất con phải có được một người bạn sẵn sàng đứng về phía con. Cha mẹ hãy làm bạn với bạn của con như với chính con mình thông qua việc mời bạn tới nhà, rủ các con đi chơi riêng, xem phim với nhau ngoài lớp học, hoặc rủ hai gia đình gặp gỡ, đi chơi với nhau. Bạn thân của con là một kênh liên lạc rất hữu ích.
3. Hãy hẹn gặp riêng thầy cô chủ nhiệm hoặc thầy cô tư vấn. Cần đảm bảo rằng bạn chủ động tìm được số hoặc cách thức liên lạc với các thầy cô liên quan như thầy cô chủ nhiệm, chuyên viên tư vấn học đường. Hãy trao đổi với họ và đưa ra đánh giá của bạn liệu họ có đủ năng lực hay sự quan tâm không. Có rất nhiều khi thầy cô, trường học cũng mắc sai lầm như chủ quan, che giấu thông tin, mắc bệnh thành tích, vô cảm… Những điều đó là có thể xảy ra.
Là người có trách nhiệm bảo vệ con cao nhất và đến cùng, bạn nên tin tưởng những người có trách nhiệm, nhưng cũng cần có phán đoán của riêng mình.
4. Khi có tình huống nguy hiểm, không loại trừ trường hợp bạn buộc phải đặt máy ghi âm tùy theo hoàn cảnh cho phép. Hãy trao đổi với con nếu con sẵn sàng đối thoại. Bạn cần biết chính xác những gì xảy ra với con. Bạn cũng có thể cho con mang theo các thiết bị liên lạc khẩn cấp.
5. Hãy cho con tham gia các khóa tập huấn kỹ năng phòng chống bắt nạt học đường. Các kỹ năng đó có thể bao gồm võ tự vệ, cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm, cách tìm kiếm sự trợ giúp.
6. Nếu chẳng may con bị đánh, con hãy la thật lớn và tìm cách chạy về phía đông người. Không được chạy về phía vắng người như nhà vệ sinh, góc cầu thang, góc tối, góc sân trường, trong lớp học…
7. Nếu cuộc chiến không quá chênh lệch và là 1 đối 1, kẻ bắt nạt không có vũ khí, hãy tìm cách hết sức đánh trả. Kẻ bắt nạt sẽ phải nhượng bộ nếu gặp sự phản kháng mãnh liệt từ người bị bắt nạt. Đánh nhau không bao giờ là tốt, nhưng tự vệ là một quyền thiêng liêng.
8. Hãy chuyển lớp, chuyển trường, dừng việc học khi cần thiết. Như đã nói ở trên, khi sự an toàn bị đe dọa, thì việc học chỉ còn là thứ yếu. Lý tưởng là trường học phải đảm bảo an toàn cho mọi học sinh, nhưng nếu tình huống bất như ý xảy ra, hãy dũng cảm chọn lấy sự an toàn và đẩy việc học xuống thứ yếu.
9. Nếu con bị đe dọa, cô lập ở trường mà chưa giải quyết được, hãy cho con học online, học ở nhà và khiếu nại lên trường học. Trường học, dù công hay tư, cũng có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn cho học sinh. Nếu trường học không đảm bảo được điều này, hãy phàn nàn hoặc khởi kiện để buộc trường phải có trách nhiệm.
10. Dù trong ngày cha mẹ, con cái giận dỗi nhau điều gì, thì đến giờ đi ngủ cũng phải xóa sạch cảm xúc tiêu cực ấy. Vì là cha mẹ, bạn sẽ cần dẹp cái tôi xuống để trở thành một người bao dung vô điều kiện. Hãy ôm hôn con để nếu con thực sự tuyệt vọng trong các mối quan hệ khác ngoài xã hội, con luôn còn lại một đồng minh cuối cùng sẵn sàng bảo vệ con vô điều kiện.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Mới)