Trong xã hội hiện nay, "con nhà người ta" đã trở thành một biểu tượng của sự hoàn hảo và thành công, khiến không ít người cảm thấy áp lực. Cụm từ này cứ mỗi lần được nhắc đến đều như một chuẩn mực âm thầm mà ai nấy đều phải nỗ lực để đạt tới, dù cho điều đó có thể mang lại gánh nặng tâm lý không hề nhỏ. Kỳ vọng của cha mẹ, sự so sánh thầm lặng giữa bạn bè và áp lực từ chính bản thân mỗi cá nhân đang ngày càng tăng trong cuộc sống. Điều này đặt ra câu hỏi về hạnh phúc và sự thật về giá trị của mỗi người trong mắt xã hội.
Mới đây, trong một hội nhóm của phụ huynh Hà Nội, người mẹ đã chia sẻ lại câu chuyện con mình bị nhóm bạn thân... tẩy chay chỉ vì cái mác "con nhà người ta".
Theo đó, con của vị này năm nay vào lớp 10 và nữ sinh đã đỗ được vào ngôi trường mà bản thân hằng mơ ước. Phụ huynh chia sẻ con gái chị đặt quyết tâm rất cao, nỗ lực để chinh phục mục tiêu của mình. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu 2 người bạn thân bỗng dưng quay ra ghét con chị.
Và lý do thì vô cùng bất ngờ: "Con mình có 2 người bạn thân nhưng thật đáng buồn, phụ huynh của các bạn ấy luôn so sánh các con với nhau. Khi bị so sánh quá nhiều, mà mình nghĩ có khi các bạn ấy còn bị chửi là nó thế này, nó thế kia, sao mà không bằng nó ("nó" ý chỉ con của vị phụ huynh trong bài đăng - PV). Và rồi các bạn quay ra ghét con mình như kẻ thù.
Mình rất thương con khi con hỏi bản thân có làm gì đâu mà bị các bạn ghét như vậy hả mẹ. Khóe mắt mình cay cay. Chỉ biết nói với con rằng: Con ạ, các bạn thi trượt, bạn đang rất tự ti, đang rất buồn và bạn chưa vượt qua được chính bản thân mình. Con hãy thông cảm cho bạn nhé. Hãy để bạn có thời gian bình tĩnh và suy nghĩ".
Cũng qua câu chuyện này, phụ huynh muốn nhắn nhủ rằng các ông bố bà mẹ đừng bao giờ mang con mình ra để so sánh với con người khác. Các con sẽ càng tự ti, càng xấu hổ và vô tình lại làm tổn thương chính bạn của mình.
"Điều hạnh phúc nhất trong cuộc sống này là các con mạnh khoẻ, vui vẻ và hạnh phúc", người mẹ này chốt lại.
"Mọi sự so sánh đều là khập khiễng"
Câu chuyện của người mẹ trên nhận được sự hưởng ứng của dân tình.
Nickname C.T để lại quan điểm: "Thương con vì phải chịu những tổn thương không đáng có. Mình cũng thương các bạn kia vì có những người bố mẹ như vậy, các bạn bị ảnh hưởng suy nghĩ buồn tủi như vậy. Không có những người bố mẹ thấu hiểu, các bạn cũng rất thiệt thòi rồi. Nếu là bạn, mình cũng chỉ biết khuyên con, chờ bạn bè vượt qua được sự tự ti đó, các con lại vui vẻ với nhau. Còn không thì con cũng sắp vào ngôi trường mới, sẽ có nhiều bạn mới, chuyện này cũng qua nhanh thôi".
Đồng quan điểm, phụ huynh C.N nói: "Mình rất kỵ với mọi sự so sánh vì chúng rất khập khiễng. Đôi khi là con dao 2 lưỡi, vừa tổn thương con mình và ly gián tình bạn của bọn trẻ".
"Quan điểm gia đình hiện đại với môi trường hạnh phúc là so sánh chính con của mình hôm nay có điểm nào đó tốt hơn, khác hơn và tích cực hơn con của ngày hôm qua", phụ huynh H.M.T nêu rõ quan điểm.
Dù rơi vào tình huống tương tự, nhưng nhóm bạn thân của con phụ huynh Đ.T.T vẫn không hề sứt mẻ: "2 năm trước con mình thi vào 10. Trong nhóm con chơi có mình con đỗ chuyên, các bạn còn lại lần lượt học dân lập - do các con trượt - hoặc do mong muốn của gia đình, nhưng đến giờ các con vẫn chơi với nhau. Dù các con mỗi bạn một trường nhưng nhóm gần 10 bạn có nam, có nữ vẫn hẹn nhau đi chơi. Mình thấy may mắn vì các con vẫn bên nhau".
Tác hại của quan điểm "con nhà người ta" và những điều phụ huynh cần tránh
Quan điểm "con nhà người ta" khiến cho các bạn học sinh phải chịu đựng áp lực tâm lý nặng nề. Họ luôn cảm thấy mình phải cạnh tranh và không được phép mắc lỗi, dẫn đến căng thẳng, lo âu và có thể gây mất tự tin. Đôi khi, điều này còn khiến các em mải mê theo đuổi thành tích đến mức quên mất giá trị của việc học hỏi và phát triển cá nhân.
Sự so sánh không công bằng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa con cái và phụ huynh, giữa học sinh với nhau, tạo ra khoảng cách và mất đi sự hỗ trợ, động viên từ những người xung quanh. Điều này cũng khiến cho thanh thiếu niên không dám thất bại và khó có cơ hội học hỏi từ sai lầm của mình, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành và phát triển của họ.
Để giúp con thoát khỏi quan điểm "con nhà người ta", cha mẹ có thể thực hiện một số bước sau:
1. Khích lệ con theo đuổi đam mê: Hãy lắng nghe và hỗ trợ con trong việc khám phá sở thích và niềm đam mê của mình, không chỉ giới hạn trong việc học ở trường.
2. Tạo môi trường an toàn tinh thần: Xây dựng một môi trường gia đình yêu thương, nơi con có thể chia sẻ mọi vấn đề mà không sợ bị đánh giá hoặc so sánh.
3. Công nhận và khen ngợi tiến trình, không chỉ thành tích: Hãy nhận ra và khen ngợi những nỗ lực và tiến bộ của con, dù chúng có nhỏ như thế nào đi nữa, thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng.
4. Dạy con cách đối mặt với thất bại: Giáo dục con rằng thất bại là một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành, và từ đó rút ra bài học để tiến bộ hơn.
5. Giảm bớt áp lực thành tích: Đừng đặt nặng vấn đề thành tích và kỳ vọng vô lý lên vai con, và hãy tránh so sánh con với người khác.
6. Hoạch định mục tiêu cùng con: Thảo luận và đặt mục tiêu cùng con, đồng thời giúp con xác định các bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu đó mà không bị áp đặt.
7. Sử dụng lời khích lệ thay vì chỉ trích: Khi con không đạt được như mong đợi, hãy sử dụng lời lẽ khích lệ và động viên thay vì phê bình hoặc trách mắng.
Bằng cách áp dụng những phương pháp trên, cha mẹ có thể giúp con xây dựng lòng tự trọng, phát triển tư duy độc lập, và sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa mà không bị gò bó bởi quan điểm "con nhà người ta".
Theo Đông (Phụ Nữ Mới)