Mới đây trên Threads - MXH nổi bật với những chia sẻ “đủ thể loại” của Gen Z gần đây, có các “bảnh” đang sôi nổi thảo luận về một bài đăng viral. Theo đó, cô bạn chia sẻ đoạn tin nhắn xin phép bố mẹ sang nhà anh chị để làm việc, được bố cho phép kèm thêm yêu cầu “về nói cho bố nghe nội dung làm việc”. Nhiều bạn trẻ tham gia nêu lên ý kiến, kể những trải nghiệm vui về mối quan hệ giữa Gen Z - bố mẹ hiện tại.
Yêu cầu bật chế độ chia sẻ vị trí trực tuyến, "đánh úp" bằng cách gọi điện qua video
Trường hợp của bạn nữ trong bài đăng khiến các bạn trẻ không khỏi cảm thán khi cách đối thoại của bố - con không khác gì đang… báo cáo tiến độ công việc với sếp!
Một người dùng tò mò hỏi thăm liệu bố của bạn nữ có làm việc trong một tập đoàn lớn không, vì cách nói “go ahead” (tạm dịch là triển khai đi) rất “công sở”, theo đúng quy trình trình báo rồi đợi phê duyệt mới được làm. Bạn nữ cũng thành thật: “Ừ! Quen công việc đến mức giờ bố tớ nhắn tin với tớ cũng toàn như cấp trên, cấp dưới.”
Hoá ra, trải nghiệm của bạn nữ vốn là chuyện không của riêng ai. Rất nhiều “bảnh” đồng cảm và chia sẻ câu chuyện cá nhân. Có những tài khoản cho biết họ đều đã trên 18 tuổi, thậm chí đã là “mẹ bỉm” vẫn được bố mẹ giám sát và phê duyệt tận tình, tưởng như cách thức này sẽ được áp dụng vô thời hạn luôn vậy.
“Bố mẹ mình cũng thế. Muốn đi đâu phải xin phép, nói địa điểm cụ thể, đi cùng ai, trai hay gái. Nếu chỗ ấy bố mẹ mình cảm thấy an toàn thì mới cho đi, toàn về nhà trước 10h tối thôi.” - Giờ giới nghiêm của một cô bạn được xem là khá “hiền” so với bạn bè cùng trang lứa, cần phải được “xét duyệt” về địa điểm trước khi đi chơi.
“8h hơn đi chơi tới 9h hơn xíu là phải về nhà. Bố mẹ mình bảo đi đâu cũng phải xin phép nhưng mà khi xin phép thì lại không cho. Cấm ngủ qua đêm nhà bạn, mặc dù nó có gọi xin phép cũng không cho", nỗi lòng của một Gen Z có phụ huynh khó!
"Bố mẹ không cần hỏi, mình tự báo cáo trước khi đi lẫn về", một "chiếc" Gen Z trình bày bản "kế hoạch" đầy đủ về những người mà cô bạn đi cùng, thậm chí chia sẻ cả vị trí live để bố mẹ có thể theo dõi.
Từ thực tế, chúng ta nhận ra công thức quản lý con cái của bố mẹ là:
Đặt giờ giới nghiêm khi phố còn sáng đèn, lựa từng giây để nhắc nhở, đánh giá những điều được - không được làm khi không có bố mẹ theo dõi, thậm chí còn yêu cầu con luôn bật chế độ chia sẻ vị trí trực tuyến để tiện quan sát xem có đi đúng như đã “báo cáo” không. Xin số điện thoại phụ huynh bạn đi cùng, hay “đánh úp” bằng cách gọi điện qua video.
Là tự do dữ chưa!
Chính chủ bài đăng và nhiều người dùng cũng cho biết thêm, dù họ không phủ nhận sự khắt khe của gia đình, nhưng nếu một ngày không được gọi điện, nhắn tin như vậy thì sẽ thấy thiếu, thấy nhớ, thậm chí là cả bất an nếu không được hai “sếp” theo sát.
Gen Z nghĩ gì khi bị theo dõi "hành tung"?
Cách quản lý con trên khiến các bạn trẻ không khỏi liên tưởng đến một vị quản lý trong văn phòng: Cũng vạch rõ giờ làm việc, nhắc nhở khi đến deadline, báo cáo tiến độ mọi lúc, mọi nơi, nếu “kế hoạch” có gì không hay, không ổn, sẽ được “feedback” để chỉnh sửa.
Nhiều người đồng ý rằng xin phép bố mẹ đi chơi, đi học, thông báo về thời gian cụ thể… vốn là chuyện bình thường để bố mẹ quản lý con cái, đề phòng những trường hợp bất trắc. Song, yêu cầu được biết cả nội dung cụ thể của buổi gặp mặt thì khá độc đáo.
Bạn H. (23 tuổi, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh), cũng tuân thủ lệnh giới nghiêm khá nghiêm ngặt từ phụ huynh dù đã tốt nghiệp và đi làm. Cô bạn chia sẻ góc nhìn: “Mình cũng có giờ giới nghiêm trước 10h30 tối, trước khi đi đều phải hoàn thành xong việc nhà, và phải nhắn rõ với bố mẹ đi đâu, đi với ai. Mình không thấy ngại hay gò bó gì, lại cảm thấy an toàn hơn.
Có điều nhà mình không hỏi cụ thể mình làm gì trong buổi đi chơi. Nếu thích thì mình có thể kể với mẹ thôi. Mình nghĩ bố của bạn gái ấy quan tâm đến con, muốn đảm bảo con mình có những buổi làm việc chất lượng nên mới hỏi thăm để đưa ra lời khuyên.”
Bạn U. (19 tuổi, sinh sống tại Đà Nẵng) hiểu cho cách kiểm soát con cái của các vị phụ huynh hiện tại: “Mình tin rằng bây giờ mạng xã hội phát triển, các bạn trẻ thì có nhiều lựa chọn vui chơi hơn, còn phụ huynh thì cũng tiếp cận với nhiều những thông tin về trường hợp hy hữu trên mạng hơn. Có biết bao nhiêu vụ việc đáng tiếc đã xảy ra khi phụ huynh không theo dõi sát sao con cái, nên họ phải yêu cầu con chia sẻ chân thật để phản ứng kịp nếu có trường hợp xấu xảy ra.”
“Mình thấy rất mến những phụ huynh như vậy đấy chứ!” là chia sẻ của bạn M. (23 tuổi, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh). Cậu bạn cho biết mình hay tự động chia sẻ định vị với mẹ để mẹ tiện theo dõi “hành tung”. Ban đầu mẹ sử dụng còn nhiều bất cập, nhưng rất chịu khó học để thành thạo công nghệ dù đã ngoài 50 tuổi. “Mình vui khi thấy những phụ huynh rất chịu khó học hỏi vì an toàn của con cái.” - M. khẳng định.
Xây dựng lòng tin là cách thêm nhiều sự tự do
Biết được ý tốt từ gia đình, nhưng không ít bạn trẻ cảm thấy bức bối bởi những lệnh giới nghiêm mà các bạn cho là quá khắt khe. “Dù gì cũng đã qua 18 tuổi, đã đủ khả năng chịu trách nhiệm cho hành vi và bảo vệ bản thân mình và cũng có những nhu cầu vui chơi, liệu theo dõi nhất cử nhất động có phải là quá mức hay không?” - Suy nghĩ không ít bạn trẻ hiện tại, mà nếu nêu ra trước những vị phụ huynh có thể dễ dàng dẫn đến những cuộc tranh luận không hay.
Bạn P. (26 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) - một “người từng trải” bố mẹ nghiêm khắc mách nhỏ Gen Z cách để dần được nới lỏng sự kiểm soát mà vẫn “đẹp lòng” phụ huynh:
“Điều quan trọng là phải có lòng tin của bố mẹ. Cách tốt nhất là chủ động thông tin đến bố mẹ trước khi được hỏi đến nè! Cũng hãy chịu khó rủ bạn bè đến nhà chơi, gặp mặt phụ huynh để bố mẹ quen mặt, biết mình được vây quanh bởi những người bạn tốt, thì cũng sẽ yên tâm hơn. Khi ấy, dù không nói thì phụ huynh cũng sẽ nới lỏng quy định, hoặc là dễ dàng “xin xỏ” bố mẹ để đi về trễ, đi nhiều nơi hơn đó!”.
Đồng tình với quan điểm, bạn H. nói thêm: “Nhất định là phải thẳng thắn, không nên nói dối với bố mẹ. Nếu phụ huynh không đồng ý thì thảo luận lại với bạn bè để chọn địa điểm khác phù hợp hơn. Chứ nghe theo lời bạn mà làm mất lòng tin với phụ huynh thì thực sự là không đáng.”
Còn bạn, bạn nghĩ sao về sự kiểm soát này?
Theo Hải Yến - Huy Minh (Phụ Nữ Số)