Đạo diễn Quốc Trọng cho rằng vụ Hãng phim truyện Việt Nam là chuyện doanh nghiệp mượn danh cổ phần hóa để biến đất đai thuộc sở hữu nhà nước thành tài sản công ty.
Đạo diễn Quốc Trọng là một trong những tên tuổi lớn của làng phim truyện hình. |
'Mượn danh cổ phần hóa'
Cổ phần hóa là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược đối với nền kinh tế hiện nay của đất nước. Tôi cũng biết rằng các nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam không hề phản đối chủ trương, xu hướng này.
Nhưng cách thức, quy trình cổ phần hóa như thế nào lại là vấn đề đáng quan tâm và phải bàn luận. Vụ Hãng phim truyện Việt Nam, theo tôi là doanh nghiệp kinh doanh mượn danh cổ phần hóa để biến đất đai thuộc sở hữu của nhà nước thành tài sản của công ty.
Họ lợi dụng sự suy yếu, lỗ vốn của Hãng phim truyện Việt Nam để thừa cơ đứng lên trục lợi trên mảnh đất vàng.
Không thuộc biên chế của Hãng phim truyện Việt Nam nhưng hơn một năm nay, tôi là người theo dõi rất kỹ về cuộc đấu tranh của các nghệ sĩ và phản hồi của các bên liên quan. Tôi đồng cảm với các nghệ sĩ nhưng cũng phải nói rằng từ đầu đến cuối, những phát biểu của các nghệ sĩ chỉ là tâm huyết, khóc than. Khóc quá nhiều.
Các nghệ sĩ chưa hề có những biện pháp cụ thể, rõ ràng. Nếu chỉ khóc than thì rồi tất cả sẽ lại rơi vào im lặng. Có những thắc mắc, sự thật các nghệ sĩ cần phải tìm câu trả lời.
Họ định giá giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0, sao có thể như vậy được?
'Di sản văn hóa phi vật thể'
Chúng ta cần phải biết rằng số 4 Thụy Khê là di sản văn hóa phi vật thể. Không ai lại đối xử với di sản văn hóa như vậy. Tôi mong các đồng nghiệp hãy nén cảm xúc lại và cùng nhau gỡ từng mối một, từng đầu sợi chỉ.
Theo đạo diễn Quốc Trọng, Hãng phim truyện Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một số người cho rằng các nghệ sĩ đang sống bằng ánh hào quang của quá khứ mà không bắt kịp được nhu cầu của thị trường, tôi lại không nghĩ như vậy.
Chúng ta phải tôn trọng lịch sử, sao có thể sống mà không có lịch sử. Ai cũng có hào quang, một đại gia giàu có, con cái của anh ta có quyền tự hào về thành tích của anh ta không? Vậy nghệ sĩ cũng vậy, họ có quyền tự hào về những điều họ đã làm được.
Tôi tin nếu được đứng trên đôi chân của mình, đội ngũ nghệ sĩ ở hãng sẽ làm được điều mà nhiều người mong mỏi là vực dậy hãng. Tất nhiên, không phải làm một mình vì cũng không hề khó để tìm ra những đối tác tốt, có chuyên môn để hợp tác và cùng làm.
Hollywood cũng có những bộ phim do nhà nước đặt hàng. Họ vừa làm phim để phục vụ khán giả vừa làm phim theo nhu cầu thị trường, các nghệ sĩ của hãng phim cũng có thể học hỏi điều này.
Các nghệ sĩ phải chứng tỏ mình với những bộ phim mới, những dự án hứa hẹn. Đã đến lúc, các nghệ sĩ phải giải được bài toán kinh tế đặt ra cho các tác phẩm của mình.
Còn nếu cuộc đấu tranh của các nghệ sĩ thất bại thì sau Hãng phim truyện Việt Nam có thể sẽ là các hãng phim và các nhà hát cũng sẽ bị doanh nghiệp “thôn tính”, đó là điều chắc chắn.
NSƯT Quốc Trọng là đạo diễn của nhiều phim truyền hình như Mùa lá rụng, Đường đời, Bí thư tỉnh ủy, Hương đất, Ngõ lỗ thủng… Ngoài vai trò đạo diễn, NSƯT Quốc Trọng còn được biết đến là một diễn viên, đặc biệt thành công với vai Xuân tóc đỏ trong bộ phim Số đỏ. Trong Người phán xử - bộ phim gây bão cách đây không lâu, Quốc Trọng vào vai Phan Sơn - anh trai của Phan Quân. Diễn xuất của nam nghệ sĩ được đánh giá là xuất sắc. Hiện NSƯT Quốc Trọng là đạo diễn, diễn viên của Trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài truyền hình VN. |
(Đạo diễn - NSƯT Quốc Trọng )
Theo Tri Thức Trực Tuyến