Bộ trưởng Văn hóa yêu cầu minh bạch trong vụ Hãng phim truyện VN

20/09/2017 22:55:00

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ với vấn đề cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam, các bên liên quan phải công khai, minh bạch trước dư luận.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ với vấn đề cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam, các bên liên quan phải công khai, minh bạch trước dư luận.

Bo truong Van hoa yeu cau minh bach trong vu Hang phim truyen VN hinh anh 1

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các bên liên quan. Ảnh: VH.

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ với vấn đề tại cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam các bên phải công khai, minh bạch.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Ban chỉ đạo cổ phần hoá và Công ty Cổ phần và phát triển phim truyện Việt Nam cần tích cực sắp xếp bộ máy, chính sách, công tác cán bộ, tiền lương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu phải có cách điều hành, quản trị một đơn vị nghệ thuật phù hợp, có các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; đưa ra các lộ trình sản xuất tốt với mục đích có việc làm cho anh em. Đặc biệt, ban chỉ đạo cổ phần hóa và công ty phải tiếp tục công khai hoá những vấn đề dư luận đặt ra.

Trước thắc mắc của nhiều nghệ sĩ về lý do vì sao đất đai không được tính vào giá trị doanh nghiệp trong quá trình định giá Hãng phim truyện Việt Nam, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái - người chịu trách nhiệm về ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: "Hiện đất của hãng phim đều là đất thuê của Hà Nội. Theo nghị định của Chính phủ thì đất đi thuê không được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Với Hãng phim truyện Việt Nam, chỉ có nhà cửa trên đất đai được tính vào giá trị của doanh nghiệp".

Bo truong Van hoa yeu cau minh bach trong vu Hang phim truyen VN hinh anh 2

Ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định không có chuyện dòn phòng để cho quán bún, quán phở vào thuê. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải Thủy Vivaso tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và sẽ thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, với Bộ Văn hóa khi cổ phần hoá VFS.

"Chúng tôi khẳng định là không có chuyện cho thuê nhà xưởng, phòng làm việc của Công ty để kinh doanh, bán bún, bán phở như nghệ sĩ đã lên tiếng", ông Nguyên khẳng định.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải Thủy Vivaso cũng cho biết sẽ không để Nhà nước gánh nợ, bù lỗ (trong trường hợp đầu tư làm phim). Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ cố gắng nâng cao mức sống cũng như tạo công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên.

"Chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm trong sự cố công tác điều hành, thông báo, giải thích đối với các nghệ sĩ", ông Nguyên nói.

Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.

Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim cũng hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.

Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau đó, các nghệ sĩ lên tiếng "tố" quá trình cổ phần hóa không minh bạch. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017.

Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật