Suốt một thời gian dài phát sóng hơn 2 tháng của Cả Một Đời Ân Oán, ngoài những ưu điểm tất nhiên vẫn còn những khuyết điểm, những hạt "sạn" khiến khán giả đôi khi khó chịu.
Dù tròn vai nhưng không phải vai nào cũng trọn vẹn
Trong Cả Một Đời Ân Oán, có lẽ đáng nhớ nhất đến thời điểm hiện tại, chỉ có bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên), Phong (Hồng Đăng) và Diệu (Lan Phương). Thế nhưng có một mắt xích của những ân oán mà mọi người đang lãng quên, ấy chính là Dung (Hồng Diễm).
Cuộc sống an phận, cuộc đời nhạt nhẽo
Có lẽ đây là câu từ hợp lý nhất để miêu tả về vai diễn Dung của nữ diễn viên Hồng Diễm. Đã ít đất diễn thì chớ, mỗi khi xuất hiện, Hồng Diễm đều mang theo một vẻ mặt bình thản, an nhiên không hề thay đổi, càng xem càng thấy hơi khó chịu.
Vẫn biết, mỗi nhân vật có một cá tính riêng. Nhưng khán giả vẫn tức anh ách khi Dung không hề có phản ứng gì trước việc mình bị mọi người chèn ép. Bà mẹ chồng tai quái luôn ép Dung phải làm cái này, cái nọ khiến cô bị rèn vào khuôn khổ lúc nào chẳng hay biết. Làm con dâu một gia đình bề thế, nhưng nếu nhìn vào có khi mọi người lại nghĩ đây là người giúp việc, vì đến bé Nguyên Dung cũng không bao giờ nói to một lời.
Có thể thông cảm cho Dung vì sống kiếp vợ lẽ, khó mà có tiếng nói trọng lượng trong gia đình nhà chồng. Nhưng kể cả về đến nhà mẹ đẻ, Dung vẫn không hề thay đổi chút nào. Chỉ biết yên phận, ai bảo gì nghe nấy. Đến mức bà mẹ còn tức điên và quát lên: "Không biết mày có phải con tao không mà chẳng giống tao tí nào. Ai nói gì cũng im, chỉ cười cười".
Rồi cả chuyện khi biết chồng căn dặn cô gái lạ phải giữ lấy cái thai, Dung cũng chỉ bùng cháy trong tích tắc rồi... thôi. Chứ nếu chuyện này vào tay Diệu, chắc chắn sẽ biến thành chuyện cấp gia đình là ít nhất!
Là một mắt xích của những ân oán nội bộ, việc vai diễn Dung cứ mờ nhạt như vậy ít nhiều khiến khán giả thấy nản. Thực sự khó để tiếp nhận được gương mặt chỉ có một biểu cảm, đã thế lại luôn chỉ biết khuyên nhủ người khác phải sống thế nào, trong khi chính bản thân lại không thể thỏa mãn hạnh phúc chính mình.
Quá chìm thì không nên, mà quá xốc nổi cũng chẳng tốt
Đó chính là vai diễn Khôi của Thanh Sơn. Với nhân vật này, Thanh Sơn phải tỏ ra thật bốc đồng, nóng nảy, bất cần, làm trước nghĩ sau. Chẳng thế mà nhiều phen anh đã chuốc lấy những cú đấm nổ đom đóm mắt của những vai diễn khác.
Mặc dù đây không phải một vai diễn tệ, nhưng để nhớ về cá tính của anh chàng này, thì khán giả khó lòng chọn được một lối đi rõ ràng
Lời thoại làm quan trọng hóa vấn đề!
Dù đã công nhận Cả Một Đời Ân Oán có những màn đấu khẩu rất "gắt", nhưng đôi khi nếu tuân theo mạch phim, thì đây lại là một yếu tố thừa thãi. Đúng là cái gì quá cũng không tốt.
Ví dụ như việc bà Lan không chấp nhận để Diệu leo lên hàng dâu cả, nhưng cũng không cần thiết phải luôn "niệm thần chú" mọi lúc mọi nơi rằng: "Diệu đến sau, có gì phải học hỏi Dung nhiều" vì "đến trước đến sau không thể phân định được cả và thứ". Điều này vô tình khiến bà Lan có chút nhỏ nhen, đi ngược với hình tượng đang được xây dựng cho nhân vật này. Bởi nếu nhỏ nhen, bà đã chẳng đồng ý cho mẹ con bà Mai (Minh Phương) dọn đến ở chung nhà.
Rồi vẫn là sự bốc đồng của Khôi, nhiều khi anh nói được những câu rất thấm như: "Tình yêu là gì khi người đàn ông không chung thủy", hay khi nói chuyện với anh trai, cậu khẳng định: "Em làm vai phụ quen rồi, nhưng nhất quyết chỉ làm vai phụ cho anh chứ không phải ông Phong".
Tư duy sâu sắc như thế, nhưng Khôi ngoài việc nói Phong là thằng con rơi, thì lại chưa bao giờ đả kích lại được những câu xoáy thâm thúy của anh trai cùng cha khác mẹ. Đồng ý rằng đây chính là điểm để nhấn mạnh sự trẻ con trong tính cách của Khôi, nhưng nó lại bất hợp lý vì Khôi rất hiếu thắng, mới chỉ bị Phong nói một câu đã "rụt cổ" câm nín thì… hơi sai!
Những yếu tố phụ khác
Ngoài điểm nổi cộm nằm trong diễn viên, thì những yếu tố ngoại cảnh khác cũng nhanh chóng bị bắt bài. Vẫn hiểu rằng, chi phí để đầu tư cho một tập phim truyền hình là không nhiều, nhưng không có nghĩa là được qua loa trong việc dựng bối cảnh. Không ít lần, trong cùng một tập phim, ở những cảnh và mốc thời gian khác nhau nhưng diễn viên vẫn mặc lại quần áo, uống lại một cốc nước, thậm chí cả chỗ ngồi cũng vẫn thế, chỉ khác mỗi góc quay mà thôi.
Sau tập 30, Cả Một Đời Ân Oán sẽ được chuyển sang phần 2 với những diễn biến mới đầy hấp dẫn cùng loạt nhân vật mới của 20 năm sau. Nếu muốn giữ chân khán giả đều đặn với mạch truyện, tất nhiên phải càng ít sơ sót càng tốt.
Đón xem Cả Một Đời Ân Oán phát sóng thứ 4, thứ 5 hàng tuần trên VTV3 lúc 21h50.
Theo Bảo Anh (Trí Thức Trẻ)