Như các khán giả của Cả một đời ân oán đã biết, mối quan hệ giữa Phong (Hồng Đăng) và Diệu (Lan Phương) đã đi đến giai đoạn hôn nhân. Những câu chuyện về thuở hàn vi của cô đã đánh động được sự đồng cảm trong anh và từ đó gây ra một sự gắn kết nhất định trong tâm hồn hai người.
Cũng cần phải lưu ý trước rằng Phong cũng có xuất thân thiếu thốn sự chăm lo của phụ mẫu giống như Diệu nên dù cô không phải là mẫu người anh mong muốn thì Phong vẫn rất dễ dàng bị cuốn hút bởi cô gái này. Trong tình yêu, đáng sợ nhất không phải là bị đối phương ghét bỏ vì nhiều khi từ ghét chuyển sang yêu lại rất dễ dàng. Đáng sợ nhất là không có một vị trí nào trong lòng đối phương vì khi đó, bạn không thuộc về thế giới của họ nữa. Tuy nhiên, liệu tình yêu được phát triển từ lòng thương hại liệu có phải là một nền tảng lâu dài cho hôn nhân?
Ở đây, chúng ta đều thấy rằng Phong đang dần đi lại con đường mà bố mình đã đi. Ông Quang vốn là một chàng trai ngay thẳng và chung thuỷ. Tuy nhiên, sau khi bị mẹ Phong bỏ rơi không lý do, ông đã gặp được một người phụ nữ khác. Đó chính là vợ ông hiện giờ, bà Lan. Như mọi người đã thấy, bà Lan khác biệt với ông Quang về mọi mặt. Hai người đến với nhau vì mục đích ân huệ. Ông Quang đã cứu bà Mai thoát khỏi vụ tàu đắm và bảo vệ bà trước định kiến về thân thế con gái nhà tư sản của người đời.
Đây là điều khiến bà Lan yêu ông say đắm và cũng là điều xoáy sâu trong những uẩn ức và hoài nghi trong lòng bà suốt mấy chục năm hôn nhân. Rằng, liệu người chồng có bờ vai vững chắc mà mình tựa vào hằng đêm có thực sự yêu mình hay đó chỉ là một sự thương cảm dành cho một người có số phận kém may mắn. Rằng nếu bà không phải con gái của một gia đình tiểu tư sản đã bỏ mạng khi vượt biên thì ông Quang có đối xử với bà với nhiều ưu ái như bây giờ không? Sự xuất hiện của bà Mai không phải là nguyên nhân của những rạn nứt trong hôn nhân mà chỉ là cái cớ, chiếc phao cứu sinh, một kẻ thù giả hiệu để bà trút hết cơn giận và sự tủi hờn của mình lên đó.
Đó là tấm gương của ông Quang, thế còn Đăng (Mạnh Trường), người anh cùng cha khác mẹ của Phong thì sao? Ai cũng biết Đăng đang có mối quan hệ hạnh phúc với Dung. Nhưng đó là tình cảm bền vững thực sự hay chỉ là sự yên bình trước cơn bão? Đăng đến với Dung trước hết không phải vì tình yêu mà bởi vì cô là mẫu người vợ lý tưởng để anh yên tâm chinh chiến lăn xả với giới thương trường.
Đăng luôn miệng gọi vợ là bảo bối nhưng đó không phải là cách gọi mà một người chồng gọi người bạn đời của mình mà giống như một gã gia trưởng nói về thê thiếp của mình thì đúng hơn.
Bản chất Đăng không phải con người xấu hay chăng hoa. Anh chỉ đơn giản là vẫn còn quyến luyến hình bóng người vợ cũ (đã chết) còn Dung chỉ là người thay thế, một cô gái nhà nghèo mà anh nghĩ là lý tưởng để giúp đỡ gia đình anh trong việc nữ công gia chánh và cuộc hôn nhân này giống như một ân huệ nhiều hơn là sự tương giao trong tâm hồn của hai người.
Như chúng ta đều biết, chỉ không lâu sau nữa thôi, Đăng và Diệu sẽ đi đến đám cưới. Đây là đám cưới đầu tiên xuất hiện trong phim và nó được xây dựng trên một nền tảng tìm hiểu khá thuyết phục giữa hai nhân vật. Tuy nhiên vẫn phải để ý rằng lời nói của bà Mai có sức ảnh hưởng rất lớn đến quyết định và cái nhìn của Phong về Diệu. Trước đây, cũng vì sự thúc ép khá quyết liệt của mẹ mà Phong đã quyết định từ bỏ công việc trong mơ ở nước ngoài để dấn thân vào Vũ Gia.
Với người mẹ, việc đoàn kết và tiếp nhận người bố đẻ chưa bao giờ xuất hiện là điều quan trọng nhất trên đời nhưng với người con, việc đối mặt với một hình mẫu xa lạ và vẫn còn nhiều sự hiềm khích đến từ phía gia đình riêng của người bố lạ mặt này lại có thể là một gánh nặng quá sức chịu đựng.
Nếu như Phong chưa kịp rút kinh nghiệm từ cuộc đời của người bố và anh trai thì có lẽ anh cũng nên nhìn lại chính cuộc đời của mình hiện tại để đưa ra quyết định chính xác nhất cho cuộc đời của mình sau này. Bởi lẽ nếu hôn nhân không xuất phát từ tình yêu mà bởi vì những nghĩa cử cao cả khác, thì đó là kiểu hôn nhân kém bền nhất.
Theo Minh Quân (Trí Thức Trẻ)