Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng ca sĩ không học thanh nhạc vẫn có thể thành công. Nhưng để đi được đường dài thì việc học hành cũng đóng vai trò quan trọng.
Phát ngôn “Miền Nam nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này" của Thanh Lam làm dậy sóng dư luận những ngày qua. Bên ủng hộ cho rằng quan điểm của giọng ca Chia tay hoàng hôn không có gì sai vì ngành nghề nào cũng cần phải được học hành.
Tuy vậy, cũng không ít chuyên gia và khán giả đánh giá âm nhạc là loại hình nghệ thuật đặc thù. Ở đó yếu tố năng khiếu, cảm xúc được đặt trên kỹ thuật thanh nhạc. Dẫn chứng cho nhận định này là nhiều ca sĩ không được đào tạo chuyên nghiệp tại trường lớp nhưng vẫn thành công.
‘Không học nhạc vẫn có thể thành công nếu có năng khiếu’
Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Ca sĩ không học thanh nhạc, liệu có thể thành công?”, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đáp: “Không gì là không thể nếu ca sĩ đó có giọng hát bản năng tốt, có năng khiếu, cộng thêm với yếu tố may mắn”.
Làng nhạc Việt đương đại có nhiều ca sĩ thành công và được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại không phải dân học thanh nhạc bài bản. Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thu Minh, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn là những ví dụ. Trước đó, thế hệ tân nhạc của Lệ Thu, Khánh Ly ở miền Nam gần như đều không học nhạc.
Khánh Ly cho biết bà hát 55 năm nhưng không biết nốt nhạc nào. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chỉ đệm đàn và hướng dẫn chứ không ép bà phải hát như thế nào cho đúng. “Tôi hát tự nhiên và bản năng. Cứ hát là hát thôi”, nữ danh ca nói.
Lý giải về trường hợp của Khánh Ly cùng nhiều giọng ca nổi tiếng cùng thời, không học nhạc nhưng vẫn trở thành “tượng đài”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhấn mạnh tới yếu tố giọng hát bẩm sinh. Ngoài ra, chất du ca với yêu cầu hát theo ngẫu hứng cũng làm nên thành công của những ca sĩ hát nhạc Trịnh.
Về thành công của Hồng Nhung, Thu Minh, Hà Anh Tuấn hay nhiều giọng ca khác, nhà phê bình âm nhạc cho rằng “thực chất có rất nhiều cách tiếp cận với thanh nhạc. Đến trường lớp không phải là con đường duy nhất. Các ca sĩ có thể tham gia khóa học hoặc học trực tiếp với những giảng viên thanh nhạc”.
Khi nghe Thu Minh và Hồng Nhung hát, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định “yếu tố kỹ thuật là có, thể hiện ở hơi thở, vị trí âm thanh, sắc thái. Không có kỹ thuật, không hát được như vậy”.
“Với đặc thù ca hát ở Việt Nam không nặng về yếu tố kỹ thuật, việc tự học với thầy thay vì trải qua đào tạo bài bản chính quy tại trường lớp là cách mà nhiều ca sĩ lựa chọn. Dẫu thế, thành công hay thất bại thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức học hành", nhạc sĩ nhấn mạnh.
"Nhạc Việt thuở xưa vẫn học bằng hình thức truyền khẩu như quan họ, ca trù, xẩm. Nhưng tất nhiên phải học với thầy mới có kết quả vì tự học rất khó. Ngoài ra, nếp thưởng thức và âm nhạc của người Việt vốn không quá phức tạp. Với những dòng nhạc như nhạc sến, không cần nhiều kỹ thuật, quan trọng là phải hát tình cảm”, ông nói.
‘Học thanh nhạc đóng vai trò quan trọng để đi đường dài’
Ghi nhận sự thành công của những giọng ca không học hành thanh nhạc chuyên nghiệp, nhưng nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhận định trong nghệ thuật ca hát chuyên nghiệp hiện nay, học qua trường lớp vẫn là cơ bản nhất.
Việc học giúp ca sĩ có thể khai mở được tốt nhất giọng hát của mình, hạn chế các tật trong giọng hát từ vị trí, hơi thở, cách phát âm. Ngoài ra, ca sĩ cũng có sự tinh tế trong cách xử lý một tác phẩm. Thậm chí việc học còn có thể trang bị cho ca sĩ sự tự tin, hát không cần có sự “phù phép” của âm thanh và những hiệu ứng “màu mè” khác.
“Không phải bỗng dưng mà có hệ thống khoa học về phương pháp sư phạm thanh nhạc. Việc bài bác việc học thanh nhạc là đi ngược với lịch sử phát triển của nghệ thuật ca hát thế giới cũng như Việt Nam vì học hành có yếu tố rất quan trọng”, nhà phê bình nhấn mạnh.
Thực tế làng nhạc Việt cho thấy những ngôi sao hạng A thường là dân học nhạc. ¾ diva Việt được đào tạo bài bản về thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những ca sĩ như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương đến Sơn Tùng M-TP đều là dân học nhạc chuyên nghiệp tại trường lớp.
Ngoài ra, theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc viện không chỉ đào tạo về kỹ thuật thanh nhạc mà còn giúp người hát nhận thức và có thẩm mỹ, mỹ học âm nhạc. Điều này có lợi cho những ai chọn ca hát là con đường chuyên nghiệp.
“Thực tế ở thị trường âm nhạc hiện nay cho thấy, nhiều ca sĩ hát ca khúc về cha mẹ, về tình yêu đối lứa, về tình cảm anh em với cách thể hiện và cảm xúc nức nở giống hệt nhau. Đó là hệ quả của việc thiếu thẩm mỹ âm nhạc, không phân biệt được sự khác nhau trong cách thể hiện”, nhà phê bình cho hay.
Là dân lý luận có nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc và thị trường biểu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định ca sĩ nhạc nhẹ còn có thể tự học thanh nhạc với mô hình đào tạo khác nhau. Còn với nhạc thính phòng - opera, việc học thanh nhạc tại nhạc viện gần như là bắt buộc.
“Hát thính phòng - opera mà không học rất khó thành công. Tất nhiên, cũng có một vài trường hợp hát được nhưng rất ít. Về cơ bản phải có học mới hát tốt được”, nhạc sĩ khẳng định.
‘Kỹ thuật chỉ là phương tiện để truyền tải giọng hát’
Trong cuộc tranh cãi về phát ngôn của Thanh Lam những ngày gần đây, nhiều người phản đối giọng ca Giọt nắng bên thềm với dẫn chứng về việc những diva quốc tế, ca sĩ nổi tiếng thế giới đều không được thanh nhạc. Nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho rằng dẫn chứng đó là chủ quan.
“Ở phương Tây có một mô hình sinh hoạt âm nhạc hết sức chuyên nghiệp rất phổ biến mà Việt Nam không có đó là sinh hoạt ở nhà thờ. Nhiều giọng ca nổi tiếng hiện tại, thực tế từ nhỏ họ đã hát tại dàn hợp xướng ở nhà thờ. Đó là cách hát bốn bè có kỹ thuật. Thực tế, âm nhạc thính phòng cũng từ nhà thờ mà ra”, nhà phê bình nêu quan điểm.
Ngoài ra, ở nhiều nước phương Tây, ngay từ thời học tiểu học - trung học, học sinh đã có điều kiện được học ít nhất một nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Hệ thống giáo dục của nhiều nước rất coi trọng việc phát triển năng khiếu âm nhạc của trẻ, điều mà Việt Nam chưa làm được.
“Cách hát Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion là có kỹ thuật thanh nhạc, thậm chí đó là kỹ thuật thanh nhạc cổ điển. Nhưng quan trọng là họ đã khóa được kỹ thuật thanh nhạc trong cách hát, tức không bị lộ kỹ thuật”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định kỹ thuật hết sức quan trọng đối với một người làm nghề ca hát chuyên nghiệp. Song, về bản chất nó cũng chỉ là phương tiện để truyền tải giọng hát và cảm xúc.
Muốn thành công, không nên lạm dụng và trưng trổ kỹ thuật, cần phải biến kỹ thuật đó trở thành bản năng có ý thức.
Theo Lê Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)