Bộ đánh giá vài phát ngôn của lãnh đạo Vivaso dành cho nghệ sĩ hãng phim không phù hợp chuẩn mực ứng xử giữa người với người.
Trao đổi với báo chí chiều 10/10, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết thời gian qua, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam có một số khúc mắc với nhà đầu tư hãng phim. Bộ nhận xét một số phát ngôn của nhà đầu tư: "Không phù hợp theo thuần phong mỹ tục và ứng xử giữa con người với con người". Bộ yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời.
"Bộ đã thông qua đại diện phần vốn của Nhà nước đề nghị lãnh đạo công ty quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ nghệ sĩ hơn nữa, điều chỉnh phát ngôn tránh gây bức xúc trong cán bộ nghệ sĩ", ông Nguyễn Thái Bình nói.
Bộ Văn hóa đã đề nghị đơn vị quản lý hãng phim đối xử với người lao động theo nội quy được thống nhất giữa nhà quản lý và cán bộ. Các bên phải tìm tiếng nói chung để cùng xây dựng hãng phim vốn có bề dày lịch sử. Hiện các cơ quan chức năng đang thanh tra việc cổ phần hóa hãng phim theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên (trái) từng gọi diễn viên Quốc Tuấn là "Chí Phèo". Nhiều đồng nghiệp của Quốc Tuấn đã lên tiếng bênh vực anh |
Trước đó, tại một cuộc gặp gỡ với các nghệ sĩ hãng phim, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vivaso (nhà đầu tư) - đã gọi diễn viên Quốc Tuấn là Chí Phèo và nói anh "đi đâu cũng khóc như mưa". Câu nói này ám chỉ việc Quốc Tuấn thường xúc động khi bày tỏ bất bình về những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua.
Phát ngôn của ông Thủy Nguyên bị nhiều đồng nghiệp của Quốc Tuấn lẫn khán giả bức xúc, bởi nó xuất hiện cùng thời điểm diễn viên chia sẻ về việc chữa bệnh thành công cho con trai. Mọi người liên tưởng ông Thủy Nguyên ám chỉ Quốc Tuấn lấy tình trạng bệnh tình của con để kêu gọi tình thương của mọi người. Chủ tịch Vivaso đã phản hồi trên báo ông không có ý đề cập về chuyện gia đình của Quốc Tuấn mà chỉ phát ngôn trong bối cảnh liên quan đến hãng phim.
Nghệ sĩ bức xúc sau buổi đối thoại ở Hãng phim truyện Việt Nam |
VFS là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. 20 năm gần đây, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6.
Nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu đã bức xúc ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm được xác định bằng 0 đồng, hãng lại sở hữu bốn khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP HCM song có giá trị thấp do là đất thuê.
Theo Anh Duy (VnExpress.net)