"Bọn tôi mà có có rớm nước mắt, thì nỗi đau là thật đấy. Làm sao diễn được mà nói như thế", NSND Thanh Vân bức xúc.
Trong suốt ngày qua, câu chuyện xoay quanh cách hành xử của Ban giám đốc mới với những nghệ sĩ đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là chủ đề gây bức xúc trong dư luận.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSND Thanh Vân - một trong những người phản ứng mạnh mẽ nhất trong sự việc này. Ông là người nắm trong tay rất nhiều bằng chứng về những khúc mắc trong qua trình cổ phần hóa của công ty.
Đồng thời, NSND Thanh Vân cũng là người có mặt trong cuộc họp ngày 29/9 mà NS Quốc Tuấn bị ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT VIVISO (đơn vị mua lại Hãng) gọi là "Chí Phèo" khi nói về câu chuyện cảm động giữa anh Tuấn và cậu con trai.
"Đó là hệ lụy đến từ quan điểm của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị"
- Được biết sáng 9/10 các nghệ sĩ đã có hành động phản đối mạnh mẽ với việc thực hiện quy định tính công 8 giờ bằng dấu vân tay do Ban lãnh đạo Công ty đề ra?
Quyết định đặt máy được gửi vào thứ 6 (6/10) tới toàn bộ công nhân viên, nhưng hôm nay thứ 2 đầu tuần mới gọi lên lấy dấu vân tay để thực hiện chuyện đó.
Đương nhiên khối nghệ thuật của chúng tôi không ai đi làm việc đấy cả. Chúng tôi đã làm bản kiến nghị, phản đối từng mục một cách cách rất cụ thể. Nói cho họ biết họ đang sai ở điểm gì, quy chế đó không phù hợp ở điểm gì, dài 5-6 trang rất kĩ lưỡng.
- Mấu chốt của câu chuyện các nghệ sĩ phản ứng với việc chấm công vân tay, chấm công ngày 8 tiếng là gì thưa ông?
Nó là hệ lụy từ quan điểm của ông chủ tịch hội đồng quản trị. Ông bảo tôi về đây chỉ có 20 người đi làm, còn 60 người chơi. Mà 20 người đó là gì? Nhân viên phòng tài vụ, phòng tổ chức, phòng hành chính, phòng bảo vệ và 3 ông trong ban Giám đốc.
Nhưng tôi thử hỏi 20 người đấy có phát triển được Hãng phim truyện Việt Nam không? Và việc đi làm ngày 8 tiếng ở đây có phát triển được việc làm phim không? Mà tại sao bảo những người còn lại kia là không làm việc? Từ cái tư duy đó mới đẻ ra cái việc làm 8 tiếng này.
Trong một cuộc họp với công nhân viên của hãng, tôi đã bảo thế thì các anh quay phim làm việc với máy quay thì ra đề án gì được? Phải có bộ phim sản xuất phim thì người quay phim mới đi làm việc của họ được. Chứ họ lên đây để làm gì?
Còn việc biên kịch cần không gian riêng biệt, cái lao động đặc thù ấy cần cảm hứng sáng tạo. Đằng này ngày 8 tiếng nhồi người ta vào 1 cái phòng chật chội, mỗi người được 1 mét vuông, không bàn không giấy, thì người ta viết cái gì?
Chắc ông Nguyên vẫn nghĩ đây là một công ty sản xuất cốc chén, 1 năm sản xuất được 1 vạn cái cốc và đấy mới chính là sản phẩm.
Tôi ví dụ bây giờ chị biên kịch ngồi viết kịch bản đến 2 giờ sáng, thì cơ quan phải cử người đến để chấm công cho chị ấy à? Nếu không thì rất thiệt thòi cho người lao động.
Họ đưa ra những văn bản hết sức vô cảm, vô giá trị, thể hiện trình độ văn hóa thấp. Trước kia tôi hạn chế dùng từ này nhưng bây giờ thì tôi khẳng định. Vì sau vụ anh Quốc Tuấn và một số việc khác, kể cả với tôi, tôi thấy nếu cứ duy trì cơ cấu này, con người này, thì sự hợp tác chắc chắn là không thể.
Đó không phải ông chủ của một hãnh phim. Cái tầm nhìn như vậy, tư duy như vậy không làm được. Còn bây giờ cứ vận dụng các quy trình cứng nhắc thì đó là một sự lạnh lẽo về mặt tinh thần và nó giết chết sự phát triển.
Tôi ngờ ngợ nếu không có sự thay đổi quan trọng từ phía Chính phủ, thì Hãng phim truyện Việt Nam sẽ mất tăm mất tích. Ở đây không còn là câu chuyện giá trị thương hiệu nữa, mà nó là một di sản.
Với lịch sử 60 năm, với các bộ phim của hãng từng sản xuất, nó thật sự là một di sản phi vật thể.
- Sự phản đối này có nhận được sự đồng lòng của tất cả công nhân viên Hãng phim?
Khối biên kịch - đạo diễn - quay phim, tất cả các văn bản ở đây anh em đều kí hết. Còn chúng tôi không muốn hệ lụy đến các bạn đội kĩ thuật, ánh sáng, hậu kì...
Vì họ cũng chỉ là những người đi làm công ăn lương, mong muốn được hưởng đồng lương chính đáng. Nhỡ chúng tôi thất thế, các bạn ấy cũng bị vạ theo, nên chúng tôi không đề cập vấn đề với các bạn ấy.
Những hành động và cách hành xử của ông Nguyễn Thủy Nguyên khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc |
"Có lẽ nên để ông Thủy Nguyên nói càng nhiều càng tốt"
- Trong bài phỏng vấn mới nhất, ông Thủy Nguyên có nói rằng ông Thanh Vân phản ứng mạnh mẽ, nhưng quá trình cổ phần hóa công ty chẳng thiếu chữ kí nào của ông cả?
Đương nhiên trong một cuộc họp thì phải kí. Nhưng hông phải cứ kí là đồng ý. Tôi đến cuộc họp, tôi chứng kiến cuộc họp đó, và chữ kí đó thể hiện cho sự có mặt của tôi thôi. Nhưng kí đồng ý hay không mới quan trọng.
Cụ thể trong một văn bản thảo luận về việc định giá đất đai, giá trị thương hiệu bằng 0 thì tôi là người duy nhất trong 7 người có mặt tại đó phản đối. Và biên bản được lập cũng ghi rõ là ông Nguyễn Thanh Vân phản đối việc giá trị thương hiệu bằng 0.
- Ông Nguyên cũng nói rằng ông ấy chỉ là "ông bầu" thôi... Ông ấy đầu tư tiền, và việc làm phim sẽ tìm một người phù hợp để đảm nhiệm?
Càng nói thì ông Nguyên càng bộc lộ kiến thức, phông văn hóa, trình độ quản lý về một loại hình đặc thù như điện ảnh. Càng nói càng thấy ông ấy không thể lãnh đạo được.
Ông ấy nói người khác làm, nhưng người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn phải là Chủ tịch hội đồng quản lý chứ?
- Được biết ông cũng có mặt trong cuộc họp ngày 29/9 và được chứng kiến ông Nguyên xúc phạm nghệ sĩ Quốc Tuấn. Cảm giác của ông lúc đó thế nào?
Tôi thấy đó là một câu xúc phạm vô cùng nặng nề, thể hiện sự vô cảm của con người đó. Một con người vô cảm như vậy làm sao lãnh đạo được một hãng nghệ thuật? Nó quá thô lỗ!
Chỉ có những trái tim đá mới không xúc động trước trường hợp của anh Tuấn và con. Một sự việc đáng được đồng cảm, đáng được chia sẻ như vậy. Thay vào đó ông nói anh Tuấn là Chí Phèo, là giỏi diễn.
Trời ơi, tại sao lại... (xúc động bật khóc không nói tiếp được - PV)
Bọn tôi mà có có rớm nước mắt, thì nỗi đau là thật đấy. Làm sao diễn được mà nói như thế.
- Phía ông Thủy Nguyên cũng cho rằng không nhận được sự tôn trọng từ các nghệ sĩ nên mới có cách hành xử như vậy?
Tôi không đi sâu vào những lời nói của ông Thủy Nguyên nữa. Có lẽ tốt nhất là cứ để ông Thủy Nguyên nói càng nhiều càng tốt.
Bở việc của Hãng rất nhiều cái lớn mà chúng ta cứ manh mún trong những chi tiết nhỏ đó, đôi khi có những chi tiết nhầm lẫn, rồi lại chỉ trích về cái sự nhầm lẫn đó, thì cuộc đời nó tăm tối lắm, trong khi ngoài trời thu nắng đẹp thế kia...
Theo Vân Anh - Clip: Team Video (Soha/Trí Thức Trẻ)