'Thật đáng buồn khi công ty cổ phần coi anh em nghệ sĩ là gánh nặng của hãng phim. Họ nói với chúng tôi có thể đi bán phở hoặc làm xe ôm để kiếm thêm, hãng sẽ tạo điều kiện'.
Từ trái qua: biên kịch Nguyễn Xuân Thành, đạo diễn Trần Chí Thanh và nhà quay phim Nguyễn Việt Hùng - Ảnh: NGỌC DIỆP |
"Chúng tôi tự hào về Hãng phim truyện Việt Nam.
Chúng tôi đã học hỏi và thành danh cũng là từ nơi này.
Do cơ chế bao cấp, nên hãng ngày càng đi xuống, nhưng không nên vì thế mà phủ nhận sạch trơn mọi thành tựu của biết bao nghệ sĩ đã xây dựng nên hãng.
Chúng tôi muốn được cổ phần hóa từ lâu rồi, vấn đề là cổ phần thế nào thôi".
Đó là chia sẻ của các nghệ sĩ thuộc thế hệ kế cận của Hãng phim truyện Việt Nam, sau khi lớp nghệ sĩ đàn anh của họ lên tiếng về cổ phần hóa.
|
Bảo vệ của hãng phải tổ chức trông xe ô tô để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Biên kịch Nguyễn Xuân Thành, Phòng Biên kịch - Biên tập:
Hãng phim truyện Việt Nam trì trệ quá lâu rồi, nên khi biết hãng phim cổ phần hóa chúng tôi đã rất kỳ vọng. Sau 2 tháng cổ phần tôi thực sự thất vọng.
Tháng đầu tiên công ty cổ phần trả lương như cách ngày xưa hãng trả, ok, chúng tôi tạm chấp nhận. Tới tháng thứ 2 thì chỉ tạm ứng lương vì vin vào cớ chúng tôi không làm việc. Theo các anh lãnh đạo mới của công ty cổ phần thế nào là làm việc?
Người làm phim như biên kịch, đạo diễn, quay phim không phải lúc nào cũng ngồi cơ quan 8 tiếng. Mà họ đi làm ở hiện trường có ngày làm hơn 20 tiếng, đêm về vẫn tiếp tục phải trăn trở kịch bản.
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với công ty cổ phần để vực lại hãng. Nhưng những gì chúng tôi nhận được chỉ là câu: các anh hãy tự đi kiếm việc về nuôi nhau. Xin thưa, từ lâu chúng tôi đã tự kiếm việc nuôi thân rồi.
Vì sao chúng tôi vẫn ở lại hãng phim này, vì chúng tôi vẫn còn tình yêu với hãng. Chúng tôi hi vọng cổ phần hóa sẽ tiếp tục được làm việc, được cống hiến.
|
Các nghệ sĩ bức xúc chia sẻ với PV - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Đạo diễn Trần Chí Thành:
Chúng tôi bất bình vì lãnh đạo công ty cổ phần không trân trọng con người còn lại ở hãng. Họ coi chúng tôi là những người lười biếng chỉ đến nhận lương rồi về. Điều đó không đúng. Anh em đều rất muốn được làm việc.
Đợt tạm ứng lương tháng 8 anh em bất bình vì không hiểu trả theo ba-rem nào. Lãnh đạo nói ai đi làm thì được trả đầy đủ.
Tôi là đạo diễn, được điều đi làm thư ký cho bộ phim Người yêu ơi, bộ phim duy nhất được sản xuất của hãng năm nay, nhưng chỉ được tạm ứng lương một triệu đồng đây. Tôi cũng không hiểu họ chấm lương kiểu gì.
|
Đạo diễn Đặng Thu Trang - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Đạo diễn Đặng Thu Trang:
Ban đầu lãnh đạo của Vivaso hứa hẹn rất nhiều. Nhưng khi chúng tôi đưa ý tưởng lập hội đồng tư vấn chọn kịch bản cho công ty duyệt thì các anh ấy không đồng ý.
Các anh ấy cũng gọi luôn đội biên kịch lên và bảo ở nhà mà làm việc. Biên kịch là đầu tàu, không có kịch bản thì đạo diễn, quay phim ngồi chơi là phải rồi. Điều đó cho thấy họ không hề hiểu quy trình làm phim và không hề muốn làm phim.
|
Phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim đã đóng cửa, tất cả các nghệ sĩ dồn về một phòng để làm việc - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn:
10 năm nay chúng tôi đã tự đi ra ngoài kiếm sống. Anh em cũng rất tự trọng, đã làm ngoài sẽ tự nguyện không ăn lương của hãng.
Bây giờ cổ phần hóa, lương trả chúng tôi vẫn như xưa, chả khác gì. Chúng tôi đâu sống bằng đồng lương của công ty cổ phần. Chúng tôi đấu tranh cho tiền lương vì muốn nhà đầu tư đảm bảo làm đúng cam kết như ban đầu.
Các anh nói chúng tôi không làm được phim thị trường nên không dám giao tiền. Xin thưa, hàng chục năm nay chúng tôi đã lăn lộn ngoài thị trường. Nếu không chúng tôi sống bằng gì?
Rất nhiều đạo diễn, quay phim, biên kịch của hãng ra ngoài được trân trọng, được trả cát-sê cao. Chúng tôi có thể tự tin nói điều đó.
Trước khi tiến hành cổ phần hóa, chúng tôi đã phải tự cơ cấu lại giảm từ 135 người xuống còn 80 người (chỉ chọn những người làm được việc ở lại), để giúp cho công cuộc cổ phần hóa. Nhưng điều đó không hề được ghi nhận.
Các anh ấy nói 80 con người ở đây, chỉ có 20 người làm việc. Xin thưa 20 người đó là bảo vệ, người làm công việc hành chính, họ bắt buộc phải có mặt tại cơ quan.
Vấn đề ở đây là khối nghệ thuật gồm các anh em nghệ sĩ, tất cả đều muốn làm việc. Nhưng hiện tại công ty chẳng có việc gì cho người lao động làm.
Dự án phim Người yêu ơi cũng là dự án có từ trước khi cổ phần hóa, chứ không phải Công ty cổ phần đem về cho hãng.
Thật đáng buồn khi công ty cổ phần coi anh em nghệ sĩ là gánh nặng của hãng phim. Họ nói với chúng tôi có thể đi bán phở hoặc làm xe ôm để kiếm thêm, hãng sẽ tạo điều kiện.
Theo Ngọc Diệp (Tuổi Trẻ)