Xúc xích - Món ăn khoái khẩu của giới trẻ được bán đầy rẫy ngoài vỉa hè, cổng chợ, trường học
Vốn là món ăn đường phố nổi tiếng, xúc xích được nhiều người ưa chuộng bởi hương thơm quyến rũ, vị ngon béo ngậy. Món ăn này đặc biệt thu hút học sinh, sinh viên, giới trẻ nói chung. Chỉ cần dừng lại trước một cổng trường học nào đó, để ý xung quanh, thấp thoáng thế nào cũng có những hàng ăn vặt như hàng bán xúc xích.
Với một gánh hàng rong, chiếc chảo rán hay than nướng, người bán hàng thoăn thoắt cho từng chiếc xúc xích to tướng xiên que bỏ lên rán, nướng. Vài phút sau, một chiếc xúc xích thơm ngon đã được truyền sang tay cho thực khách thưởng thức.
Ăn rất ngon, rất thơm, giá thành lại rẻ, với số tiền tiêu vặt bố mẹ cho, nhiều học sinh có thể ăn xúc xích hàng ngày đến phát nghiện. Thế nhưng, ít ai biết những hiểm họa thực sự ẩn sau từng xiên xúc xích ngon lành ấy. Không chỉ là sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xúc xích vỉa hè còn sở hữu sắc màu đỏ au bắt mắt, không được bình thường. Chưa kể, đường qua lối lại, ăn một thực phẩm nơi bụi bặm, bẩn thỉu như vậy đều đặn mỗi ngày thì nguy hại sức khỏe đến đâu?
Xúc xích không rõ nguồn gốc, màu sắc lạ ẩn chứa nguy cơ ung thư
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), xúc xích được bày bán ở những quầy hàng ngoài vỉa hè thường không có nhãn mác. Với những sản phẩm ăn uống không rõ nguồn gốc nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Nhất là khi xúc xích được người bán hàng bán cho ăn lại không có hạn sử dụng.
Chuyên gia nhận định, thực phẩm như xúc xích có sử dụng chất bảo quản nhưng dù là thực phẩm nào đi chăng nữa cũng đều có thời hạn, thông thường là 3-6 tháng, tối đa là 2 năm. Muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn đòi hỏi phải đảm bảo thanh trùng tốt, bao bì kín được hút chân không. Tuy nhiên, với những thực phẩm như xúc xích được bán tràn lan ngoài vỉa hè, cổng trường học thì lấy gì đảm bảo?
Xúc xích vỉa hè thường có màu đỏ tươi vô cùng bắt mắt, màu sắc khác lạ hoàn toàn so với xúc xích thông thường. "Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit hay còn gọi là săm-pết. Công dụng của chúng là vừa bảo quản vừa làm tươi, đỏ màu xúc xích. Nếu sử dụng quá liều sẽ phản ứng với axit amin trong thịt tạo ra samin - một chất gây ung thư", chuyên gia cảnh báo.
Chưa kể, để có màu đỏ đẹp mắt như những loại xúc xích được bày bán ở vỉa hè hiện nay, chắc chắn phải sử dụng tới lượng phẩm màu nhất định. Tất nhiên là việc sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm là hoàn toàn được phép nhưng với những sản phẩm bán ở vỉa hè lại khó kiểm soát liều lượng.
Nếu vượt qua liều lượng phẩm màu cho phép, ăn xúc xích thường xuyên sẽ khiến bạn có nguy cơ bị ung thư. Đặc biệt với trẻ nhỏ, ăn nhiều xúc xích có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hệ thần kinh...
Chuyên gia tiết lộ, rất nhiều xúc xích được bán rong ngoài vỉa hè, đường phố có nguồn gốc không rõ ràng, nguy cơ chế biến từ thịt ôi thiu trong những cơ sở tư nhân thiếu an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm là khó tránh khỏi. Lượng dầu mỡ để chiên rán xúc xích cũng chưa chắc đảm bảo khi được chiên rán nhiều lần. Nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng từ dầu mỡ rán xúc xích cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư mà chúng ta không thể lường hết được.
Chưa kể, bản thân xúc xích đã là món ăn kém lành mạnh, chưa cần bàn đến việc ăn xúc xích vỉa hè. Xúc xích làm từ thịt nhiều mỡ, giàu năng lượng nhưng lại rất nghèo dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe mọi người nói chung và quá trình phát triển của trẻ nhỏ nói riêng.
Đáng tiếc, nhiều bậc cha mẹ hiện nay lại sử dụng xúc xích như một món ăn vặt, ăn nhẹ tiện lợi cho con em mình hàng ngày. Điều này cũng vô hình chung hình thành thói quen ăn uống xấu ở trẻ. Ngoài giờ học, trẻ có nhu cầu ăn vặt sẽ lê la ở những gánh hàng xúc xích vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khỏe.
Do đó, tốt nhất là gia đình, nhà trường cần triệt để ngăn chặn việc ăn đồ ăn vặt không có lợi cho sức khỏe cho con em mình nơi vỉa hè, đường phố như xúc xích. Nếu muốn ăn xúc xích hãy mua loại uy tín. Chỉ nên ăn xúc xích mỗi tuần 1-2 lần, mỗi lần cũng không nên ăn nhiều để bảo vệ sức khỏe...
Theo Tiểu Nguyễn (Pháp Luật & Bạn Đọc)