Lưỡi là bộ phận có nhiệm vụ giúp bạn phát âm và hỗ trợ trong việc ăn uống. Bình thường khi cơ thể khỏe mạnh, lưỡi sẽ có màu hồng, sạch sẽ và được phủ đầy bởi những gai vị giác. Ngược lại, nếu cứ xuất hiện bất kỳ một thay đổi nào thì ắt hẳn đó là tín hiệu bệnh.
Theo các chuyên gia đến từ Nha khoa cấp cứu Sydney chia sẻ, bạn cần phải đến gặp nha sĩ gấp nếu lưỡi bắt đầu có sự thay đổi về màu sắc, hình dạng, kích thước hoặc đau nhức liên tục trong nhiều ngày. Vậy cụ thể những thay đổi đó ra sao, bạn hãy xem ngay 5 dấu hiệu điển hình sau đây:
1. Lưỡi có màu trắng
Một hôm thức dậy, bỗng trên lưỡi xuất hiện những mảng bám màu trắng thì hãy xem thử, liệu có phải dạo này bạn hút thuốc nhiều hay ít đánh răng không. Nếu cả hai đều không phải, hãy cẩn trọng bởi đó cũng là dấu hiệu của Leukoplakia – bệnh khiến các tế bào trong miệng phát triển quá mức và gây mảng bám trên lưỡi.
Tuy bệnh này được đánh giá là không nguy hiểm, nhưng nó sẽ gây mất thẩm mỹ khi giao tiếp với người đối diện. Chưa kể bệnh này còn là tiền đề dẫn đến ung thư và bệnh nấm miệng. Thế nên, nếu lưỡi vẫn có mảng bám sau vài tuần dù đã đánh răng sạch sẽ, hãy đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác.
2. Có nốt nhiệt hoặc vết sưng trên lưỡi
Nốt nhiệt ở lưỡi thường là do thực phẩm bạn đã ăn gần đây, đặc biệt là nếu nó quá nóng hoặc quá cay. Những nốt này sẽ tự biến mất sau vài ngày và không để lại vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu chúng vẫn tiếp tục "trú ngụ" và kèm thêm đau nhức thì hẳn bạn đã bị loét lưỡi hoặc có mụn rộp trong miệng.
Theo Daniel Alan – bác sĩ tại Trung tâm Y tế Gia đình Cleveland Clinic (Mỹ) cảnh báo rằng, nếu trong lưỡi bạn có một nốt nhiệt hoặc vết loét không khỏi trong vòng 2 tuần, hãy đến viện kiểm tra ngay bởi đó là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư. Ông Daniel cho hay, có một vài trường hợp ung thư miệng vốn không đau nốt nhiệt trong giai đoạn đầu nên không được phép chủ quan.
3. Lưỡi có màu hồng như dâu tây
Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng với vài loại thức ăn nhất định, bị stress hoặc thiếu hụt vitamin trầm trọng. Nếu triệu chứng này đi kèm với những cơ đau họng, bạn cần cảnh giác với các bệnh nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc phát ban đỏ.
Lưỡi hồng còn là dấu hiệu phản ánh bạn đang có nguy cơ bị suy tim, thường có lưỡi đỏ hơn với những lớp phủ màu vàng. Tuy tình trạng này có thể được điều trị bằng cách dùng kháng sinh, nhưng an toàn nhất vẫn là đến bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt, không được tự tiện mua thuốc để chữa.
4. Lưỡi có màu tím tái
Khi cơ thể lưu thông máu kém hoặc mắc bệnh tim, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất chính là lưỡi dần chuyển sang màu tím tái. Bên cạnh đó, lưỡi tím cũng có thể là "mật báo" ban đầu của bệnh Kawasaki – một bệnh gây sốt cấp và phát ban toàn thân. Tuy rất hiếm gặp nhưng nếu mắc phải thì dễ dẫn đến đột tử và suy vành mãn tính.
5. Lưỡi có những rãnh hoặc vết lõm xấu xí
Thông thường, những rãnh hoặc vết lõm xuất hiện trên lưỡi đều do di truyền mà ra nên không gây hại gì. Thế nhưng, các chuyên gia khẳng định rằng, chúng cũng là tín hiệu cảnh báo bạn đang bị nứt lưỡi. Nếu không có phương pháp điều trị, thức ăn sẽ mắc kẹt trong đó và gây hôi miệng mãn tính cực khó chữa.
"Thức ăn một khi đã dính trong đó thì vừa gây hôi miệng lại còn gây thêm nhiều bệnh nha chu khác. Một cách để phân biệt giữa bệnh nứt lưỡi và bẩm sinh chính là nhìn vào đường rãnh, với những trường hợp di truyền thì chỉ có 1 đường rãnh lớn ở giữa còn bệnh thì rất nhiều" – Nhóm chuyên gia tại Nha khoa cấp cứu Sydney cho hay.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng là yếu tố hàng đầu để phòng bệnh
Lợi ích của việc chăm sóc răng miệng cho cả nhà không chỉ là tăng cường khả năng nhai và hấp thụ dinh dưỡng mà còn giúp bạn tránh đau răng và phòng ngừa bệnh nha chu. Vậy nên để có một khoang miệng khỏe mạnh và thơm tho, bạn cần lưu ý một vài việc sau:
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày, sáng và tối, để vi khuẩn không có cơ hội sinh sôi.
- Thay bàn chải liên tục, khoảng 3 – 4 lần trong năm.
- Suc miệng ngay sau khi ăn.
- Không hút thuốc.
- Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ cứng.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh.
- Khám sức khỏe răng miệng định kỳ.
Theo Minh Võ (Pháp Luật & Bạn Đọc)