Cô gái nào khi kết hôn cũng chỉ mong lấy được người chồng tâm lý để cuộc sống hôn nhân được thoải mái. Như thế họ mới không cảm thấy hẫng hụt rằng tình yêu trước và sau cưới khác nhau 1 trời 1 vực như nhiều người vẫn ca thán. Giống câu chuyện mới được 1 người vợ chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây chẳng hạn.
Câu chuyện như sau: "Chán lắm các chị ạ. Đàn bà chúng mình lấy chồng đúng như đeo gông vào cổ ấy. Ngày thanh niên em ham tụ tập bạn bè, đi đây đi đó lắm. Thế mà từ ngày lấy chồng, em chẳng còn biết tới cà phê là gì. Nói không quá chứ phạm vi hoạt động của em chỉ từ nhà tới công ty, loanh quanh chợ búa siêu thị là hết.
Chồng em sĩ tính, lúc nào cũng muốn vợ phải đảm đang hoàn hảo trong mắt gia đình nhà anh ấy. Mọi việc lớn bé, đối nội đối ngoại hai họ 8 bên là em phải gánh hết. Anh ấy cậy làm ra tiền, chỉ ngồi chỉ tay 5 ngón sai vợ. Hôm nào nhà có việc thì thôi đấy, em dậy từ 3h sáng lo liệu, chồng vểnh râu ngủ tới 8h giờ dậy hỏi vợ làm xong chưa.
Cũng vì thế mà từ ngày lấy chồng, em có thời gian dành cho bản thân đâu. Nói thật chứ tới công ty cho đi nghỉ mát em còn không đi nổi. Đợt nào phải đi công tác thì tự chủ động gọi điện nhờ ông bà dưới quê lên chăm con cho. Chồng tuyệt nhiên không bao giờ quan tâm chia sẻ. Em than vãn cái là anh bảo, vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là chăm lo gia đình. Công việc xếp sau, nếu không sắp xếp được thì nghỉ làm. Anh ấy không yêu cầu vợ phải đi kiếm tiền.
Đợt vừa rồi lớp đại học của em có kế hoạch tổ chức gặp mặt sau 10 năm ra trường. Như mọi lần chỉ họp nhóm, tụ tập nhỏ lẻ, em sẽ không đi. Lần này họp lớp, em muốn đi nên nói qua với chồng. Song vừa nghe em thông báo, anh chẹp miệng buông câu: 'Đàn bà lấy chồng còn ham hố tụ tập vớ vẩn'.
Mặc kệ thái độ của chồng, em vẫn sắp xếp đi. Đúng lịch, sáng chủ nhật nấu nướng cho chồng con ăn xong, em chuẩn bị luôn cả bữa trưa rồi dặn chồng ở nhà trông con giúp 1 ngày. Ấy vậy mà em vừa xách túi lên tay, anh ấy trợn mắt quát: 'Tôi đã nói từ hôm trước rồi mà cô không nghe rõ à. Không có đi đâu hết. Chồng con rồi còn xí xớn đàn đúm'.
Nguyên văn câu của chồng em là như thế. Thật sự nghe xong em cảm thấy bị xúc phạm kinh khủng. Không thể nhịn được hơn, em nhìn thẳng chồng đáp lời: 'Chẳng lý do gì mà có gia đình rồi em lại không còn quyền đi hội họp, giao lưu bạn bè. Em lấy chồng chứ có phải đi cải tạo đâu mà không còn quyền tự do cá nhân'.
Nói xong em xách túi đi thẳng. Chồng em tức lắm mà chẳng làm gì được. Hôm ấy gặp bạn, em chụp ảnh tưng bừng, cố tình up lên facebook thật nhiều cho chồng nhìn thấy. Lớp em có 2/3 là nữ, các bạn đi đông đủ, không chỉ riêng mình em. Như thế anh mới hiểu bản thân mình ích kỷ, bảo thủ như thế nào.
Chiều tối em về muộn, tưởng vợ chồng sẽ cãi nhau tiếp nhưng anh không nói gì. Nhìn vợ dắt xe vào, anh đi luôn về phòng đóng cửa. Từ hôm ấy tới nay cũng gần 1 tuần trôi qua, chúng em vẫn chiến trang lạnh. Song lần này em nhất quyết không xuống nước. Bởi nhịn mãi tạo thành thói quen khiến chồng nghiễm nhiên coi đó là trách nhiệm em phải làm, ngày càng thiếu sự tôn trọng vợ".
Phụ nữ lấy chồng được ví như bỏ dở "cuộc chơi" vì kết hôn rồi họ phải gác bỏ rất nhiều đam mê, sở thích riêng của mình. Cũng không còn thời thời gian dành cho cá nhân để chuyên tâm chăm lo vun vén mái ấm gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không còn quyền được giao lưu, duy trì những mối quan hệ bạn bè, xã giao ngoài xã hội. Vì dù có yêu chồng tới đâu thì phụ nữ vẫn cần có những khoảng không gian riêng của mình. Vậy nên cách hành xử thiếu tâm lý, có phần ích kỷ của người chồng trong câu chuyện trên khiến vợ anh bức xúc vùng lên là điều dễ hiểu.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)