Cơm áo gạo tiền là nỗi lo chung của các cặp vợ chồng, nhất là với những cặp đôi trẻ tuổi. Bởi cuộc sống sau khi kết hôn nhiều lo toan, gánh nặng khác hẳn với cuộc sống độc thân, được ăn tiêu thả ga không cần lo nghĩ.
Cũng vì sự thay đổi đột ngột này mà nhiều cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn tiền bạc. Thậm chí chỉ một khoản nhỏ phát sinh ngoài mong muốn cũng có thể là nguyên nhân cãi vã giống đôi vợ chồng trẻ trong câu chuyện dưới đây.
"Hồi yêu em, chồng ga lăng lắm. Thế mà cưới về rồi, anh ấy thay đổi hẳn tính nết. Thực ra em cũng hiểu, cuộc sống sau cưới khác yêu vì còn nhiều thứ phải chi tiêu. Nhất là sau khi em sinh con, không nhờ được ông bà hai bên trông giúp, chồng em lại khó tính không muốn thuê người ngoài, em đành phải nghỉ việc chăm con. Kinh tế chồng lo nên anh càng chặt chẽ chuyện tiền nong.
Thẻ lương của anh ấy em giữ song tiêu pha thế nào đều phải thông qua chồng. Mỗi lần vợ rút tiền là kiểu gì anh cũng sẽ hỏi như hỏi cung là rút tiền làm gì, mua những gì. Tiền chợ búa mỗi ngày thì phải ghi sổ sách rõ ràng. Nói không quá chứ nhiều khi em có cảm giác anh ấy là mẹ chồng, không phải là chồng mình nữa.
Cách đây vài tháng, em đặt mua qua mạng chiếc váy dạ hơn 500 nghìn để có đi đâu chơi thì diện vì cũng lâu rồi em không mua sắm. Lúc shipper giao hàng, chồng em ở nhà. Anh hằn học nói vợ: 'Ở nhà chăm con, không kiếm ra tiền thì phải biết đường tiết kiệm. Ăn tiêu kiểu như phá của cô tốt nhất tôi thu lại thẻ xem lấy gì mà ăn, mà phá".
Miệng nói, tay anh rút thẻ trong ví vợ cất đi luôn. Em bực cũng chẳng buồn đôi co. Hôm sau chồng em thản nhiên ra khỏi nhà khi biết rõ vợ không có xu tiền mặt nào trong túi nhưng em cũng không nói không rằng. Chiều tối hôm ấy, anh đi làm về, em vẫn nấu nướng, sắp bữa như thường. Khi vợ bưng mâm lên, nhìn đồ ăn trên mâm thịt cá thịnh soạn còn ngon hơn ngày thường, mặt anh hơi có vẻ ngạc nhiên. Em đoán anh ấy nghĩ còn xót ít tiền mình đưa nên vợ mới mua được vậy.
Cả tháng sau em đều mua sắm linh đình, mỗi ngày vài món khác nhau. Đặc biệt, váy áo, giày dép hầu như ngày nào cũng nhận hàng từ chợ mạng. Cứ nhắm lúc chồng ở nhà em hẹn người giao hàng tới. Chồng em sốc quá hỏi vợ: 'Có phải cô lại vay mượn để mua sắm không. Nói cô nghe, tôi sẽ không trả nợ cho cô đâu'.
Em cười bảo: 'Ngần này tuổi, tôi chưa bao giờ biết vay nợ dù là để ăn hay mua sắm. Tôi mua bằng tiền tôi kiếm ra, anh không phải lo trả nợ cho ai đâu. Có điều, tiền ăn uống, sinh hoạt tháng này tôi chi rồi, tháng sau tới lượt anh. Từ nay cứ chia đều, coi như góp gạo thổi cơm chung. Tôi không phụ thuộc anh, sang tháng tôi cho con đi lớp và đi làm trở lại. Hoặc không thì chia rõ, anh trông 1 tháng tôi trông 1 tháng cho công bằng".
Chồng em đơ người nhìn vợ vì không nghĩ rằng ở nhà bế con em vẫn kiếm được ra tiền. Trước giờ đi làm hay không đi làm em vẫn có nguồn thu nhập từ việc làm thêm mà anh không biết. Thái độ của chồng làm em cáu nên mới thể hiện cho anh thấy, không có tiền chồng đưa, em vẫn chủ động sống rất tốt là đằng khác. Sau 1 tháng, em không cần giải thích, anh cũng hiểu điều đó.
Sau đợt ấy chồng em phải xuống giọng thay đổi hoàn toàn thái độ với vợ, năn nỉ chán chê em mới bỏ qua. Từ đó tới giờ, không bao giờ chồng dám bảo em ăn bám nữa".
Khi phụ nữ độc lập về kinh tế sẽ luôn tự chủ trong cuộc sống, ở mọi hoàn cảnh đều có thể hiên ngang, ngẩng cao đầu. Câu nói "Vợ ở nhà chăm con, anh lo kiếm tiền", nghe có vẻ ngọt ngào nhưng thực tế lại vô cùng áp lực, mệt mỏi. Bởi lúc vui vẻ, kinh tế suôn sẻ không sao. Khi vợ chồng mâu thuẫn, tài chính eo hẹp, bạn tự nhiên trở thành người "ăn bám" trong mắt chồng. Người vợ trong câu chuyện trên đã rất sáng suốt khi không để mình bị rơi vào tình thế đó. Còn anh chồng, sau chuyện này chắc đã nhận được bài học, đừng bao giờ coi thường vợ.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)