Thẩm phán Lê Thị Hằng, nguyên phó chánh án TAND quận 4 (TP HCM) có hơn 30 năm làm công tác xét xử các vụ án gia đình. Cho đến nay, bà vẫn không thể quên câu chuyện cách đây hơn 7 năm của bà Huệ (lúc đó 62 tuổi) - người xin ly hôn vì chồng nói quá nhiều.
Bà Huệ có cuộc hôn nhân hơn 40 năm với người chồng tên Hưng, lớn hơn 10 tuổi. Hai vợ chồng cùng làm trong ngành giáo dục. Thời trẻ, bà rất mệt mỏi vì chứng nói nhiều của chồng. “Có một chủ đề, ông ấy cứ nói mãi, nghe rất mệt. Riết rồi tôi không dám tâm sự điều gì cả”, bà Huệ kể.
Hàng ngày bà chỉ biết vùi mình vào công việc, chơi đùa với con, tham gia các hoạt động xã hội để không phải tiếp xúc nhiều với chồng. Nhưng bà vẫn không được yên. Ngồi nói một mình mãi, ông Hưng nghĩ vợ khinh thường mình nên hết trách lại chửi. Đã bốn lần bà Huệ nộp đơn xin được giải thoát, nhưng không đi đến đâu vì các con còn nhỏ và sợ ảnh hưởng đến uy tín trong công việc.
Lần cuối cùng, được các con đồng ý bà rất quyết tâm. “Tôi đã lớn tuổi, cần có không gian nghỉ ngơi. Hơn 10 năm nghỉ hưu, tôi hết ở phòng riêng rồi đến nhà các con tá túc cũng chẳng được yên. Càng về già, ông ấy càng nói nhiều hơn”, bà chia sẻ.
Ở tòa, bà chỉ mong được chia tay càng sớm càng tốt. Còn ông nhất quyết không đồng ý, tố vợ không quan tâm, khinh thường chồng, chỉ biết lo chuyện thiên hạ. Phiên xử hôm ấy kéo dài từ 8 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa cũng chỉ vì ông nói quá rông dài, không đúng chủ đề.
“Lúc đó, ai cũng mệt vì phải nghe nhiều. Tôi phải ra đòn: ‘Nếu ông không dừng lại sẽ bị lập biên bản xử phạt vì nói nhiều’. Câu nói đùa hóa ra hiệu nghiệm”, vị thẩm phán nhớ lại. Nhận định, ông bà đã ly thân nhiều năm, bà Huệ cũng cung cấp được những lá thư con trai, con gái gửi xin cho mẹ đạt được tâm nguyện nên thẩm phán Hằng chấp nhận cho ly hôn.
Theo bà Hằng, số lượng những cặp vợ chồng ly hôn ở tuổi xế chiều hiện nay đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân là thời còn trẻ họ có nhiều mâu thuẫn nhưng nín nhịn, chịu đựng vì có nhiều yếu tố chi phối như: công việc, con cái, sợ phải phân chia tài sản, sợ bỏ nhau sẽ mang điều tiếng... Khi về già, cuộc sống đã ổn định họ mới tính đến chuyện đường ai nấy đi.
Ông Bình và bà Lan, cùng tuổi 67 tuổi, cùng làm nghề giáo viên (quận 10) có hơn 40 năm nên nghĩa vợ chồng, các con thành đạt, có cuộc sống riêng. Năm 2016, ông đòi chia tay vì không muốn chịu đựng thêm thói cằn nhằn, chì chiết của vợ.
Ở tòa, ông liệt kê những hành động, những lời nói của bà từ thời hai người mới cưới nhau cho đến khi có quyết định của mình, như: Bà không tôn trọng ông, chửi ông, đánh ông, không biết tiết kiệm tiền, không vun vén chi tiêu. Ông kể, có người anh rể - từng nuôi ông ăn học - giờ gia đình khó khăn, ông muốn giúp đỡ nhưng rất khổ tâm. Cái kính của anh rể bị hỏng, phải mua mất một triệu, ông kêu bà đưa tiền cho anh rể vay, bà không đưa mà còn cằn nhằn, chì chiết.
“Tôi rất xấu hổ và nhục nhã. Những điều đó tôi mãi khắc ghi, không thể quên được. Tôi đã muốn ly hôn từ lâu, nhưng vì nghĩ cho các con, vì thể diện của mình và không muốn bên thông gia người ta nói gia đình con tôi bố mẹ này nọ. Giờ các con thành đạt rồi, đứa nào cũng có học vị tiến sĩ, có gia đình riêng, xin tòa hãy cho tôi ly hôn. Tôi tha thiết xin tòa”, ông nói.
Không đồng tình, bà vợ phân trần việc ông đòi ly hôn là do nóng giận, bột phát tức thời. “Những cãi vã, cái xấu, không vừa lòng nhau, chúng ta đều bỏ qua hết. Bây giờ chẳng phải lo về kinh tế, xin ông hãy bớt giận để chúng ta đoàn tụ. Ông thấy đó, mỗi khi con cháu đến nhà chơi, chúng bi bô gọi ông bà, sà vào lòng mình thủ thỉ, hạnh phúc lắm”, bà nói.
Vị chủ tọa cũng khuyên: “Hai ông bà từng tha thứ, bỏ qua cho nhau thì giờ hãy quên mọi chuyện đi. Tuổi của ông bây giờ lưng chừng lắm rồi, hãy cùng bà ấy hưởng thụ tuổi già”. Ông gắt lên: “Chủ tọa quan niệm như thế nào về cuộc sống gia đình? Níu kéo, nhẫn nhịn sẽ không hạnh phúc đâu. Bây giờ tôi chỉ thích làm việc, thích cống hiến chứ không muốn hưởng thụ”. Cuối cùng ông cũng được tòa chấp nhận yêu cầu sau 4 lần tới lui nộp đơn.
Thông thường, những cặp vợ chồng già ra tòa ly hôn thường khó hòa giải hơn người trẻ. Bởi vì, khi đưa chuyện gia đình ra pháp luật họ đã cân nhắc kỹ mới quyết định, chứ không phải do giận dỗi nhất thời. Hơn nữa, mâu thuẫn đã chất chứa, cộng dồn từ lâu, vì thế, nếu không được chấp nhận họ lại tiếp tục nộp đơn ở những lần tiếp theo.
Bàn về chủ đề này, một chuyên gia tâm lý của tổng đài 1088 cho rằng, thế hệ như bà Huệ, ông Bình khi kết hôn hầu hết là qua mai mối, gia đình sắp đặt, không có thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Vì thế, khi về chung sống sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn do không hợp tính cách, sở thích, thói quen, và niềm tin… Tuy nhiên, do thực tế xã hội nên họ phải cam chịu. Vì thế, khi bước qua tuổi 60 trở lên họ thường nhìn lại quá khứ để tổng kết cuộc đời mình.
Từng giải quyết nhiều vụ ly hôn, thẩm phán Hằng nhận thấy, là vợ chồng, khi xảy ra mâu thuẫn hoặc không hài lòng về nhau thì nên nói ra để cùng sửa đổi, điều chỉnh, đừng nín nhịn cho qua chuyện. “Mâu thuẫn đó không tự nhiên mất đi, mà vẫn tồn tại như những cơn sóng ngầm, đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, không thể cứu vãn được. Sống thật, sống có trách nhiệm với nhau mới chính là nền tảng xây dựng gia đình bền vững”, bà Hằng nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Theo Phan Thân (VnExpress.net)