Vì sao nhiều người chồng hoặc vợ sợ về nhà, con cái cũng chỉ muốn 'sổ lồng bay đi'?

08/04/2021 21:23:37

Vợ chồng, con cái hay cảm thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình, khiến họ sợ về nhà. Các thành viên trong nhà như những con chim, ngôi nhà như một chiếc lồng chim, ai nấy đều muốn "sổ lồng bay đi".

 

Sợ về vì nhà quá ngột ngạt

Sau một ngày căng thẳng, bận rộn, cạn lực với công việc... rất nhiều người sợ về nhà. Các ông không muốn về nhà sau giờ làm, mà thích tới các quán nhậu, quán bar, karaoke…

Các bà, các chị cũng không muốn về, mà thích tới các quán cafe, spa, trung tâm thương mại, các shop buôn bán... Nơi đây cũng có rất nhiều các em tuổi teen, thanh niên tụ tập sau giờ học, giờ làm... vì nhà không phải là nơi họ muốn về.

Tôi cũng là một trong những người hay nhận được các cuộc điện thoại của người này, bạn khác rủ đi nhậu sau giờ làm. Có những lần rảnh rỗi tôi cũng ra làm vài ly cho vui, nhưng các cuộc này nó cứ kéo dài, không có dấu hiệu dừng lại sớm để mọi người trở về nhà, và rất nhiều lần như vậy. Có lần tôi hỏi thẳng thắn bạn:

- Sao ông không về nhà sớm với vợ con, hay về nghỉ cho khỏe?

Bạn trả lời gỏn gọn:

- Mệt, chán!

Nhiều người lại chia sẻ, bữa nào không rủ được ai ra cùng ngồi lai rai thì xách xe chạy lòng vòng quanh phố, chứ về nhà ngột ngạt lắm… Nhiều đàn ông không thích nhậu nhẹt, hay lòng vòng ngoài đường thì chọn cách nán lại làm thêm việc ở văn phòng, chứ không hối hả chạy về "tổ ấm" sau buổi tan làm.

Không chỉ đàn ông, nhiều người phụ nữ cũng tìm nơi để nán lại thay vì về nhà ngay khi tan sở. Nếu không kẹt chuyện con cái là họ ưu tiên cho những cuộc hẹn với các chị em, café, shopping, ăn uống, hát hò, spa sau những giờ làm việc.

Vì sao nhiều người chồng hoặc vợ sợ về nhà, con cái cũng chỉ muốn 'sổ lồng bay đi'?
Rất nhiều người sau giờ làm, giờ học không muốn về nhà ngay. Ảnh minh họa.

Câu trả lời là: Có lẽ họ bước về nhà rất dễ bị "tuột mood" (mất hứng) khi phải đối diện với những câu hỏi hoặc mệnh lệnh gay gắt, những lời lẽ nhuốm màu trách móc, hoặc tạo áp lực bởi những kỳ vọng của "nửa kia". Chồng thì:

- Em phải biết con nó đi đâu làm gì với ai chứ;

- Em cần quản lý chi tiêu thế này này;

- Em phải thường xuyên thăm hỏi ông bà nội hơn;

- Cái vợt bóng bàn của anh đâu, em làm gì mà để nhà cửa lộn xộn thế này …

Còn vợ thì:

- Sao đầu tư của anh mãi chưa thấy có lời;

- Em đã hy sinh nhiều thứ để chăm con thay luôn phần của anh, em muốn anh nhất định phải thành công trong dự án lần này nhé;

- Em bảo anh nhiều lần rồi, thay đồ xong là phải bỏ gọn gàng vào sọt giặt, sao lần nào anh cũng vứt nửa ngoài nửa trong?…

Ba mẹ với con cái thì:

- Con phải ăn món này để khỏe;

- Hôm nay con được mấy điểm;

- Con học sao cho không thua kém mấy đứa anh chị em họ của con thì học;

- Sao con suốt ngày cứ bạn bạn bè bè, làm xong bài tập thì lo mà đọc sách thêm đi chứ…

Cứ như thế bạn có thấy ngôi nhà thật sự ngột ngạt không, có muốn về nhà ngay sau khi tan sở, hay như các bạn trẻ chỉ muốn "sổ lồng bay đi"?

Vì sao nhiều người chồng hoặc vợ sợ về nhà, con cái cũng chỉ muốn 'sổ lồng bay đi'? - 1
Cuộc sống trong nhiều ngôi nhà rất ngột ngạt. Ảnh minh họa.

Cảm giác ngột ngạt này không chỉ vì nhà có diện tích nhỏ hẹp, bởi có những người ở nhà biệt thự rộng rãi, nhà lầu 3-4 tầng, nhà có số phòng ngủ nhiều hơn số thành viên trong nhà... Nhưng họ vẫn chọn về nhà trễ mỗi ngày, hoặc đi công tác thường xuyên dù không nhất thiết phải làm thế...

Ở ngoài nhìn vào có những ngôi nhà rất yên bình về không gian, nhưng dường như nó mang một năng lượng rất "dậy sóng". Có những ngôi nhà tuyệt đẹp, mỗi người có một phòng riêng, nếu không muốn gặp nhau thì ai về phòng nấy đóng cửa lại... Thế mà người trong nhà đó cứ phải khổ sở lang thang bên ngoài làm gì? Và tôi đã không còn thắc mắc sau lần nghe tâm sự của "khổ chủ" một căn biệt thự luôn bật ánh đèn vàng tưởng như vô cùng ấm cúng ấy.

Anh ấy bảo rằng: "Về phòng riêng cũng không yên đâu em. Nhiều khi anh ngồi cả ngày trên công ty mệt quá mà công việc vẫn chưa xong, anh về nhà làm cho thoải mái. Đã vô phòng làm việc riêng rồi mà bà chị mày cứ ra vô cằn nhằn đủ chuyện. Mà tội nhất là thằng con trai của anh, nó là sinh viên rồi mà mẹ nó vẫn không cho phép nó được khóa cửa phòng của nó…"

Anh kể tới đây rồi buông một hơi thở dài rồi không buồn nói tiếp.

Tôi cũng biết rất nhiều bữa ăn của gia đình thay là lúc kết nối và lan tỏa yêu thương, thì lại trở thành lúc tra khảo và luận tội nhau – giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái. Thay vì nói với nhau những lời ghi nhận và nâng đỡ, thì lại phủ nhận và vùi dập nhau bởi những trách cứ, kỳ vọng không được thỏa mãn của bản thân.

Không ít người vì thế mà bị ám ảnh mỗi khi chạm mặt hay ngồi lại với nhau – dẫu đó là gia đình mình. Rốt cuộc, ngôi nhà là nơi để ta nương tựa, tái tạo năng lượng hay để về rồi gồng lên chống chọi, chiến đấu, đóng vai?

Đừng nhân danh tình yêu mà "bóp nghẹt" nhau

Không ai trong chúng ta muốn như thế, nhưng rồi cứ làm khổ nhau như thế là bởi chúng ta không biết cách để thoát ra khỏi những vấn đề, hay khổ đau của chính bản thân mình. Chúng ta kỳ vọng, chờ đợi gia đình mình mang lại hạnh phúc cho mình chứ không biết cách để trao đi niềm vui và hạnh phúc cho gia đình mình. Bản thân chúng ta khổ đau nên chúng ta không biết cách nào để làm cho người khác hạnh phúc được.

Vì sao nhiều người chồng hoặc vợ sợ về nhà, con cái cũng chỉ muốn 'sổ lồng bay đi'? - 2
Sợ về nhà nên nhiều phụ nữ cũng không thích về nhà sau giờ làm, giờ học. Ảnh minh họa.

Chúng ta hay nhân danh tình yêu mà bóp nghẹt nhau, đày đọa nhau, "giết chết" nhau trong chính ngôi nhà của mình - mà không hiểu rằng đó không phải là tình yêu đích thực – tình yêu vô điều kiện. Đôi khi ta tưởng ta can thiệp, chỉ đạo, điều phối các thành viên trong nhà thì gia đình mình mới ổn thỏa, trật tự, ấm êm, an toàn và nhờ đó mà mọi người mới hạnh phúc, phát triển, hoàn thiện bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp.

Nhưng rất tiếc là tất cả những điều đó lại phản tác dụng. Đôi khi cách nhanh nhất làm người khác khổ đau là chúng ta nhiệt tình nhảy vào giúp họ thoát khổ đau. Bạn có thấy quen với chuyện: "Con cứ lo tập trung mà học 100% đi. Việc của con là học cho thật giỏi. Mọi thứ còn lại để mẹ lo."

Và rồi, từ đó, đứa con chỉ được phép đem điểm 10 về cho mẹ, bằng không thì đừng mở miệng lý giải bất cứ điều gì. Bởi "Mẹ không cần biết, việc của mày chỉ mỗi chuyện ăn học mà cũng không xong. Coi thằng B. xóm trên kìa, vừa đi học vừa phụ mẹ nó đi giao hàng mà nó vẫn là học sinh giỏi kia kìa..."

Hay chồng có cố gắng làm thêm việc để tăng thu nhập, vợ có cố gắng chi tiêu dè xẻn để giảm bớt gánh nặng tiền bạc thì cũng không làm thỏa mãn được "nửa kia" vì nhu cầu của mỗi người luôn tăng lên không ngừng, kỳ vọng cũng tăng lên không ngừng. Chưa kể việc so sánh với hàng xóm, bà con, bạn bè, đồng nghiệp, người này người kia… để rồi có cố gắng bao nhiêu cũng là không đủ.

Chính vì mỗi chúng ta không tìm thấy được mục đích sống đích thực của mình, không tìm thấy được hạnh phúc tự thân, chẳng biết làm cách nào để xoay xở và xử lý những bất ổn bên trong chính mình, thế nên chúng ta quay sang mong cầu và dính mắc vào người khác. Vợ chồng dính mắc nhau, và khi hai kẻ "ăn xin" không đáp ứng nhu cầu được cho nhau thì lại chuyển sự mong cầu và dính mắc đó sang con cái. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu tổn thương, bao nhiêu hoài mong… dồn hết sang con.

Theo Nguyễn Đức Quỳnh (Giadinh.net.vn)

Nổi bật