Suốt cuộc đời mình, người đàn ông tìm cách để giúp vợ con có cuộc sống tốt hơn. Nhưng phải đến cuối đời, ông mới khiến vợ mình cảm động bằng một việc làm được thực hiện bằng tất cả sức lực.
Người đàn ông bức xúc với cuộc hôn nhân sắp đặt
Phó Tư Niên là một nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc, sinh năm 1896 ở Sơn Đông. Năm ông 9 tuổi thì cha qua đời. Một mình mẹ ông làm việc vất vả để nuôi con trai khôn lớn. Không phụ lòng mẹ, họ Phó đã học hành vô cùng vất vả và đạt được những thành tựu lớn trong học tập.
Những năm ấy, chuyện hôn nhân của con gái vẫn do cha mẹ sắp đặt. Không chỉ vậy, vì mẹ Phó Tư Niên một mình nuôi con nên lại càng chú trọng vào việc giúp con thành gia lập thất.
Năm Phó Tư Niên 16 tuổi, gia đình đã xong chuyện hôn ước. Khi đó, dù đang đi học xa nhưng ông vẫn bị mẹ viết thư bắt về để kết hôn cùng Đinh Tiếu Thúy - người được mệnh danh là “Mỹ nhân số 1 Liêu Thành”.
Đinh Tiếu Thúy xinh đẹp, sinh ra trong gia đình khá giả nên được đi học và biết chữ, cũng hay viết lách. Tuy nhiên, vì chỉ sống ở quê nhà nên Đinh tiểu thư không hiểu biết nhiều và có tầm nhìn hạn hẹp hơn.
Trái lại, Phó Tư Niên học cao hiểu rộng. Khi đó, ông đang du học ở nước ngoài nên được tiếp nhận nhiều tư tưởng mới. Ông không muốn hôn nhân sắp xếp nhưng chẳng thể từ chối nổi vì gia đình đã quyết.
Khi đó ông đành chấp nhận dù trong lòng có nhiều bức xúc. 16 tuổi, Phó Tư Niên thành người đã có vợ khi kết hôn với Đinh Tiếu Thúy.
Dù cưới nhưng Phó Tư Niên vẫn vô cùng chán nản. Càng học rộng hiểu cao và tiếp thu nền văn minh của nước ngoài, ông càng bức xúc với việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nên từng phàn nàn: “Cha mẹ Trung Quốc cưới con dâu không phải vì con trai mà là lấy con dâu cho chính mình”.
Hai bên dù là vợ chồng nhưng từ ý tưởng, suy nghĩ hay mục tiêu cuộc sống đều khác xa nhau. Họ chẳng có nguyện vọng chung nào cả. Càng như thế, Phó Tư Niên càng cảm thấy chán nản. Ông tiếp tục đi học cao hơn, công tác ở xa và không mấy khi về nhà. Phó Tư Niên muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn hiện tại.
Sau này, Phó Tư Niên gặp cô gái trẻ Du Đại Thái. Du Đại Thái sinh ra trong một gia đình quan chức nổi tiếng. Ngay từ nhỏ, bà đã được tiếp nhận giáo dục kiểu mới, học ở Đại học Hoa Giang Thượng Hải và rất giỏi văn chương. Du tiểu thư còn thông thạo tiếng Anh, viết chữ đẹp và vẽ tranh cũng tuyệt vời.
Du Đại Thái là em gái một người bạn của Phó Tư Niên. Nhờ anh bạn này giới thiệu, hai người đã gặp nhau rồi nảy sinh tình cảm.
Cô gái họ Du này chính là mẫu phụ nữ mà Phó Tư Niên vẫn hâm mộ bấy lâu. Cả hai có nhiều điểm chung nên tình cảm càng bùng cháy nhiều hơn.
Khi ấy, Phó Tư Niên cũng tuyệt vọng với người vợ hiện tại và quyết định ly hôn. Sau nhiều lần nói chuyện, ông và Đinh Tiếu Thúy cũng đi đến cái kết đường ai nấy đi. Đơn giản bởi sau 22 năm hôn nhân, họ chẳng có mấy ngày bên nhau, không con cái, không tình cảm. Năm ấy, Phó Tư Niên 38 tuổi.
Ngay sau khi chính thức độc thân, ông công khai đến với Du Đại Thái và tổ chức hôn lễ vào ngày 5/8/1934.
Cuộc hôn nhân vất vả và câu chuyện xót xa cuối đời
Cuộc hôn nhân này vô cùng chính xác, cả Phó Tư Niên và Du Đại Thái đều hạnh phúc. Nói về cuộc sống của hai vợ chồng, Du Đại Thái tâm sự: “Tôi sẵn sàng hi sinh tất cả sở thích và thú vui của mình theo anh ấy, đồng hành và giúp đỡ anh ấy. Sau khi kết hôn, anh ấy không ngăn cản bất cứ hoạt động xã hội nào của tôi. Nhưng tôi tự nguyện từ bỏ, kinh tế của chúng tôi khó khăn hơn chục năm nay nhưng cả hai vợ chồng vẫn thấy hạnh phúc”.
1 năm sau đám cưới, họ chào đón sự ra đời của cậu con trai đầu lòng. Khi ấy, Phó Tư Niên đưa mẹ già lên Bắc Kinh sống cùng mình.
Mẹ của ông khá khó tính, hơn nữa vẫn luôn tức giận chuyện con trai bỏ vợ. Phó Tư Niên chẳng sợ ai, chỉ sợ duy nhất người mẹ này. Bởi thế, những lúc mẹ tức giận, họ Phó đều quỳ xuống mặc cho mẹ khiển trách.
Bà bị béo phì và cao huyết áp nên Du Đại Thái không dám nấu đồ ăn có đường hay thịt mỡ cho bà ăn. Điều đó khiến mẹ chồng lại vô cùng tức giận vì bà thích nhất là đồ béo. Có lần, bà mắng con dâu vì không cho mình ăn thịt, Phó Tư Niên nhìn thấy nên quỳ xuống đất nghe bà mắng mỏ.
Sau đó, ông bí mật bảo vợ nấu nướng theo ý mẹ mình, đồng thời an ủi để vợ không cảm thấy bị tổn thương quá nhiều.
Sau này, mẹ của Phó Tư Niên mất đi, cuộc sống của Phó Tư Niên không tốt lắm, do yếu tố thời đại nên chuyện kiếm tiền cũng rất khó khăn. Để vợ con vất vả, họ Phó nhiều lúc cảm thấy rất buồn lòng. Lúc nào ông cũng đau đáu về những tháng ngày khổ sở mà vợ con phải chịu.
Do làm việc quá sức, Phó Tư Niên đổ bệnh. Khi ấy, toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình đã đổ dồn vào để chữa bệnh. Gia đình họ lại càng khó khăn hơn.
Nhưng ngay cả những lúc đói kém như thế, Du Đại Thái vẫn bí mật đi vay tiền về để mua đồ ăn và thuốc giúp chồng hồi phục sức khỏe. Có lần nhà có khách, Đại Thái đã vay tiền để mua một bàn đồ ăn đãi bạn chồng đến chơi nhà. Bà không bao giờ muốn chồng mình trở nên đáng thương, thiếu thốn quá mức trước mặt bạn bè.
Đến cả tháng sau, ông mới biết chuyện. Phó Tư Niên ngậm ngùi nói với vợ: “Vợ chồng mình nghèo khổ thật, đợi lúc bình phục, anh sẽ cố gắng kiếm tiền. Để em phải vay tiền như thế, anh rất xấu hổ”.
Sống vất vả như thế nhưng Du Đại Thái chưa bao giờ phàn nàn. Phó Tư Niên ốm liên miên, sức khỏe sa sút nhưng lúc nào cũng động viên vợ. Họ luôn chia sẻ niềm vui với nhau, chắt chiu nó để cuộc sống luôn có hạnh phúc. Dù vậy, lúc nào Phó Tư Niên cũng cảm thấy có lỗi vì chẳng thể để vợ con được đủ đầy, sung sướng. Bởi thế ông càng tiếp tục cố gắng nhiều hơn để gom góp tiền bạc đưa cho vợ mình.
Năm 1949, ông trở thành hiệu trưởng của Đại học. Sau khi nhậm chức, ông đã làm việc đến 12 tiếng mỗi ngày, bất kể nóng bức hay lạnh giá. Những ngày ấy, cách giải trí duy nhất của ông là xem phim với vợ.
Ngày 20/12/1950, do làm việc quá sức, Phó Tư Niên đã bất tỉnh khi bước xuống sân khấu sau một bài phát biểu. Sau khi được đưa đến bệnh viện, mặc dù bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng vẫn không thể cứu sống ông. Phó Tư Niên đã chết vì làm việc quá sức và xuất huyết não.
Du Đại Thái đau đớn đến tan nát. Bà không ngờ rằng người chồng gắn bó suốt 16 năm lại bỏ mình mà ra đi như thế.
Trước đó 5 ngày, Phó Tư Niên có viết một bài báo dài 20 nghìn chữ. Khi ấy, ông nói với vợ rằng sẽ dùng tiền nhuận bút mua một bộ quần áo mới để mặc. Bình thường, vì khó khăn nên đồ của ông thường được vá víu, khâu lại nếu như có vết rách. Khi nghe chồng nói, Du Đại Thái cũng có chút chạnh lòng bởi gia đình còn vất vả, chồng lại muốn thay đổi quần áo.
Thế nhưng sau khi ông qua đời, phía tòa soạn đã gửi đại diện mang phong bì tiền nhuận bút đến cho Du Đại Thái. Kèm theo đó là lời tiết lộ một bí mật: “Anh ấy nói với tôi rằng chị kết hôn cùng anh chưa từng có một ngày sống thoải mái. Anh ấy muốn tiền nhuận bút để tặng chị một món quà. Chuyện mua bộ đồ mới chỉ là cái cớ mà thôi”.
Đến lúc này, Du Đại Thái nước mắt lưng tròng. Bà đau đớn nhận ra rằng chồng mình đã làm việc vất vả là vì mình. Ông chẳng dám nói ra sự thật về việc dùng khoản nhuận bút lớn này bởi khi biết Du Đại Thái sẽ ngăn cản. Lúc nào, Phó Tư Niên cũng cảm thấy tội lỗi khi không cho vợ được sống sung sướng và vì điều đó, ông không tiếc lao lực sức khỏe đến mức qua đời như thế.
Đưa ra lí do muốn mua một bộ đồ mới chỉ là có cái cớ không đưa tiền nhuận bút cho vợ. Thực chất, Phó Tư Niên muốn mua một món quà tặng bà. Biết rõ câu chuyện, ai cũng xót thương người học giả giỏi giang.
Dù Du Đại Thái và Phó Tư Niên sống trong nghèo khó nhưng mối quan hệ của họ vô cùng bền chặt. Hai người bao dung, thấu hiểu cho nhau và viết nên một câu chuyện tình yêu đẹp đẽ.
Theo Ca Ca (Nhịp Sống Việt)