Vợ chồng tôi bằng tuổi nhau, đều là công nhân. Tôi làm việc ở công trường còn cô ấy làm ở nhà máy may.
Năm 2018 , 2 vợ chồng vay tiền, xây được căn nhà nho nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Cứ tưởng an cư rồi thì cứ thế làm ăn, nuôi con khôn lớn, ai ngờ, dịch bệnh ập đến, tôi bị mất việc. Mọi chi phí trong nhà trông vào đồng lương công nhân 6 triệu của vợ.
Để có thêm tiền lo cho gia đình, vợ tôi tăng ca ngày đêm. Sáng ra, cô ấy còn nấu xôi bán cho chị em đồng nghiệp.
Sau đó, do dịch bệnh, nhà máy làm ăn kém dần, công nhân phải nghỉ luân phiên. Có tháng cô ấy cầm về được 2 triệu, mua sữa và đóng tiền tiện nước xong thì hết veo.
Thương vợ, tôi xách chiếc xe máy cà tàng ra đầu ngõ làm xe ôm. Nhưng chạy được dăm hôm thì tôi bị tai nạn, phải bó bột chân, ngồi một chỗ.
Đáng nói, trong lúc như thế hai vợ chồng lại liên tục bị đòi nợ khiến khó khăn chồng chất khó khăn.
Tôi là đàn ông, luôn suy nghĩ lạc quan mà cũng có lúc nản, muốn buông xuôi mọi thứ nên tôi rất lo cho tinh thần của vợ. Khi dịch lắng xuống, tôi được đi làm trở lại, kinh tế gia đình bớt khó khăn hơn. Cuối tuần, chỉ cần có cơ hội, tôi lại giục cô ấy đi chơi, gặp gỡ bạn bè cho thoải mái đầu óc.
Gần đây, vợ tôi bảo, lớp cấp 3 của cô ấy sắp kỷ niệm 20 năm ra trường. Mọi người rủ nhau họp lớp ở Đà Nẵng. Cô ấy muốn đi nhưng không có tiền.
Tôi nhẩm tính, cả tiền vé máy bay, chuyến đi 3 ngày của cô ấy hết khoảng 6, 7 triệu đồng (không kể quà cáp). Vì vậy, tôi đi vay được 2 chỉ vàng và vét hết tiền còn lại trong nhà (được gần 2 triệu) đưa cho cô ấy. Tôi cũng xin nghỉ ở công trường 5 ngày để trông con cho cô ấy đi làm tóc, mua váy áo và đi họp lớp.
Vợ tôi ban đầu tiếc tiền, không dám quyết nhưng tôi động viên liên tục. Nói thật, suốt 2 năm gồng gánh gia đình vì dịch bệnh, cô ấy chưa bị trầm cảm là phúc của gia đình tôi. Phần thưởng cho cô ấy như vậy cũng không phải quá to tát.
Sau chuyến đi chơi, về nhà tinh thần thoải mái, 2 vợ chồng lại cùng nhau cày cuốc kiếm tiền.
Tiền có thể làm ra được chứ không có sức khỏe thì không có gì cả.
Độc giả Lý Chính
Theo VietNamNet