Tiểu đường là một bệnh mãn tính, có tác động không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh tác động rất mạnh và gây di chứng đến hệ thần kinh, mạch máu, thận và mắt. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến hết năm 2021, số người bị tiểu đường trên toàn thế giới lên tới 422 triệu người.
Ở phụ nữ nói riêng, bệnh tiểu đường sẽ làm tăng mạnh nguy cơ phát triển các vấn đề về kinh nguyệt, khó có con, nhiễm trùng bàng quang, viêm âm đạo và viêm tử cung. Các bệnh này không chỉ gây đau đớn và khó chịu, mà còn có thể dẫn đến vô sinh. Chính vì vậy, chị em cần phải chú ý sớm dấu hiệu để điều trị kịp thời.
Theo Pramila Kalra – giáo sư kiêm trưởng khoa nội tiết của trường Cao đẳng Y tế Bệnh viện Ramaiah (Ấn Độ), nhiều người nghĩ rằng ở nam và nữ sẽ có triệu chứng bệnh tiểu đường giống nhau. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, bởi có một số dấu hiệu chỉ xuất hiện ở nữ và ngược lại. Cho nên phụ nữ cần phải quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn.
Giáo sư Pramila khẳng định rằng, phụ nữ nếu có những dấu hiệu này thì phải cảnh giác với bệnh tiểu đường. Tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn chính xác.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ bị tiểu đường. Những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: Đau hoặc nặng ở phần dưới bụng hoặc sau lưng, đi tiểu nhiều hơn bình thường hoặc cảm giác đau khi tiểu, sốt và mệt mỏi, tiểu ra máu hoặc có màu đỏ nâu, nước tiểu hôi…
Theo Jason Ng – tiến sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Mỹ), nhiễm trùng đường tiết niệu còn gây rối loạn kinh nguyệt, đau khi quan hệ, có cảm giác mệt mỏi giống những ngày hành kinh. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ tái phát liên tục và gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thận.
Theo giáo sư Pramila, khi lượng đường trong máu tăng cao, nó sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh. Thêm vào dó, các bệnh về tiểu đường thường đi kèm với các vấn đề khác như thiếu máu, tăng độ ẩm đường tiết niệu… tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển và gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Rối loạn kinh nguyệt liên tục
Rối loạn kinh nguyệt là vấn đề thường gặp ở nhiều phụ nữ, nhưng nếu bạn sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh mà vẫn bị… thì hãy cẩn thận vì có thể đường huyết đang tăng cao. Theo đó, phụ nữ mắc tiểu đường rất dễ bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh do tác động của lượng đường huyết lên cơ thể.
Cụ thể, khi lượng đường trong máu tăng cao, nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến nhiều bộ phận của cơ thể, trong đó có cả hệ thống sinh sản. Tiểu đường sẽ làm rối loạn các hormone trong cơ thể phụ nữ, bao gồm các hormone quan trọng tạo ra chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì vậy, những bệnh nhân nữ mắc tiểu đường thường hay bị rối loạn kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, đường huyết tăng cao có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn so với bình thường, làm lượng máu ra nhiều hơn. Điều này có thể do tình trạng nội tiết tố không ổn định. Nguy hiểm hơn, bệnh sẽ cản trở khả năng thụ thai do kinh nguyệt mất cân bằng.
- Nấm âm đạo do bệnh tiểu đường
Hay còn gọi là viêm âm đạo do nấm, nấm âm đạo là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ. Bệnh này do nấm phát triển và sinh sôi trong âm đạo, gây ra các triệu chứng như ngứa, đau, xuất hiện khí hư có mùi khó chịu và tiết dịch âm đạo dày, không mùi. Theo Womanshealth, cứ 4 phụ nữ sẽ có 3 phụ nữ mắc bệnh này một lần trong đời.
Nấm âm đạo không phải là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục và không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó lại gây khó chịu và mất tự tin cho phụ nữ. Trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm nhiễm cổ tử cung, buồng trứng và thậm chí là vô sinh.
Khi đường huyết trong máu tăng cao, cơ thể sẽ bài tiết đường glucose dư thừa thông qua nước tiểu. Khi đi qua âm đạo, glucose sẽ phá vỡ cân bằng hệ vi khuẩn ở âm đạo, tạo điều kiện cho nấm phát triển và sinh sôi.
Những bệnh nhân tiểu đường nên ăn uống ra sao?
Theo Piya Ballani Thakkar – bác sĩ chuyên khoa nội tiết và tiểu đường có chứng chỉ của Mỹ, bệnh nhân tiểu đường cần duy trì lượng đường huyết ổn định để ngăn bệnh phát triển. Nếu mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về tần suất và khẩu phần ăn hàng ngày, không nên tùy tiện ăn theo sở thích và nhu cầu.
"Những bệnh nhân tiểu đường nên tuân theo chế độ ăn nhiều chất xơ, nhiều rau, ít chất béo và hạn chế tinh bột, nhất là phải bổ sung lượng protein tốt từ các loại đậu. Nên ăn 100 – 150g trái cây mỗi ngày, cần lựa chọn trái cây phù hợp để cung cấp chất xơ và kiểm soát đường huyết" – Giáo sư Pramila chia sẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cần giảm thiểu các thức uống có đường như nước ngọt, nước trái cây…. và thay bằng nước lọc hoặc nước ép rau quả không đường. Thay vì ăn 3 bữa lớn mỗi ngày, hãy chia thành 6 bữa nhỏ trong ngày để duy trì mức đường huyết ổn định suốt cả ngày.
Theo Minh Võ (Phụ Nữ Việt Nam)