Ke Shiyou - bác sĩ cấp cứu người Trung Quốc mới đây vừa chia sẻ trong một chương trình về sức khỏe kể về trường hợp bệnh nhân đi khám đau răng nhưng lại được phát hiện có dấu hiệu nhồi máu cơ tim.
Khi đến khám, người phụ nữ giải thích rằng trước đó bà được chẩn đoán mắc bệnh nha chu và có một chiếc răng bị sâu nặng. Nhưng khi nhổ chiếc răng sâu, bệnh nhân bị đau nhức vùng nướu và hàm. Nghĩ do vết thương nhổ răng chưa ổn định, bệnh nhân yêu cầu được tiêm thuốc giảm đau.
Tuy nhiên, sau khi nghe người phụ nữ trình bày, bác sĩ Ke Shiyou tỏ ra nghi hoặc. "Theo lý thuyết mà nói, nếu răng sâu thật sự được nhổ ra, vết thương sẽ chỉ hơi đau một chút, khó có khả năng đau đớn như thế này", bác sĩ nói.
Sau đó, để kiểm tra kỹ lưỡng một lần nữa, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân làm điện tâm đồ trước.
"Ngay sau khi tôi hoàn thành điện tâm đồ cho bệnh nhân này, tôi bắt đầu đổ mồ hôi. Đó là dấu hiệu cho thấy một cơn nhồi máu cơ tim", bác sĩ Ke kể.
Kết quả điện tâm đồ của bệnh nhân cũng được gửi đến khoa chuyên ngành ngay lập tức. Là người đầu tiên phát hiện ra căn bệnh, bác sĩ Ke rất quan tâm đến tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Anh liên tục hỏi hỏi bệnh nhân có đau tức ngực không, thậm chí còn hội chẩn với khoa tim mạch, xác nhận rằng việc thông tim là cần thiết.
Sau đó, bác sĩ nói với bệnh nhân bệnh rất nghiêm trọng, cần sự có mặt của người nhà. Tuy nhiên, người phụ nữ khăng khăng đòi uống thuốc giảm đau và về nhà nấu cơ.
Khi người con trai đến bệnh viện, anh ta cũng không đồng ý ký giấy thông tim và nói rằng mẹ mình bảo không cảm thấy đau tức ngực, không cần thiết phải tốn tiền.
Nhưng sau đó ít phút, người phụ nữ bắt đầu nôn mửa rồi ngã xuống đất bất tỉnh.
Tình huống bất ngờ khiến mọi người có mặt tại hiện trường hoảng sợ. Ngay lập tức, nữ bệnh nhân được các bác sĩ vội cấp cứu sốc điện, hô hấp nhân tạo. Rất may, sau đó, nhịp tim của người phụ nữ đã hồi phục.
Lúc này người con trai mới vội vã ký giấy đồng ý thông tim.
Bác sĩ Ke Shiyou giải thích rằng nếu bệnh nhân thực sự bị đau răng, nha sĩ tổng quát sẽ tiến hành kiểm tra thổi khí hoặc dùng que chọc vào chiếc răng bị sâu. Về mặt lý thuyết sẽ không đau như biểu hiện của người phụ nữ. Sau nhiều lần tích lũy kinh nghiệm, anh cũng rút ra được rằng sau này nếu gặp phải bệnh nhân nào bị mỏi cổ, đau vai gáy, anh sẽ dặn phải điện tâm đồ để loại trừ khả năng tử vong do nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ cấp cứu Bai Yongjia cũng từng chỉ ra rằng nhồi máu cơ tim xảy ra nguyên nhân chủ yếu là do tắc nghẽn động mạch vành, khi tim bị thiếu oxy, kích thích sẽ được truyền từ tim lên não thông qua dây thần kinh cảm giác, tủy sống rồi truyền lên não, khiến bệnh nhân cảm thấy tức ngực và đau ngực.
Tuy nhiên, sau khi tín hiệu từ tim đến tủy sống, nó sẽ kết nối các dây thần kinh cảm giác của phần trên cơ thể như răng hàm, vai và cánh tay, rất dễ kích thích các dây thần kinh khác và gây ra các triệu chứng liên quan như đau răng, đau vai.
Qua sự việc, bác sĩ nhắc nhở mọi người nếu đột nhiên cảm thấy đau răng dữ dội hoặc đau lan đến hàm, thậm chí đau răng kết hợp đau vai, tức ngực thì phải lập tức đến bệnh viện kiểm tra. Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh nhồi máu cơ tim.
Theo Thiên An (Saostar.vn)