Câu chuyện mới nhất xảy ra với bé Trần Văn L., 19 tháng tuổi ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cháu bé bị bỏ quên trên xe ô tô giữa trời nắng trên xe không nổ máy vào trưa ngày 8/6. Khi gia đình tìm thấy, bé đã hôn mê, sốt cao 41 độ. Tại BV đa khoa tỉnh, bé được chẩn đoán sốc nhiệt, bị rối loạn đông máu, bạch cầu tăng, rối loạn điện giải, hạ canxi, hạ kali.
Hiện cháu bé đã tỉnh táo, giảm sốt song tiếp xúc còn chậm, bác sĩ vẫn đang theo dõi tổn thương não của bé.
Tại nhiều nước, việc bỏ quên con trên xe ô tô nhiều tiếng, thậm chỉ cả ngày không quá hiếm. Ngay tại Anh, mỗi năm xảy ra chừng 40 vụ và một nửa trong số này tử vong vì sốc nhiệt.
Tại Mỹ, mỗi năm cũng ghi nhận 35-53 trường hợp. Tính từ năm 1998, đã có 575 trẻ em thiệt mạng trong đó 73% là trẻ em dưới 2 tuổi do bị bỏ quên trên xe ô tô.
Trong đó từng có bà mẹ bỏ quên con trên xe phơi nắng suốt 1 ngày, đến khi tan can mới phát hiện ra thì bé đã tử vong. Hay một ông bố là nhân viên hoạt động xã hội, vô tình quên 2 con sinh đôi mới 1 tuổi trên xe suốt 8 tiếng và cả 2 đều không thể cứu…
Tại Việt Nam, chưa có thống kê các vụ bỏ quên con trong xe ô tô, song trong vòng 1 năm trở lại đây đã có ít nhất 4 vụ.
Học sinh lớp 1 tử vong trên xe đưa đón
Câu chuyện thức tỉnh tính đãng trí của nhiều bậc cha mẹ là trường hợp đau lòng của cháu Lê Hoàng L., 6 tuổi, học sinh lớp 1 trường Gateway, Hà Nội.
Buổi sáng 6/8/2019, cháu bé được gia đình đưa xuống dưới sân chung cư giao cho người đón học sinh là bà Nguyễn Bích Quy.
Cháu L. lên xe cùng các bạn nhưng khi đến trường, cháu bị bỏ quên trên xe, cả tài xế và người đưa đón đều không phát hiện ra. Lái xe sau đó đánh xe về cất tại sân ký túc Học viện Báo chí tuyên truyền. Cô giáo khi kiểm sĩ số thấy thiếu học sinh L. nhưng không báo với nhà trường, vẫn ghi sĩ số ngày hôm trước.
Chỉ đến chiều cùng ngày, khi các bạn lên xe ô tô chuẩn bị ra về, mọi người mới phát hiện cháu L. đã tử vong trên xe.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can gồm bà Nguyễn Bích Quy, ông Doãn Quý Phiến và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy với các tội danh vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên sơ thẩm ngày15/1/2020, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tuyên bị cáo Nguyễn Bích Quy 24 tháng tù, bị cáo Doãn Quý Phiến lĩnh án 15 tháng tù cùng về tội “Vô ý làm chết người”.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thủy, tòa sơ thẩm tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; cấm đảm nhiệm chức vụ giáo viên trong thời hạn 1 năm.
Ngày 18/5 vừa qua, dự kiến phiên toà phúc thẩm mở lại nhưng sau đó đã phải hoãn do vắng mặt luật sư, người làm chứng và người liên quan.
Bố để quên con trên xe
Sự việc xảy ra tại phường Vàng Danh, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Khoảng 11h ngày 17/8, ông bố tắt máy xe ô tô nhưng lại quên chìa khoá trên xe, sau đó đi ra ngoài.
Sau đó, ông bố này phát hiện con trai vẫn còn trong xe, hốt hoảng chạy lại cùng người dân hướng dẫn con trai mở khoá xe, bấm chốt cửa để ra ngoài.
Đồng thời, mọi người gắng hết sức cạy cửa xe mong nhanh chóng đưa cháu bé ra ngoài. Rất may, sau khoảng 15 phút, cánh cửa đã được mở và cháu bé an toàn.
Bé 3 tuổi sống sót sau 7 tiếng bị bỏ quên
Ngay sau vụ trường Gateway hơn 1 tháng, ngày 16/9/2019, một bé trai 3 tuổi tại trường mầm non tư thục Đồ Rê Mí (Tiên Du, Bắc Ninh) tiếp tục bị bỏ quên trên xe đưa đón 7 tiếng.
May mắn, do tài xế đánh xe đậu dưới gốc cây và mở cửa kính nên đến 15h45 cùng ngày khi phát hiện ra cháu bé hôn mê, mọi người lập tức đưa bé đi cấp cứu.
Khi chuyển lên BV Nhi Trung ương, cháu sốt lơ mơ, suy hô hấp, rối loạn đông máu, rối loạn các cơ quan, tiêu cơ vân… Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiệt. May mắn, sau đó cháu đã được cứu sống.
20 phút đã tổn thương não
Các bác sĩ cho biết, khi ngồi trong một chiếc xe ô tô quá nóng, chỉ cần 20 phút, đứa trẻ có thể bị tổn thương não bộ và thận do nhiệt độ cơ thể tăng quá cao vì sốc nhiệt và ngạt thở.
Trẻ em bị tổn thương nhanh hơn do khả năng thích ứng với nhiệt độ kém hơn, mất nước nhanh hơn người lớn.
Khi xe ô tô đóng cửa, tắt máy dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng lên rất nhanh, khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 1 tiếng, với mức tăng thêm 3-6 độ sau mỗi 10 phút.
Khi trẻ bị sốc nhiệt sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, suy thận, suy gan, tổn thương não, hôn mê… Nếu nhiệt độ trong cơ thể trẻ đạt tới hơn 40 độ C, các cơ quan của trẻ sẽ ngừng hoạt động và khi nhiệt độ cơ thể đạt tới 41,6 độ C thì trẻ nguy cơ cao tử vong.
Nếu được điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Tuy nhiên khi nhiệt độ cơ thể trẻ vượt trên 42 độ, rất khó cứu.
Khi phát hiện bệnh nhân sốc nhiệt, cần sơ cứu tại chỗ ngay lập tức bằng chuyển bệnh nhân vào chỗ mát, nhúng bệnh nhân vào chậu nước, tưới nước lên người bệnh nhân, chườm nước đá hoặc khăn lạnh vào cổ, nách, bẹn… để bệnh nhân nhanh chóng hạ thân nhiệt.
Nếu bệnh nhân ngừng hô hấp, cần thực hiện hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân có nhịp thở trở lại cần gọi xe cấp cứu đến cơ sở y tế gần nhất.
Tất cả những vụ trẻ bị quên trên xe đều đau lòng, dư luận có thể trách cứ người thân các bé nhưng chuyện như vậy cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Để khắc phục, cha mẹ có thể lắp đặt cảnh báo trên xe, đặt túi xách ghế sau, luôn mở cửa sau kiểm tra khi đỗ xe, luôn hạ kính 5-10 cm, đặt con ngồi ở giữa hàng ghế sau thay vì 2 bên… Với trẻ lớn hơn, có thể dạy trẻ cách bấm còi.
Theo Minh Anh (VietNamNet)