Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có không ít trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón của các cơ sở giáo dục khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng. Đặc biệt là những vị phụ huynh có con trong độ tuổi đi học.
Mới đây nhất là trường hợp bé trai 3 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, trước đó bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non trong suốt 7 tiếng đồng hồ. May mắn trường hợp này đã được đưa đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, trường hợp bé trai ở Bắc Ninh khi phát hiện chức năng sống vẫn còn, bé còn thở, tim đập tốt, tri giác bị ảnh hưởng với biểu hiện lơ mơ, hôn mê khi được đưa tới bệnh viện huyện.
"Mức độ sốc nhiệt của bệnh nhi chưa nặng nề ở giai đoạn phát hiện, nhờ vậy trường hợp này tiên lượng tốt, điều trị cho thấy đang tốt lên với tri giác, thần kinh tốt, hình ảnh chụp CT không phát hiện tổn tương não. Cháu bé được chẩn đoán sốc nhiệt", PGS Điển nói.
Đối với trường hợp bị sốc nhiệt nói chúng và sốc nhiệt trên xe ô tô nói riêng, TS Lê Xuân Ngọc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng vấn đề cấp cứu tức thì là vô cùng quan trọng.
Bởi việc cấp cứu kịp thời sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh nhất và giúp điều trị tiếp theo của các tuyến trên đạt hiệu quả tốt. Cấp cứu chậm trễ dù chỉ 1 phút hoặc hướng điều trị ban đầu sai sẽ dẫn đến khả năng hồi phục của trẻ chậm và dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Sơ cứu sốc nhiệt thế nào?
Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Hai thế này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.
Sốc nhiệt kinh điển (classic heatsurope): Thường gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, nay các rối loạn nội tiết. Xảy ra khi tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke): Hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Xảy ra do phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.
Người bị sốc nhiệt sẽ có những biểu hiện lâm sàng đó là: Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C; da nóng và khô; mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, mửa; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; rối loạn thần kinh trung ương; cơn động kinh và hôn mê…
Khi nhiệt độ tăng cao quá mức tế bào có thể chịu đựng dẫn tới thoái hóa protein. Cơ thể có thể bị tổn thương trong thời gian từ 45 phút tới 8 giờ sau khi thân nhiệt tăng lên tới 42 độ C. Hầu hết các tế bào đều tự bảo vệ bằng cách sinh ra protein bảo vệ nhiệt nhằm kéo dài sự tồn tại.
Cách sơ cứu nạn nhân sốc nhiệt như sau:
- Làm mát ngay tức thì và hỗ trợ suy chức năng cơ quan. Làm mát bằng cách ngâm nước mát (để đầu trên mặt nước), đặt các túi chờm đá vào nách, bẹn, cổ, sử dụng chăn làm lạnh nếu có.
- Đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm.
- Hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền tĩnh mạch, thở oxy, thông khí hỗ trợ nêu có chỉ định
- Ngay lập tức hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách có thể nhưng không gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, mục đích là phải hạ thân nhiệt ngay xuống dưới 39,4 độ C.
- Vận chuyển bệnh nhân bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân. Đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt để tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.
Theo Lê Phương (Khám phá)