Thuộc 1 trong 5 trường hợp sau, bạn dễ bị đột quỵ

12/11/2017 11:02:00

Bệnh đột quỵ không loại trừ bất kỳ ai, bởi có những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người khác.

Theo các bác sĩ, đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương khi mất đột ngột lưu lượng máu tới não do tắc mạch (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch (xuất huyết não) dẫn tới giảm, mất chức năng hay chết các tế bào não, gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê, rối loạn trí nhớ… và có thể tử vong.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Phòng chống Đột quỵ khu vực miền Bắc, những đối tượng sau dễ bị tai biến mạch máu não:

Người ngủ quá ít

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những người ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm thì nguy cơ đột quỵ tăng tới 83% so với nhóm người ngủ đủ 7-8 giờ/ngày. Nguyên nhân là do sự thay đổi nồng độ cortisol, một hormone stress quan trọng có nồng độ cao hơn ở người ngủ ít. Nồng độ hormone này tăng có thể gây rối loạn chức năng tế bào lót và bảo vệ mạch máu. Đồng thời, cảnh báo một đợt tai biến dẫn tới đột quỵ.

Thuộc 1 trong 5 trường hợp sau, bạn dễ bị đột quỵ
Một bệnh nhân bị đột quỵ đang được phục hồi chức năng tại bệnh viện

Người hay bị stress

Căng thẳng công việc, thường xuyên làm việc trên 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ đột quỵ lên khoảng 33% so với những người bình thường. Ngoài ra, người có các triệu chứng lo âu hay trầm cảm là một trong những nguyên nhân có thể làm tăng tỷ lệ đột quỵ.

Người bị đái tháo đường

Bệnh nhân bị đái tháo đường, huyết áp cao thì nguy cơ đột quỵ tăng từ 4-6 lần so với người bình thường. Do đó, những bệnh nhân bị đái tháo đường cần được sử dụng thuốc đều đặn và kiểm tra định kì để kiểm soát ổn định các tình trạng bệnh lý nguy cơ này.

Người thiếu vitamin C

Theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh thì những người có hàm lượng vitamin C cao sẽ giảm nguy cơ đột quỵ 42% so với những người có hàm lượng vitamin C thấp nhất. Nguyên nhân vì hàm lượng vitamin C sẽ giúp cải thiện chức năng của nội mô và ngăn cản sự hình thành các khối máu đông trong động mạch và giúp giảm huyết áp.

Người cao tuổi

Theo nghiên cứu, tuổi càng cao thì nguy cơ bị đột quỵ càng lớn. Trong đó, người từ 50 tuổi trở lên chiếm có nguy cơ đột quỵ cao. Do đó, người cao tuổi nên đi khám định kì và tầm soát xác định nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa và chẩn đoán sớm đột quỵ.

Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Theo đó, những người có bố mẹ hoặc anh chị em từng bị đột quỵ thì cũng có nguy cơ dễ bị đột quỵ hơn những người khác. Nếu như người thân bị đột quỵ ở độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ này càng cao.

GS.TS Nguyễn Văn Thông cho rằng, khi bị đột quỵ, bệnh nhân có các triệu chứng như đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, cứng cổ. Mặt có biểu hiện méo miệng, cảm giác tê hoặc liệt 1/2 mặt; tay tê mỏi một bên hoặc cử động vụng về, các thao tác không chính xác, cầm đồ rơi rớt. Chân có cảm giác tê bì, nặng chân hoặc nhấc dép khó, đi khó hay liệt chi hoặc liệt nửa người. Biểu hiện toàn thân là tri giác lơ mơ; nặng có thể hôn mê, yếu hoặc liệt nửa người, vệ sinh không tự chủ được.

Theo Như Ngọc (Phunuvietnam.vn) 

Nổi bật