Có nên đâm kim vào dái tai để cứu người đột quỵ?

01/11/2017 16:10:47

Khi phát hiện đột quỵ có nên lấy kim chọc vào dái tai bệnh nhân cho chảy máu để giảm áp lực máu trong não?

Tôi đọc một số tài liệu có hướng dẫn "Nếu phát hiện một người có triệu chứng đột quỵ thì lấy que kim chọc vào dái tai bệnh nhân cho chảy máu để giảm áp lực máu trong não". Xin hỏi cách sơ cứu này có đúng không? (Duong Nguyen).

Có nên đâm kim vào dái tai để cứu người đột quỵ?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trả lời:

Chào bạn,

Đột quỵ có hai loại: Xuất huyết não (do vỡ mạch máu não) và nhồi máu não (do tắc mạch máu não).

Như vậy, khi một người bị xuất huyết não, cần làm sao để khối máu tụ trong não không tăng thêm nữa. Sau đó máu tụ sẽ tự tan. Đồng thời cần phòng ngừa để sau này mạch máu không bị vỡ tiếp gây xuất huyết não tái phát.

Đối với nhồi máu não, cần làm thông mạch máu não trở lại bằng thuốc làm tan cục máu đông hoặc dụng cụ luồn vào mạch máu để lấy cục máu đông ra. Phương pháp này cần thực hiện trong khoảng giờ vàng kể từ khi xảy ra đột quỵ. Nếu trong khoảng từ 4 đến 5 giờ kể từ khi có triệu chứng đột quỵ thì tái thông bằng thuốc tan cục máu đông. Nếu 6 giờ kể từ khi đột quỵ thì cần thủ thuật bằng dụng cụ để lấy huyết khối. Các phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân hồi phục tốt và sau đó phòng ngừa để tránh tái phát.

Sau khi phân tích nguyên nhân gây đột quỵ như trên, các cách xử trí trong dân gian như chích máu dái tai, ngâm chân vào nước ấm, bấm huyệt... không thể giúp tan cục máu đông mà còn làm mất thời gian vàng nữa. Vì vậy nếu nghi ngờ một người bị đột quỵ, việc bạn cần làm là đưa bệnh nhân vào bệnh viện càng sớm càng tốt, như thế mới có cơ hội cứu sống và tránh bị di chứng liệt.

Theo Bác sĩ Đào Duy Khoa - Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (VnExpress.net)