Tuần qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu hai bệnh nhân ở tuổi dưới 40 bị đột quỵ thể nặng. Một trong hai người có mỡ máu cao gấp nhiều lần thông thường và cả hai đều có tiền sử huyết áp cao.
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: MAI THANH |
Người có cơn đau tức ngực, mệt mỏi, thừa cân béo phì, mỡ máu cao, hay uống bia rượu cần khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện bệnh sớm. Nếu có huyết áp cao cần đi khám chuyên khoa ngay Bác sĩ Lê Tấn Thành (Viện Tim mạch quốc gia) |
Cả hai đều bị đột quỵ thể nặng, diễn biến bệnh rất nhanh và một trong hai người đang ở tình huống nguy hiểm tính mạng.
Người trẻ đừng chủ quan
Theo ông Dương Đức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai và là một chuyên gia về tim mạch, khi phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ xác định mạch của bệnh nhân đã bị xơ vữa, thành tim rất dày, các rối loạn chuyển hóa đã xuất hiện từ sớm và đã diễn biến xấu trong một thời gian dài.
Bác sĩ Hùng cho biết xu hướng bệnh tật ở VN đã thay đổi nhiều, trước 1980 bệnh tật chủ yếu liên quan đến vệ sinh, là các bệnh lý nhiễm trùng như giun đũa, thấp khớp biến chứng vào tim...Còn giai đoạn sau 1980 và đặc biệt là gần đây thì bệnh lý không lây nhiễm như mạch vành, cao huyết áp, gout và các rối loạn chuyển hóa gia tăng. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân còn trẻ, có hoàn cảnh gia đình khá giả, có người thân trực hệ như cha mẹ, anh chị em ruột cũng bị rối loạn chuyển hóa.
"Đây là rối loạn chuyển hóa có tính chất gia đình, nhưng bệnh nhân lại nghĩ mình còn trẻ nên chưa khám và điều trị bệnh dứt điểm. Hậu quả nặng nề xảy ra khi huyết áp lên cao đột ngột và bệnh nhân không đến được bệnh viện kịp thời"- ông Hùng cho biết.
Với những bệnh nhân này, ông Hùng khuyến cáo bệnh nhân phải được thăm khám và điều trị thực sự, không nên chỉ điều trị ở thời điểm huyết áp lên cao và ngưng khi huyết áp trở về bình thường.
"Có những bệnh nhân bị đột quỵ có lối sống lành mạnh, chơi thể thao thường xuyên nhưng không phải là chơi thể thao thì không bị bệnh, mà quan trọng là phát hiện và kiểm soát bệnh từ sớm. Những trường hợp cao huyết áp được kiểm soát từ sớm thì không quá lo ngại"- ông Hùng nói.
30 Đó là tuổi của người trẻ nhất đã phải đặt stent động mạch vành ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong khi trước đây chủ yếu người 65-70 tuổi mới phải can thiệp bằng đặt stent. Hiện nay cũng không hiếm bệnh nhân đột quỵ từ khi còn rất trẻ, dẫn đến liệt nửa người hoặc tử vong ở tuổi trên dưới 40 - lứa tuổi trước đây ít bị bệnh lý tim mạch. |
Những sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Rất nhiều gia đình VN đang để dành trong nhà các viên An cung ngưu hoàng hoàn mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cả CHDCND Triều Tiên. Nhiều người cho rằng sản phẩm này là "của quý" cho những gia đình có người già, người có nguy cơ đột quỵ hoặc dùng đề phòng đột quỵ. Trong khi đó, ông Nghiêm Hữu Thành, nguyên giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư, cho biết đang có nhiều sai lầm trong sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn.
"Có hai thể đột quỵ là tắc mạch và chảy máu. Tác dụng của An cung ngưu hoàng hoàn là thông mạch nên nếu sử dụng thuốc này cho bệnh nhân thể chảy máu thì bệnh diễn tiến nguy hiểm hơn. Rất cần ý kiến của bác sĩ khi sử dụng thuốc, đặc biệt là sử dụng cho những trường hợp đã bị đột quỵ, không phải là thuốc sử dụng cho tất cả các thể bệnh" - ông Thành lưu ý.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân có huyết áp cao cần kiểm soát huyết áp để tránh tình trạng co mạch đột ngột, dẫn đến đột quỵ khi thay đổi thời tiết hoặc nhiệt độ, hoặc đột quỵ sau khi tắm. Tuy nhiên một tỉ lệ rất lớn người bệnh không biết tình trạng bệnh của mình, có người tăng huyết áp đã lâu mà không biết, nên có thể xuất hiện tình trạng nặng khi thời tiết thay đổi hoặc sau khi tắm, sau khi đi vệ sinh.
Theo khảo sát công bố năm 2016 của Hội Tim mạch học VN, có khoảng 47% người trên 25 tuổi được khảo sát có tăng huyết áp (tăng gần gấp 2 lần so với khảo sát tương tự thực hiện năm 2008). Bác sĩ Dương Đức Hùng cho rằng xu hướng bệnh tật thay đổi, những bệnh lý tưởng chỉ gặp ở người già đã xuất hiện nhiều ở những người trẻ và trung niên. Do vậy người dân nên khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh từ sớm.
"Hiệu quả về dự phòng và điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều là để bệnh nặng rồi mới chữa" - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Lan Anh (Tuổi Trẻ)