Theo Ths. BS Phạm Hoàng Quân, Khoa Tuyến vú Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày BV tiếp nhận 70-80 lượt khám vú, phát hiện nhiều trường hợp ung thư ở giai đoạn sớm. Tuy vậy vẫn có không ít trường hợp người bệnh đến khám ở giai đoạn trễ, khối bướu có kích thước lớn, xâm lấn ra da, di căn hạch nách dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
“Một trong số những nguyên nhân của tình trạng này là do người bệnh từ chối phẫu thuật, không muốn “đụng dao kéo” vì sợ tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh hơn. Nguy hiểm hơn, thay vì nghe theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh lại từ chối điều trị và tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để đắp lên khối bướu, làm viêm, nhiễm trùng và khiến khối bướu phát triển nhanh hơn” – BS Quân cho biết trên Tiền Phong.
Cụ thể, mới đây BV tiếp nhận điều trị cho chị T.T.K. (36 tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Chị K. nhập viện trong tình trạng khối ung thư vú lớn trên 10cm, xâm nhiễm ra da và di căn nhiều hạch nách. Trước đó, chị K. đã đến khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán ung thư vú. Lo sợ phẫu thuật sẽ làm tế bào ung thư lan rộng, chị K. từ chối điều trị.
Sau đó, chị K. đến gặp một số thầy lang để đắp lá lên khối bướu và dùng một vài loại rễ cây không rõ nguồn gốc để sắc thuốc uống. Sau 4 tháng thực hiện phương pháp này, chị K. thấy khối bướu phình to, da bị viêm đỏ, chảy dịch có mùi hôi nên nhanh chóng đến khám tại BV.
Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết khối u đã ở giai đoạn nặng, người bệnh cần điều trị bằng hóa chất trước để khối bướu và hạch nhỏ lại, sau đó tiến hành phẫu thuật. Hiện tại, sức khỏe người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục, chờ vết thương lành hẳn sẽ chuyển sang quá trình xạ trị bổ túc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (khoa ung bướu Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết mổ là phương pháp điều trị bệnh ung thư lâu đời nhất, có thể trị hết các loại ung thư như da, vú, ruột già, tuyến giáp…
Tuy nhiên nhiều bệnh nhân khi được chỉ định mổ cắt khối u thường chần chừ không chịu mổ vì sợ 'đụng dao kéo' sẽ làm khối u ung thư bùng phát và di căn nhanh hơn.
Trên thực tế, có một số ít bệnh nhân sau mổ được bác sĩ cho biết bệnh nặng hơn dự đoán do hiện nay các phương tiện chẩn đoán như CT-scan, MRI… không phải lúc nào cũng phát hiện được hết các tổn thương, nhất là các tổn thương nhỏ, rải rác.
Vì vậy khi mổ bác sĩ có thể phát hiện khối u đã lan tràn hơn dự kiến, điều này không phải do mổ làm bệnh nặng hơn mà là các khối u đã có từ trước mà không phát hiện được.
Ngoài ra, một vài bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau đớn nhiều hơn sau phẫu thuật, nhất là các ca mổ lớn, và cho rằng "tại mổ mà bệnh nhiều hơn". Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do thời gian ca mổ lớn kéo dài làm cơ thể họ chậm hồi phục.
"Gần đây có một số bài nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng thoáng qua các tế bào ung thư trong và sau khi mổ, có thể trong quá trình phẫu thuật khi đụng chạm trực tiếp vào khối u làm phóng thích các tế bào bướu vào máu, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào xác định việc gia tăng này làm bệnh nhân nặng hơn", bác sĩ Vũ thông tin.
Cũng theo bác sĩ Vũ, đúng là có một số rất ít bệnh nhân sau mổ, bệnh ung thư có hiện tượng bùng phát, lan tràn nhanh chóng, điều này thường xảy ra khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, suy kiệt.
Trong tình huống không thể không mổ, như bệnh nhân bị tắc ruột do khối u, ca mổ có thể làm cơ thể kiệt sức, hệ miễn dịch bị suy yếu khiến tế bào ung thư có cơ hội hoành hành, đây là điều không may khi bệnh đã trở nặng từ lâu.
"Vì vậy nếu người dân chẳng may mắc bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa, không nên vì vài trường hợp cá biệt hoặc vài lời đồn thổi mà mất đi cơ hội chiến thắng bệnh ung thư" - bác sĩ Vũ khuyến cáo.
PN (Nguoiduatin.vn)