Thông tin được đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường do Bộ TT &TT phối hợp với Tổ chức HeathBridge Việt Nam tổ chức.
Đồ uống có đường gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, cà phê hòa tan, trà hòa tan, nước có pha chế hương liệu, sữa pha chế hương liệu, nước uống thể thao tăng lực. Loại đồ uống này gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư… nhưng xu hướng tiêu thụ tại Việt Nam lại tăng lên.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của WHO tại Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta đang tăng rất nhanh. Năm 2002, trung bình mỗi người chỉ dùng 6,04l/năm, năm 2021 con số này đã tăng lên 55,78l/năm.
"Tỷ lệ trẻ em và thiếu niên từ 5-19 tuổi thừa cân ở Việt Nam tăng nhanh (hiện tăng 11,1%), trong đó có nguyên nhân một phần từ sử dụng đồ uống có đường. Một khảo sát trong học sinh, sinh viên gần đây cho thấy cứ 3 bạn có 1 bạn uống nước ngọt có ga trong 30 ngày qua", ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.
PGS.TS Trương Thị Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, cũng thông tin, một phần (330ml) đồ uống có đường thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.
Việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn. Uống thêm 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng thêm 60% sau 1,5 năm theo dõiKhông chỉ vậy, đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, tăng kháng insulin.
PGS.TS Tuyết Mai cũng nêu: “Uống 1 lon hoặc hơn nước ngọt mỗi ngày (Coke, Pepsi, Sprite…) có liên quan đến tăng 50% nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá và tăng 25% nguy cơ rối loạn dung nạp đường huyết trên người trưởng thành ở độ tuổi trung niên.
Đồ uống có đường cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Phân tích từ 14 nghiên cứu với gần 94 nghìn người tham gia cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần.
Nghiên cứu ở Hàn Quốc với gần 2 nghìn người tham gia cho kết quả, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 1,21 lần. Tiêu thụ đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán. Nghiên cứu ở Mỹ trên 106 nghìn giáo viên cho thấy, tiêu thụ ≥355ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến bệnh tim mạch, tái thông mạch và đột quỵ.
Uống 1 hoặc trên 1 lon đồ uống có đường (355 ml) mỗi ngày làm tăng 20% nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim ở nam giới. Ngoài ra, đồ uống có đường còn gây nguy cơ sâu răng và tăng nguy cơ gãy xương. Uống nước ngọt hàng ngày, nguy cơ bị gãy xương cao gấp 4,69 lần.
Đặc biệt, loại đồ uống này còn nguy cơ gây ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu ở Mỹ phân tích số liệu từ 95.000 phụ nữ tham gia trong 15năm cho thấy, phụ nữ tiêu thụ ≥708ml đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn gấp 2 lần. Với mỗi 354ml đồ uống có cồn mỗi ngày, tăng nguy cơ ung thư thêm 16%. Ở nhóm 13-18 tuổi, với mỗi 354ml đồ uống có đường/ngày tăng nguy cơ ung thư thêm 32 lần.
PGS.TS Tuyết Mai thông tin thêm, một nghiên cứu khác ở châu Âu giai đoạn 2009-2019 trên 101.000 người cho thấy tổng lượng đường tiêu thụ có mối liên quan với nguy cơ ung thư cao (điển hình là ung thư vú). Nghiên cứu ở Anh trên gần 200.000 nam (40-69 tuổi) giai đoạn 2006-2016 cũng khẳng định tỷ lệ tử vong cao có mối liên hệ đặc biệt với tiêu thụ đồ uống có đường.
Ngoài ra, các chuyên gia còn chia sẻ về một nghiên cứu dọc theo dõi mối liên quan giữa tiêu thụ nước ngọt và sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên. Tiến hành phỏng vấn trên 5.147 trẻ em và người chăm sóc trẻ ở các thời điểm trẻ 11, 13 và 16 tuổi, kết quả cho thấy uống nước ngọt thường xuyên hơn có liên quan đến hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13.
Vì vậy các chuyên gia đã đưa ra cách giảm đồ uống có đường:
- Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô…
- Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn.
- Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.
- Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.
- Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.
- Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.
- Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)