Không ít phụ nữ Việt Nam lâu nay bị trói trong quan niệm "xuất giá tòng phu". Chồng có xấu xa, vũ phu cũng cam chịu, không dám lên tiếng vì "xấu chàng hổ thiếp", càng không dám ly hôn vì sợ bố mẹ đau lòng, sợ người đời gièm pha... Vô hình trung họ bị lún sâu trong bạo hành, không có lối thoát.
Giờ đây, tình hình đã đổi khác. Mọi người được tiếp cận thông tin; được biết về luật Hôn nhân gia đình, luật Phòng chống bạo lực gia đình; được tuyên truyền về quyền con người; được các tổ chức xã hội, các chuyên gia tâm lý, xã hội, luật gia tư vấn, giúp đỡ... Dần thoát khỏi những tư tưởng cổ hủ, người phụ nữ tìm lại tiếng nói của mình trong gia đình, xã hội và giúp những người khác nhận ra giá trị của bản thân.
Tiếng khóc sau cánh cửa hào môn
Buổi tối muộn ngày cuối năm, luật gia, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nhận được yêu cầu hỗ trợ tâm lý khẩn cấp từ một người phụ nữ trẻ tên Thủy Hương, 29 tuổi, đang sống tại TP.HCM.
Đêm hôm đó, Thủy Hương trong tâm trạng xúc động đã giãi bày mọi góc khuất trong cuộc hôn nhân 7 năm của mình.
Vốn là một nghệ sĩ vĩ cầm đẹp dịu dàng, mong manh nhưng cô không gặp may mắn trong đường tình duyên, gặp phải người chồng vũ phu, thường xuyên bạo hành.
“Chuyện tình cổ tích“ là những từ Thủy Hương dùng để nói về sự khởi đầu mối quan hệ với chồng. Khi ấy, Vũ là một doanh nhân giàu có. Anh phải lòng Hương khi xem cô biểu diễn ở một phòng trà nên xin số điện thoại làm quen.
“Xin chào! Có ai nói với em rằng em có đôi mắt biết nói và nụ cười tỏa nắng không? Tôi ước gì có thể hẹn em chiều thứ Bảy này ở bến Bạch Đằng, cùng em nhâm nhi ly cà phê và ngắm hoàng hôn…”.
Một năm sau, họ trở thành vợ chồng trong hôn lễ tuyệt đẹp bên bờ biển như giấc mơ cổ tích của nhiều cô gái. Nhưng, đúng như câu nói “hào môn sâu như biển”, bước vào đó không chỉ có người cười mà còn có kẻ khóc.
Thủy Hương nhanh chóng sinh cho Vũ một bé gái xinh xắn nhưng mẹ chồng yêu cầu phải xét nghiệm ADN mới nhận cháu do cô mang thai trước khi cưới.
Sau đám cưới, Vũ cũng bắt đầu thay đổi, thích kiểm soát vợ. Anh còn yêu cầu Thủy Hương từ bỏ công việc để toàn tâm toàn ý lo cho gia đình.
Ban đầu Hương không đồng ý nhưng rồi cô thoả hiệp để giữ cuộc hôn nhân được êm ấm.
Hương sinh con gái đầu lòng không bao lâu thì công ty Vũ đứng trước nguy cơ phá sản. Chán nản, bế tắc, Vũ đổ lỗi cho vợ và con, thói nghiện rượu của anh cũng khiến cho mọi thứ trở nên tệ hơn.
Suốt mấy năm trời, Hương thường xuyên bị chồng nhục mạ bằng những ngôn từ thô tục. Thậm chí Vũ còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ mỗi khi tâm trạng không vui. Sau đó, anh lại tỏ ra hối hận, giải thích vì áp lực công việc khiến anh lạm dụng bia, rượu nên không làm chủ được hành vi của mình và cầu xin vợ tha thứ.
Nhận định về sự việc, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói: "Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa bạo lực gia đình và nghiện chất cho thấy việc sử dụng chất kích thích (rượu, ma túy…) làm tăng khả năng xảy ra các hành vi bạo lực. Tuy nhiên, đây chỉ là nguyên nhân thứ phát. Nguyên nhân gốc rễ khởi phát bạo lực gia đình là vấn đề bất bình đẳng giới.
Với tư tưởng trọng nam khinh nữ, Vũ cho mình quyền kiểm soát, đòi hỏi vợ phục vụ, thực hiện các yêu cầu của mình. Hương ở thế bị lệ thuộc, phải phục tùng, cố gắng nhiều hơn để đáp ứng những yêu sách của chồng. Nếu trái ý hoặc chậm trễ, cô sẽ bị anh ta đối xử thô bạo".
Chịu đựng bao đau đớn, tủi hổ nhưng Hương vẫn ôm hy vọng rằng chồng sẽ thay đổi. Cũng vì vậy, cô che giấu góc khuất xấu xí trong thế giới hôn nhân của mình và sinh thêm một cậu con trai kháu khỉnh cho Vũ nhưng tình hình không hề được cải thiện.
Thời điểm này, Hương đã nghĩ đến việc ly hôn nhưng Vũ đe dọa sẽ dùng quyền lực khiến cô mất quyền nuôi dưỡng con và không bao giờ được gặp con nữa. Thậm chí, anh còn chỉ trích cô là người mẹ ích kỷ. Sau đó, Vũ lại xin lỗi vợ và quan tâm chăm sóc từng việc nhỏ nhặt để lấy lòng. Điều này khiến Hương lầm tưởng chồng vẫn yêu mình, cô lại tìm cách biện minh cho hành động của anh ta.
"Đừng cam chịu, hãy lên tiếng"
Lý giải vấn đề dưới góc độ tâm lý học, chuyên gia Hoàng Hải Vân cho biết: "Khi chu kỳ bạo hành lặp đi lặp lại và nghiêm trọng hơn theo thời gian, nạn nhân gần như bị tẩy não để tin vào những lời lẽ coi thường, đổ lỗi và chỉ trích của kẻ bạo hành.
Điều này làm nạn nhân suy giảm lòng tự trọng và nhận thức về tình trạng của mình. Sau đó, kẻ bạo hành lại tỏ ra ăn năn hối lỗi và gần gũi khiến nạn nhân cảm thấy nhẹ nhõm khi được yêu thương và tiếp tục hy vọng rằng mối quan hệ sẽ được cải thiện. Mối gắn kết đau thương này khiến nạn nhân trở nên đồng phụ thuộc với kẻ bạo hành và ngày càng ít khả năng phản kháng rời bỏ mối quan hệ độc hại".
Luận điểm này phù hợp với kết quả điều tra quốc gia của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố năm 2021: Trung bình cứ 3 phụ nữ thì có khoảng 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục. Trong đó 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ.
Trường hợp của Hương cũng vậy. Cho đến một ngày, giáo viên của con trai gọi cô lên trường thông báo: "Chỉ vì bị bạn vô tình làm bẩn tập mà con tức giận lao vào túm tóc, đấm đá bạn liên tục". Thủy Hương gặng hỏi thì cậu bé 5 tuổi hồn nhiên trả lời: "Bố vẫn hay đánh mẹ đấy thôi".
Câu nói của con khiến Hương sững sờ, đau xót. Từ đây cô bắt đầu tìm hiểu và tìm kiếm sự giúp đỡ của những chuyên gia.
Sau khi nghe phân tích của chuyên gia, Hương nhận ra cô đã sai. Bao năm qua, cô những tưởng làm vậy là giữ gìn mái ấm gia đình cho con nhưng thực tế cô đang giam giữ con trong môi trường bạo lực. Thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố xúc phạm, hành hung mẹ chính là những điều khủng khiếp nhất trong cuộc đời trẻ. Thậm chí có khả năng trẻ sẽ bắt chước hành vi bạo lực và trở thành kẻ bắt nạt.
Hương quyết định không chịu đựng nữa. Cô tham vấn luật sư nộp đơn khởi kiện ly hôn để thoát khỏi mối quan hệ bạo lực vĩnh viễn.
Với các "bằng chứng thép” về việc bị chồng bạo hành trong nhiều năm, Hương đã giành được quyền nuôi dưỡng 2 con trực tiếp.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết: "Bạo lực gia đình là một dạng thức mang tính xã hội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ xâm hại trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tâm lý của nạn nhân mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền nhân thân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình".
Nữ chuyên gia cũng dẫn báo cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) năm 2021, 58% số phụ nữ trên toàn thế giới bị sát hại là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Từ đó, nữ chuyên gia cảnh báo, mỗi người khi bị bạo hành thì đừng cam chịu, hãy phá vỡ sự im lặng, tìm đến trợ giúp pháp lý, chuyên gia tâm lý hoặc cơ quan công an để được tư vấn, bảo vệ kịp thời.
Theo Vũ Lụa (VietNamNet)