Nhận cuộc gọi từ cô bạn thân, tôi nhanh chóng đồng ý gặp cà phê cuối tuần. Tới buổi hẹn, Liên gặp tôi với gương mặt thất thần, buồn bã và đôi mắt sưng húp khác mọi khi. Tôi nhận ra có việc không ổn và bắt đầu câu chuyện ngay mà không vòng vo tam quốc.
"Có chuyện gì kể tớ nghe", tôi vội hỏi. Liên thoáng tập trung suy nghĩ và bắt đầu nói "Tớ khóc suốt đêm qua. Tớ cảm thấy ấm ức tủi thân nên nước mắt cứ chảy tuôn không kiềm chế được".
Tôi ngồi im nghe bạn giãi bày, bởi trong lúc này đây tôi biết rằng bạn chỉ cần nơi tâm sự tin cậy, trút nỗi lòng chứ không phải là những lời khuyên hay giải pháp.
Cô nói tiếp: "Đêm qua chỉ từ một chuyện nhỏ, tớ và chồng lại cãi nhau. Anh nói với tớ: "Em làm gì mà để người ta nói cô vợ ghê gớm, đanh đá… trong khi anh chồng dễ thương thế này".
Hoá ra anh chồng bạn lại nghe chuyện từ bên người ngoài và mang cảm xúc xấu về đổ lên đầu vợ.
Bạn hoàn toàn bất ngờ đến ú ớ không nói được gì và dùng hết mọi kí ức, trí nhớ lại xem cô đã hành xử tệ như thế nào mà người ta nói lại với chồng và anh đã tin ngay lời họ như thế.
"Tâm trạng ấm ức của tớ bị lặp lại, nhiều lần anh ấy như thế rồi, nên tớ hay bị mắc kẹt trong mớ cảm xúc hỗn độn của sự thiếu niềm tin. Nhiều lúc tớ chuyển sang băn khoăn, dằn vặt, rằng mình cố gắng nhiều thế này, để rồi nhận được gì. Trước đây, ba mẹ chồng từng nói với chồng: "Con dâu gì chỉ lo kiếm tiền, không biết chăm lo vun vén nhà cửa, chẳng khi nào về ăn bữa cơm với cha mẹ chồng".
Nghe cha mẹ nói vậy, lập tức anh về gây chuyện, nói tớ sống tệ với nhà chồng. Nhưng anh không nghĩ sâu xa rằng vì gánh nặng kinh tế trên vai nên tớ phải cày sấp mặt. "Mẹ chồng còn giận vì có lần anh hẹn chở mẹ con tớ về nhà nội ăn cơm tối, nhưng lại quên, sa đà vào nhậu nhẹt với bạn bè đến quên lối về, vợ gọi điện không thèm nghe máy", Liên tiếp tục than thở....
Sau những chuyện trên, Liên thấy chồng hễ có ai nói gì đó là hùa theo và không có chính kiến, phân biệt đúng sai. Liên thấy cô độc, bức bối, không tìm thấy chỗ dựa nào trong gia đình.
Tôi hiểu tâm trạng của Liên vì chính tôi từng gặp cảnh ấy trong cuộc hôn nhân, cảm giác bị bỏ rơi ngay trong ngôi nhà của mình. Tôi chới với nhận ra, người chồng của mình chỉ thích nói lời xát muối, chứ không hề cân nhắc cảm xúc của vợ.
Nói lời xát muối là một dạng bạo lực tinh thần. Các anh thường không tìm hiểu lý do vì sao vợ như vậy, mà chỉ thích quy chụp và đổ lỗi.
Sau một hồi tâm sự, Liên nhìn tôi và nói: “Ngày hôm nay tớ muốn dành thời gian cho bản thân mình, để làm mới lại tinh thần. Tối nay, tớ sẽ nói chuyện thẳng với anh về những gì tớ đã trải qua. Bởi chỉ có trao đổi thiện chí mới giải quyết được vấn đề. Tớ không thể để anh tiếp tục gây tổn thương như vậy”...
"Ừ, đừng ôm mãi ấm ức trong bụng nhé", tôi đồng ý với cách xử lý vấn đề của Liên và cũng rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Nếu cứ giữ bế tắc trong lòng, chúng ta sẽ rơi vào tuyệt vọng, đối phương thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thay vào đó, ta cứ thẳng thắn trao đổi trong hoà khí, để đi đến cái đích là hai bên hiểu nhau hơn. Đó mới là đi từ cái tôi đến cái chúng ta trong hôn nhân.
Theo Huỳnh Kim Hoa (Phụ Nữ TP.HCM)