Trong cuộc sống hiện đại, nhiều khi không thể tránh được chuyện chồng có các mối quan hệ khác giới. Nhưng ranh giới giữa bạn khác giới bình thường với một mối quan hệ mờ ám khác thường nhiều khi lại rất mong manh, mà lắm ông chồng vô tình hoặc cố tình vượt giới hạn.
Cô vợ trẻ tên An (27 tuổi) tâm sự, dạo này chồng cô mới kết thêm một cô bạn, là đồng nghiệp ở công ty đối tác. Miệng leo lẻo chỉ là bạn bình thường, nhưng 2 kẻ đó lại cả ngày nhắn tin, gọi video bất kể lúc nào rảnh, như các đôi đang yêu mặn nồng. Dù nội dung các câu chuyện chưa có gì quá mức. Đó cũng là cái cớ để chồng An vin vào, cho rằng việc anh ta nhắn tin với gái là hoàn toàn bình thường. An thì cho rằng, nếu không có sự ngăn chặn, rồi lửa cũng bùng lên lúc nào chả hay.
An kể, đi làm trên công ty tin chắc họ cũng liên lạc với nhau, thế mà tan làm về nhà một cái là chồng cô lại ôm điện thoại gọi video nói chuyện cười đùa đủ thứ với cô bạn của mình. Mặc An nấu nướng, chăm con đủ thứ việc. Cô nàng kia còn độc thân, rảnh rang, song chồng cô đã là đàn ông có vợ, họ không ý thức được điều đơn giản đó hay sao?
An bực lắm. Nghe tiếng cười giỡn của họ mà máu nóng muốn dồn lên não. Nhưng cô bảo, chả có cái cớ gì để ghen tuông. Vì họ chỉ "tám" đủ thứ chuyện vô thưởng vô phạt với nhau, chứ chưa có câu nào tán tỉnh ỡm ờ. Hoặc giả họ biết có mặt cô nên không nói, mà thể hiện vào lúc khác chăng. Cô lồng bổ lên ghen thể nào cũng bị chồng chụp mũ "cuồng ghen", cô ả kia lại được thể cười trộm sau lưng cô.
Cố nén các cảm xúc tiêu cực xuống, An vứt hết nồi niêu, thức ăn đấy, không nấu cơm tối nữa. Mà đi tắm rửa, mặc đẹp cho 2 mẹ con. Rồi cô với con dẫn nhau ra ngoài, đi ăn buffet. Còn chụp ảnh với con đăng facebook vô cùng vui vẻ, với những dòng trạng thái "thả thính", kiểu: "Đã có người để yêu thương là cô bé này, hiện tại đang cần người yêu đương nữa thôi...".
An cười khúc khích cho hay, chồng ăn gì hay nhịn đói cô chả buồn quan tâm. Lúc cô về thấy chồng xị mặt trách móc, cô đủng đỉnh đáp: "Em tưởng anh bận không đi được nên không rủ". Cứ thế mẹ con cô đi ngủ, dọn dẹp gì đó không phải vấn đề cô quan tâm.
Từ hôm sau, hễ về nhà mà thấy chồng hí hoáy nhắn tin, gọi điện cho cô bạn bình thường kia, An chả đả động gì đâu, nhưng mẹ con An xúng xính váy áo đi ăn hàng. Cho chồng nhịn đói, tủ lạnh cô để trống trơn chả có gì ăn luôn, nhà cửa thây kệ cho bừa bộn, cô chỉ lo cho mình với con. Để xem bụng đói anh ta còn có sức với tinh thần chuyện trò hàng giờ với "bạn" không?
Được gần tuần thì chồng An nhảy dựng lên, phê phán An làm vợ mà không chăm lo gia đình các kiểu. An cười mỉa: "Chăm sóc gia đình là việc chung của cả chồng và vợ. Ngoài giờ làm, ai cũng phải dành thời gian cho gia đình. Anh có dành không, hay chủ yếu anh dành thời gian làm gì, cho ai? Mà trách móc người khác? Anh thích phá thì tôi cùng anh phá luôn, tôi chả cần người chồng không biết trân trọng mình nhé".
Chồng An thấy vợ khó nhằn liền sợ hãi. Anh ý thức được một điều, vợ mới là người nấu cho anh những bữa cơm ngon lành, cho anh nhà cửa sạch sẽ gọn gàng và chăm sóc con cái. Cô ả kia chả khác gì cơn gió thoảng qua. Không có vợ anh sẽ đói, sẽ bẩn, sẽ bơ vơ. Không có cô ả kia anh vẫn ăn no ngủ kĩ và vui vẻ như thường. Vì cơn gió lạ mà phá hủy đi cái cốt lõi thật ngu ngốc nhường nào.
An bảo, đã không làm thì thôi, mà làm là phải thật "cứng", dập tắt ngay từ khi là "bạn bè bình thường" chứ nhân nhượng để chuyện quá lên rồi sẽ càng khó giải quyết. Thật vậy, đàn ông đôi khi "chỉ muốn thêm chứ không bớt", dẫu biết mình không đúng nhưng nếu vợ còn dễ tính thì họ còn được nước lấn tới. Phụ nữ lo xa và cương quyết ngay từ đầu như An cũng là để bảo vệ gia đình mà thôi.
Theo Phạm Giang (Helino)