Một người đàn ông sống tình cảm, đối xử tốt với anh em ruột thịt hẳn là một người đàn ông tốt. Song mọi điều cần có mức độ và sự hợp lí. Bênh vực, bao che và chu cấp một cách mù quáng cho anh em, người khổ sở lại chính là vợ con họ. Ngọc đang rơi vào hoàn cảnh như thế.
Em trai chồng Ngọc đã 23 tuổi nhưng chả chịu đi làm gì. Mẹ chồng Ngọc hiền lành, không nói được con nên bà đâm mặc kệ. Ngọc về làm dâu, vợ chồng cô phải lo chi tiêu tất tật trong nhà, nuôi mẹ chồng và em trai chồng. Chưa kể, cứ dăm bữa chú em lại xin tiền chị dâu với anh trai để chơi bời. Nửa tháng thì có người tới đòi nợ, và người trả tiền còn ai khác ngoài vợ chồng Ngọc.
Cơm bưng nước rót tận nơi, quần áo giặt giũ đâu ra đấy, lại đi làm chu cấp tiền nuôi ăn uống và tiêu pha cho chú em chồng, Ngọc than thở rằng dẫu có là thánh cũng chả thể thoải mái nổi. Cô nhiều lần nhẹ nhàng góp ý với chồng song anh toàn làm lơ. Ngọc nói nhiều quá, thì anh gắt lên: "Nó là em trai anh, anh phận làm anh lo cho nó cũng bình thường".
Ngọc kể, khi cô mang bầu mệt mỏi vì nghén ngẩm, nhưng cả nhà chẳng ai phụ cô việc gì. Đã thế còn hạch sách, chê bai đủ điều, chồng Ngọc chả quát em hay nói đỡ cho vợ câu nào. Cậu ta sức khỏe tốt còn không tự giặt được quần áo cho mình, vẫn bắt Ngọc phụ nữ mang thai phục dịch. Ngọc càng nghĩ càng tủi thân phát khóc.
Theo lời Ngọc, khi mang thai 4 tháng cô bị động thai phải vào viện. Cô hết sạch tiền vì cuối tháng và cả tháng vừa rồi chi tiêu bao thứ trong nhà. Cô nhắn chồng mang tiền vào đóng viện phí cho cô. Nhưng anh ta bảo không có tiền, vì vừa có người tới đòi nợ em trai và anh đã trả rồi, bắt Ngọc hỏi mượn bạn bè hay ai đó bên ngoại.
Ngọc uất ức bật khóc ngay tại chỗ. Cô nghẹn ngào nói với chồng tất cả những suy nghĩ trong lòng mình bấy lâu nay, rồi chốt lại: "Anh bảo chú ấy đi làm đi, lương thấp cũng được, mình nuôi ăn còn tiền kiếm được chú ấy tự tiêu. Mình còn con cái sau này, sao lo cho chú ấy mãi được". Thiết nghĩ điều Ngọc đề ra chả có gì quá đáng, nào ngờ chồng cô nghiêm mặt: "Em anh nó có thế nào cũng là em anh. Anh có thể bỏ vợ nhưng em anh thì không. Nếu cho anh chọn giữa vợ và em trai, anh sẽ chọn em trai".
Bao tủi thân, ấm ức dồn nén, thêm câu nói của chồng, Ngọc thất vọng hoàn toàn. Cô gằn từng chữ: "Được, vậy lúc nào ra viện em về bên ngoại, còn anh chọn em anh thì cứ ở 1 mình để sống hết lòng với chú ấy đi, chúng ta tạm thời ly thân". Chồng Ngọc tự ái, nên đồng ý luôn.
Ngọc về bên ngoại, vừa đi làm vừa dưỡng thai, nhàn nhã hơn bao nhiêu, còn tiết kiệm được tiền. Ngọc kể, khi cô mang thai 8 tháng, nửa đêm chồng cô bỗng gọi cho cô, bật khóc.
Thì ra 5 tháng nay không có vợ ở nhà, anh ta đã thực hiện đúng theo tôn chỉ của mình, là bỏ vợ chứ không bỏ em, một mình đi làm nuôi cả nhà và chu cấp cho em trai. Tháng trước phải đi vay trả nợ cho em món kha khá, hôm kia anh ta nhập viện mổ ruột thừa cấp cứu, nhưng chả ai vào trông, em trai yêu quý của anh ta cũng mất hút. Tối nay cậu ta vào nói ở lại trông anh, nhoắng cái đã mất hút cùng với mấy triệu anh ta để dành đóng tiền viện phí. Bệnh tật 1 mình chả ai quan tâm, em trai còn đối xử như thế, lại nghĩ cảnh nợ nần không vợ không con, anh ta lúc này mới bẽ bàng chua xót và hối hận vô vàn.
Ngọc giãi bày, anh ta van xin cô hãy cho anh ta cơ hội chứ thực ra anh ta nghĩ mọi thứ đơn giản quá. Chồng Ngọc đã nhận ra sai lầm, nhưng cô còn muốn xem anh có sửa chữa tốt lỗi lầm của mình hay không đã.
Theo Phạm Giang (Helino)