Không cần phải tả nhiều, chỉ nghe thấy 2 từ "làm dâu" là chị em phụ nữ đều có thể hiểu hết được áp lực cũng như những vất vả của nó. Sống sao cho vừa lòng mẹ chồng, để hòa thuận với các thành viên trong gia đình nhà chồng mãi là câu hỏi lớn khiến bất cứ cô gái nào bước chân vào cuộc sống hôn nhân đều băn khoăn, trăn trở. Thậm chí có những khi không phải cứ sống tận tâm hết lòng mà đã được bố mẹ chồng hiểu thấu, giống như tâm sự của nàng dâu dưới đây chẳng hạn.
Câu chuyện của cô như sau: "Vợ chồng em tuy là út nhưng lại phải gánh trọng trách của con trưởng tại vì anh cả của chồng em lấy vợ, lập nghiệp trong miền Nam. Họ làm ăn phát đạt, một năm chỉ về quê một hai lần nhưng lần nào về là cũng rầm rộ không chỉ mua sắm đồ đạc, biếu bố mẹ tiền mà còn quà cáp biếu cả họ nên mẹ chồng em quý lắm. Đi đâu bà cũng khen nức nở vợ chồng con trưởng giỏi giang, dâu cũng hiếu thảo, đầu tư chăm lo cho nhà nội không tiếc thứ gì.
Nói chung trong câu chuyện bà kể, tên em thường chẳng bao giờ xuất hiện. Có lần hàng xóm sang chơi, trước mặt bà họ khen em tháo vát, chịu khó vun vén việc nhà cửa, mẹ chồng em chỉ chép miệng bảo: 'Mấy cái việc cỏn con ấy không làm được thì làm gì. Giỏi giang phải như chị dâu nó ấy, kiếm tiền nhiều mà việc nhà vẫn chẳng chê vào đâu được'.
Tủi hơn, lúc bà ốm đau bệnh tật, em chính là người vất vả, toàn phải thức đêm thức hôm, cơm bưng nước rót, bê bô đổ rác hàng ngày. Chị dâu ở xa chỉ gọi điện, ngọt ngào hỏi han vài câu rồi chuyển khoản biếu vài triệu vậy là mẹ chồng em lại gật gù khen chị ấy tử tế. Còn em, quần quật chăm lo nâng giấc bên cạnh nhưng lại chỉ xem là bổn phận, trách nhiệm đương nhiên phải làm.
Ngay như cuối tuần vừa rồi, bà bị ngã gãy chân phải vào viện nằm bó bột mất 3 ngày. Chồng em chưa đi công tác về nên mình em phải tự xoay xở lo cho bà. Anh trai chị dâu dù đã được thông báo tình hình của mẹ như vậy nhưng họ nói đang bận công việc không thể về ngay, mọi việc nhờ cả em lo. Cũng như mọi lần, chị dâu lại gọi điện nói chuyện động viên mẹ rồi gửi biếu bà 10 triệu tẩm bổ. Bà nghe thế phấn khởi, lại xuýt xoa ca ngợi dâu trưởng với tất cả người bệnh nằm cùng phòng.
Chiều qua, nấu nướng cho bọn trẻ con ăn xong, em mau mải mang cháo vào viện cho mẹ chồng. Không ngờ vừa bước tới cửa phòng, em đã nghe tiếng mẹ chồng kể chuyện cùng mấy bệnh nhân khác cùng phòng, thấy nhắc tới tên mình nên em dừng chân lại đứng ngóng xem sao. Đại khái là một trong số những người trong đó nói rằng mẹ chồng em tốt số, những ngày nằm viện được em chăm lo chu đáo, cẩn thận từng tí.
Thế nhưng họ vừa dứt lời, mẹ chồng em liền thở dài chép miệng đáp lại: 'Ôi giời, chẳng ăn thua đâu các bác ạ. Em chủ yếu nhờ vào vợ chồng thằng con trai trưởng, nhất là vợ nó giỏi giang hiếu nghĩa lắm. Thấy mẹ ốm là gọi về hỏi han, gửi tiền nong lo thuốc thang tẩm bổ cho mẹ. Chứ dâu út chỉ lo được bát cháo với giặt bộ quần áo cho tôi thôi. Nói thật chứ, có lòng cũng chẳng bằng có tiền. Không có trai trưởng, dâu trưởng, tôi chết dở ấy'.
Nghe mẹ chồng nói, em đờ đẫn cảm giác tủi thân tới tràn nước mắt. Thực sự khi ấy em chỉ muốn quay về thẳng chứ không muốn bước vào trong. Song ngay khi ấy, bác bệnh nhân kia lại tiếp lời: 'Bà nói thế dâu út nhà bà nghe thấy nó lại nghĩ ngợi đó. Tiền đúng là quý nhưng không giải quyết được hết mọi việc đâu. Bà cứ nhìn tôi đây, cũng có 2 đứa con trai, 2 đứa con dâu mà ốm đau phải nằm viện 1 mình đây. Con tôi đứa nào cũng giàu có, mẹ ốm gửi cả đống tiền về nhưng tôi nằm 1 chỗ tiêu sao nổi, tiền bạc ý nghĩa gì. Trong khi nhìn sang bà, ngày đêm có con dâu tận tâm chăm sóc. Tôi thèm có 1 nàng dâu hiếu nghĩa như dâu út của bà mà không được đó'.
Lúc ấy mẹ chồng em mới cười xòa, nói kiểu vuốt đuôi khen lại em là ngoan ngoãn, quan tâm bố mẹ chồng. Lát sau thấy em bước vào, bà vồn vã, vui vẻ hẳn. Nghĩ lại mới thấy, đúng là em may có người nói hộ tiếng lòng, chứ không còn phải chịu ấm ức".
Câu chuyện làm dâu của nàng dâu trên nhận được sự đồng cảm của không ít người. Hầu hết ai cũng hiểu cho những áp lực, vất vả của mỗi cô gái khi bước chân đi lấy chồng nên đều thông cảm và động viên cô cứ sống chân thành sẽ có lúc mẹ chồng hiểu thấu vì cuộc đời chẳng phụ một ai.
Đồng thời qua câu chuyện, mong rằng những ai đã, đang và sắp thành mẹ chồng trong tương lai sẽ luôn mở lòng với nàng dâu của mình để mối quan hệ giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất trong gia đình luôn được hài hòa, từ đấy cảnh làm dâu không còn là áp lực với mỗi cô gái nữa.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)