Hạnh sốt ruột vì sắp "hết Mùng" mà chồng vẫn lững thững trong nhà. Muốn hối chồng, nhưng ngán cảnh gia đình lục đục đầu năm nên Hạnh cố nhịn.
Cách đây ba tháng, khi Hạnh gợi ý để chồng vào Nam tìm việc, anh dùng dằng không quyết mà chỉ hứa: “Ra tết, anh sẽ đi làm”. Giờ ăn tết xong xuôi, vợ đã trở lại với công việc, con đã đi học, chồng Hạnh vẫn nằm ở nhà.
Vợ chồng Hạnh cưới nhau gần 5 năm thì chồng ở nhà đã 3 năm. Anh yêu vợ thương con, chăm phụ việc nhà, nhưng không thích đi làm. Hàng ngày, anh lo việc nhà xong, đưa con đi học rồi ra quán đầu hẻm ngồi uống trà, đến giờ lại về nấu cơm. Hết việc, anh ngồi ôm điện thoại chơi game.
Nhà có hai đứa con, thêm một ông chồng thất nghiệp, chi phí rất tốn kém nên gánh nặng kinh tế đè lên vai Hạnh. Tiệm làm tóc của Hạnh không đóng cửa ngày nào, mở từ sáng sớm đến tận khuya. Suốt năm dịch giã, Hạnh phải chạy đôn chạy đáo để lo cho gia đình. Đợt giãn cách xã hội phải đóng cửa, Hạnh nhận gia công hàng may mặc tại nhà. Cô thức khuya dậy sớm với đồng tiền công nhỏ nhoi, rất vất vả.
Mỗi khi có vấn đề liên quan đến tiền, chồng Hạnh chỉ biết khuyên vợ tiết kiệm, nhưng kiếm tiền như thế nào thì anh không bàn đến. Đến khi sinh đứa con thứ hai, kinh tế cạn kiệt, chồng Hạnh mới chịu đi làm shiper, giao hàng cho một quán ăn.
Nhưng làm được nửa tháng, anh kêu mệt, không kham được lại phải nghỉ. Hạnh nhờ người quen xin cho chồng vào làm ở gara ô tô, lúc đầu chỉ rửa xe, phụ việc để học nghề rồi tính làm chính thức.
Chỉ được hai tháng, chồng Hạnh lại bỏ việc vì không thích mấy đứa “nhãi ranh 9x" quát nạt, giao việc. Chồng nói đi làm áp lực, gò bó giờ giấc, bị quản lý ra lệnh nên không thích hợp.
Nhiều lúc, người nhức mỏi đau mệt vì đứng nhiều, ăn uống không đúng bữa, đôi tay tróc lở vì tiếp xúc với nước và hoá chất, Hạnh cũng không dám nghỉ vì sợ mất khách. Nhưng chồng không hiểu những gánh nặng lo toan mà Hạnh đang đối mặt.
Có lần anh bảo: “Em làm vài tiếng đã được tiền trăm, anh đi làm tiền công tính bằng chục”. Hạnh cũng cạn lời với suy nghĩ đó của chồng. Dù sao, hai bờ vai gánh vác cũng đỡ nặng hơn một, chồng đi làm dù lương thấp nhưng cũng có đồng vào đồng ra.
Mấy tháng trước, cậu của Hạnh - ông chủ xưởng cơ khí trong Nam đang thiếu người làm do lao động về quê tránh dịch. Hạnh khuyên chồng vào thử việc, anh khất lần khất hồi. Cuối cùng anh chốt: “Ăn tết xong anh đi”.
Hạnh muốn chồng đi xa, lao vào đời để hiểu kiếm tiền vất vả ra sao và hy vọng khi không có vợ ở bên, anh sẽ biết nỗ lực. Nhưng tết đã qua, chồng Hạnh vẫn chỉ nói sẽ đi, song anh không đặt vé, cũng chẳng chuẩn bị gì. Cả ngày anh nằm ở nhà để tính toán xem nên chiên hay hấp bánh chưng, trái cây cúng tết nên ăn hay bỏ rồi tủ lạnh còn món nào nhậu lai rai không.
Ra tết, tiệm làm tóc của Hạnh vắng khách, lưa thưa vài người đến gội đầu. Mỗi ngày thu nhập chưa đến một trăm ngàn đồng, nhìn chồng nằm vắt vẻo trên salon, Hạnh càng chán nản. Hạnh tính đóng cửa tiệm một thời gian để chồng thấy khó khăn kinh tế của gia đình mà tự giác đi làm. Nhưng cô cũng sợ, lỡ may tiệm mất khách mà chồng vẫn không chịu đi làm thì cả nhà lấy gì mà sống!
Theo Hạnh Nguyên (Phụ Nữ TPHCM)
https://www.phunuonline.com.vn/sap-het-mung-chong-van-o-ly-trong-nha-khong-chiu-di-lam-a1456726.html