Khoai tây là một trong những nguyên liệu phổ biến và quen thuộc, lại giàu dinh dưỡng và đa dạng cách chế biến từ đơn giản tới cầu kỳ. Thế nhưng, để món ăn ngon đúng vị, việc chọn được những củ khoai tây tươi, ngọt và ít độc tố lại là điều không phải ai cũng biết.
5 nguyên tắc cũ nhưng luôn hiệu quả khi chọn khoai tây
Chuyên gia về thực phẩm người Nhật Bản Tetsu (青髪のテツ) đã có có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận dinh dưỡng và rau củ của một siêu thị lớn ở Nhật. Ông cho biết, khi chọn khoai tây, bạn nên ghi nhớ 5 nguyên tắc đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng dưới đây:
Tránh khoai tây đã nảy mầm
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy khoai tây đã bắt đầu biến chất là xuất hiện các mầm mọc ra từ mắt khoai. Tetsu nhấn mạnh rằng: "Khoai tây nảy mầm có thể chứa lượng lớn solanine - một chất độc tự nhiên sinh ra như cơ chế bảo vệ của khoai. Khi ăn phải, cơ thể có thể bị ngộ độc với triệu chứng như tê lưỡi, chóng mặt, nôn ói hoặc tiêu chảy".
Ngay cả khi phần mầm đã được cắt bỏ thì phần thịt khoai xung quanh đó vẫn có thể chứa độc tố. Vì vậy, tốt nhất là nên tránh hoàn toàn những củ đã mọc mầm, đặc biệt là nếu mầm dài hoặc nhiều.
Không chọn khoai tây có màu xanh
Bạn có thể nghĩ lớp vỏ xanh chỉ là thay đổi màu sắc tự nhiên, nhưng đó thực ra là dấu hiệu khoai đã tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng và đang sản sinh solanine - giống như khi mọc mầm. Loại khoai này không chỉ có nguy cơ gây hại sức khỏe mà còn có vị đắng rõ rệt. Tetsu khuyên rằng nếu thấy khoai có bất kỳ vùng xanh nào, dù chỉ là một mảng nhỏ, cũng nên đặt xuống và chọn củ khác an toàn hơn.
Ưu tiên củ cứng, không nhăn
Một trong những mẹo đơn giản nhất nhưng hay bị bỏ qua là kiểm tra độ căng và độ cứng của khoai. Những củ khoai mềm, nhăn nheo là khoai đã bị mất nước, kém tươi và có thể đã để lâu ngày. Khi nấu, chúng thường bị sượng, ít bở và mất vị ngọt tự nhiên. Khoai tươi sẽ có lớp vỏ chắc, không trầy xước nhiều và không có các vết lõm bất thường.
Cảm nhận độ chắc tay
Ngoài việc nhìn bằng mắt, bạn nên cầm củ khoai lên để cảm nhận độ nặng. Cùng một kích cỡ, củ nào nặng tay hơn thường chứa nhiều nước và tinh bột hơn - đây chính là những yếu tố tạo nên độ bở và vị ngọt của khoai khi nấu. Ngược lại, củ nhẹ, xốp hoặc có cảm giác rỗng bên trong thường là khoai đã héo hoặc bị hỏng phần nào đó bên trong.
Tránh củ có vết thâm, nứt hoặc mùi lạ
Tetsu cũng cảnh báo rằng nhiều người chủ quan không để ý đến các vết nứt nhỏ hay vết thâm đen trên khoai. Đây có thể là nơi vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập và khiến khoai nhanh hỏng hơn. Đặc biệt, nếu khoai có mùi lạ như mùi ẩm mốc, mùi đất mốc hoặc hơi hăng thì đó là dấu hiệu rõ ràng của sự hư hỏng.
Một vài lưu ý bảo quản khoai tây
Sau khi chọn được khoai ngon, bạn cũng cần bảo quản đúng cách để giữ khoai tươi lâu và tránh độc tố phát sinh. Tetsu gợi ý một số mẹo quan trọng để bảo quản khoai tây như sau:
- Không nên rửa khoai trước khi cất, vì lớp đất bên ngoài có thể giúp bảo vệ khoai khỏi ẩm mốc.
- Bảo quản khoai ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng để ngăn khoai nảy mầm.
- Không nên cất khoai tây trong tủ lạnh, vì nhiệt độ thấp dễ làm tinh bột chuyển hóa thành đường, gây mất vị.
- Tránh để khoai tây gần hành, táo hoặc lê - vì những loại này phát ra khí ethylene khiến khoai dễ nảy mầm và nhanh hư. Dù ethylene có thể ức chế mọc mầm trong điều kiện kiểm soát, nhưng ở môi trường bảo quản tại nhà, tác dụng ngược thường xảy ra.
- Nếu khoai có dấu hiệu mềm, chảy nước hoặc nảy mầm, chuyển màu xanh nên loại bỏ ngay để tránh lan sang các củ khác.
- Có thể cho khoai vào túi giấy đục hoặc giỏ thưa, vừa giúp thông thoáng vừa tránh ánh sáng trực tiếp.
Theo Ngọc Ái (Nguoiduatin.vn)