Kinh tế là một vấn đề khiến cho bao gia đình rơi vào mâu thuẫn, cãi vã và thậm chí đẩy họ tới đường cùng. Từng yêu nhau, gắn bó sâu đậm là thế song một khi thiếu đi tiếng nói chung, hoặc đôi bên quá dựa dẫm, vô trách nhiệm thì tình nghĩa cũng chẳng cứu vãn nổi. Giống như câu chuyện của vợ chồng Nhi dưới đây.
Chồng phát hiện vợ vay tiền mẹ đẻ liền nổi trận lôi đình
Nhi lấy chồng khi cô chưa có một chút thành tựu sự nghiệp nào. Cô gái 26 tuổi từ ngày ra trường chỉ đi bán quần áo ở các shop thời trang, chưa va vấp quá nhiều với công việc liên quan đến chuyên ngành học. Vì một số lý do khách quan, Nhi chọn ở nhà nội trợ để trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Đồng lương của chồng Nhi khi ấy đủ để nuôi hai vợ chồng, thậm chí nếu có con cũng chẳng sao.
"Sai lầm của mình chính là việc nghĩ sự ổn định sẽ kéo dài mãi mãi. Khi dịch bệnh ập đến, công việc của chồng mình sa sút, giảm lương dần. Cũng may anh ấy trình độ tốt nên còn được giữ lại công ty làm việc. Nhiều lần khuyên anh chuyển chỗ khác để lấy lại tinh thần nhưng chồng gạt đi, nói cứ chờ thêm một thời gian nữa. Dần dà, vợ chồng mình rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Thu nhập của chồng giảm, trong nhà cái gì cũng phải chi tiêu ít đi, bản thân mình vô cùng khổ tâm. Cái gì cũng cần có giới hạn, chồng mình vẫn ung dung, tự tin, chẳng biết vợ phải lao tâm khổ tứ ra sao. Mình bắt đầu phải làm thêm, giờ thời gian bị bó buộc cũng chẳng đi bán quần áo được nữa, đành phải tìm mấy công việc online ở nhà. Thu nhập đồng ra đồng vào cũng gọi là đủ thêm chút sinh hoạt phí" - Nhi chia sẻ.
Cuộc sống của vợ chồng Nhi dần trở nên u ám khi hai người hay cãi vã, hầu hết đều liên quan tới kinh tế. Giờ đây thậm chí dự định sinh con còn tạm gác lại. Có nhiều tháng, Nhi phải vay tiền bố mẹ đẻ trả phí sinh hoạt như điện nước. Nói là vay nhưng thực ra xin luôn chứ chẳng có khả năng trả. Bản thân Nhi thì nhút nhát, chẳng dám ngửa tay xin chồng thêm, càng không thể nhờ cậy tới bố mẹ chồng do ông bà dưới quê cũng khó khăn.
Đến một ngày, chồng Nhi vô tình đọc được tin nhắn trong máy vợ, nhờ mẹ vợ chuyển khoản hơn triệu đồng để trả điện nước. Lúc này, anh mới biết hóa ra bà xã đã làm chuyện này được mấy lần rồi. Người đàn ông gia trưởng, bảo thủ này nghĩ vợ đã dùng tiền cho nhiều mục đích khuất tất, thậm chí còn cho rằng cô ấy khinh thường mình kém cỏi nên đã cư xử quá đáng. Anh quát tháo Nhi thậm tệ, bất chấp lòng tự trọng của cô.
Cốc nước trên bàn đã giải thoát tất cả
Bị chồng mắng xối xả, Nhi bỗng hiểu ra rằng có lẽ cô không nên cúi đầu thêm nữa. Trong làn nước mắt đang tuôn, Nhi bỗng nhìn thấy một cốc nước để trên bàn. Cô đã rót từ lúc nãy nhưng quên uống. Từ ngày phải lo toan chạy ngược xuôi vất vả, đến một cốc nước Nhi cũng thường xuyên quên uống. Có lẽ, người phụ nữ đã thức tỉnh được chuyện phải thực sự đặt bản thân mình lên vị trí xứng đáng.
"Mình cầm cốc nước, uống một ngụm thật sâu, chắc đó cũng là lần uống nước 'đã' nhất của mình. Rồi mình cũng chẳng ngần ngại cãi tay đôi với chồng, anh ta cũng nhu nhược nên mới để vợ phải khổ sở như thế này. Mình còn muối mặt vay đằng ngoại, đáng nhẽ đó phải là động lực cho chồng tỉnh ngộ mà cố gắng hơn. Đằng này cứ an phận thủ thường, đổ hết mọi tội lỗi lên mình.
Vợ chồng cuối cùng cũng chẳng thể hòa giải nổi, đi tới ly dị. Chịu nhau được mấy năm cảnh khổ sở là thế, vậy mà rút cuộc vẫn cùng ra tòa. Bạn bè nói mình đã sai, nhưng mình thì nghĩ đây là lựa chọn cực kỳ đúng đắn" - Nhi tâm sự.
Sau khi trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ vì vấn đề kinh tế, Nhi nhận ra sức mạnh của việc tự chủ bản thân. Cô bắt đầu đi làm những công việc liên quan ngành học để không bao giờ phải dựa dẫm vào người khác. Đặc biệt, bên cạnh Nhi còn có bố mẹ luôn ủng hộ, yêu thương. Họ đã vì con gái, cho tiền đóng phí điện nước để không phải nhờ cậy chồng thì cũng chấp nhận sự đổ vỡ của Nhi. Phụ nữ à, đừng để tuổi thanh xuân trôi qua trong những sự dày vò khốn cùng và khổ sở. Bạn sẽ luôn xứng đáng với một người đàn ông yêu thương và đủ chín chắn để làm trụ cột vững chắc.
Theo N.H (Pháp Luật & Bạn Đọc)