Càng trong những lúc khó khăn thì vợ chồng lại càng phải yêu thương và cư xử tử tế với nhau hơn. Nếu không thể cùng nhau đi qua giông bão thì sao xứng đứng cạnh lúc mưa tạnh mây tan?
Câu chuyện chát đắng về suất gà tần
Quyên (28 tuổi) chia sẻ khi con gái được 5 tháng tuổi thì cô lên kế hoạch thuê người trông bé để đi làm lại. Tuy nhiên tìm việc mới không dễ dàng khi kinh tế khó khăn chung do dịch bệnh.
“Vậy là tôi đành gác lại kế hoạch đi làm, tiếp tục ở nhà trông con”, Quyên nói. Việt - chồng Quyên vốn hy vọng vợ đi làm cùng gánh vác kinh tế. Kế hoạch không thành khiến anh quay ra khó chịu, bất mãn với vợ.
Xuất phát từ tâm lý không thoải mái, trong chi tiêu hàng ngày Việt rất khắt khe với vợ. Anh rút thấp tiền chi tiêu xuống còn 60% khi trước, bắt Quyên phải cố gắng tính toán sao cho đủ trong phạm vi số tiền đó.
“Không ngày nào là chồng tôi không bóng gió ám chỉ chuyện tiền bạc. Tôi hiểu một mình anh ấy đi làm lo cho cả nhà rất vất vả và áp lực. Nhưng ở nhà trông con, làm việc nhà cũng đâu nhàn hạ, con tôi thì còn rất nhỏ. Phải chịu thêm cả áp lực về tinh thần khiến tôi thật sự mệt mỏi…”, Quyên kể.
Cho đến chiều ấy tan làm, Việt bỗng mang về cho vợ một suất gà tần rất ngon. Quyên vui sướng mở ra, phát hiện con gà thiếu mất một chiếc đùi. Việt giải thích người ăn là anh. Cô chẳng nghĩ ngợi gì, vui mừng và hạnh phúc ăn hết. Đã lâu rồi Việt mới tỏ ra quan tâm, mua đồ cho vợ như vậy.
“Tối đó con ngủ xong, tôi lên mạng thì tình cờ thấy một bài viết của nữ đồng nghiệp công ty chồng. Tôi không kết bạn với cô ta nhưng có những người bạn chung nên mới nhìn thấy”, người vợ này nói.
Cô nàng đó đăng bức ảnh giống hệt suất gà tần Việt mang về. “Người anh cùng phòng mua tặng nhưng rất tiếc em đang ăn kiêng, chỉ xin 1 chiếc đùi thôi”, cô ta viết như thế. Trong lòng Quyên chát đắng dâng đầy. Không còn nghi ngờ gì nữa, đồ ăn Việt mang về cho cô chính là suất gà tần ấy. Xót xa hơn cả, Việt đối xử với vợ rất keo kiệt nhưng lại hào phóng với nữ đồng nghiệp như thế!
Lời đáp lạnh lùng từ chồng và quyết định cuối cùng của cô vợ sau 2 tháng
“Tôi với cô ấy chẳng có gì mờ ám cả. Tặng quà nữ đồng nghiệp, mối quan hệ thân thiết còn nhờ vả nhau trong công việc. Còn cô, tôi đã nuôi không rồi mà đòi hỏi gì? Suất gà hơn trăm nghìn, cô ấy chưa ăn vào, chỉ nhón tay bẻ cái đùi thôi, sau đó tôi để trong tủ lạnh, có gì mà không ăn được? Cô đừng tự ái hão huyền nữa!”, Việt lạnh lùng đáp trả khi bị vợ chất vấn.
Quyên nghẹn ngào không nói được thêm lời nào. Về lý Việt nói không sai. Tránh lãng phí đồ ăn cũng là điều nên làm. Tuy nhiên thái độ coi thường vợ, cho rằng cô ở nhà ăn bám, không kiếm ra tiền thì chỉ xứng đáng nhận được những điều như vậy mới đáng bàn. Ngày thường Việt hoàn toàn đủ khả năng mua đồ cho vợ song anh không làm. Chỉ đến khi nhân tiện có đồ thừa mới nhớ đến cô.
“Tôi đã sai khi chưa chuẩn bị đủ về kinh tế đã mang thai. Thành ra mọi thứ mới phải phụ thuộc vào chồng. Nhưng con là con chung, ai ngờ được anh ta lại đối xử với chính vợ con mình như vậy…”, Quyên cho hay.
Mấy hôm sau Việt trên công ty thì nhận được tin nhắn từ Quyên báo rằng cô đưa con về quê chơi với ông bà ngoại. Việt không đáp lời, coi như đồng ý. Thậm chí anh còn nghĩ thầm có bố mẹ vợ "nuôi hộ" một thời gian cũng tốt.
Ai ngờ đâu qua 2 tháng mà Quyên vẫn chưa đưa con lên. Việt gọi điện giục giã vì trên thành phố anh không có người cơm nước, dọn dẹp. “Tôi không lên nữa đâu, đơn ly hôn tôi sẽ gửi cho anh”, câu trả lời của Quyên khiến Việt hóa đá.
“Về quê sống gần bố mẹ, tôi cảm thấy mọi thứ thật yên bình, ấm áp và nhẹ nhõm. Tôi nhận ra cuộc hôn nhân của mình chỉ toàn chịu đựng và tủi nhục. Hơn nữa, bố mẹ tôi cũng già rồi. Tôi quyết định bỏ phố về quê sống với bố mẹ, ở quê chẳng thiếu việc để làm. Cuộc sống thôn quê chẳng giàu nhưng chan chứa tình yêu thương và đầy ắp tiếng cười…”, Quyên tâm sự.
Sau đó Việt đã về tận nơi xin lỗi, mong đón vợ lên nhưng Quyên vẫn từ chối. Về quê với bố mẹ rồi Quyên mới nhận ra những ngày tháng trước đây sống bên chồng chẳng khác gì cơn ác mộng. Hôn nhân mà như thế, chi bằng đường ai nấy đi còn hơn!
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)