Áp lực trên vai phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân vốn rất nặng nề. Chồng lại vô tâm không biết san sẻ những gánh nặng sẽ khiến chị em ngày càng mệt mỏi, khó tránh khỏi những lúc họ muốn buông tay.
Trong 1 diễn đàn đa phần là phụ nữ, cô vợ trẻ đăng bài tâm sự: "Nói về độ gia trưởng, chắc không ai vượt qua được chồng em. Khổ nhất là mỗi lần nhà có giỗ chạp, chồng em lại yêu cầu vợ phải thể hiện. Anh ấy là con trưởng, giỗ nào lớn thì chục mâm, giỗ nào nhỏ thì 3, 4 mâm mời anh em con cháu trong nhà về tụ tập. Cứ mình em còng lưng lo liệu từ cái tăm tới bát nước chấm. Ngược lại anh chỉ ngồi chơi sai vợ làm từ A tới Z. Cỗ bàn ngon lành không sao, nếu không được ưng ý lập tức anh lại quay sang trách móc vợ rằng đi làm dâu mà có mấy mâm cỗ giỗ cũng không nên hồn".
Cô vợ này kể, sống với người chồng gia trưởng khiến cô ngày một mất dần tiếng nói của bản thân. Chồng cô quá áp đặt, chưa bao giờ anh chịu nhận sai về mình, cũng chưa bao giờ anh nghĩ những gánh nặng trên vai vợ là quá nhiều, liệu cô có bị quá tải. Vậy nên cô tâm sự, có những lúc cô mệt mỏi tới mức cảm giác mình chỉ đơn giản là 1 cái máy làm việc nhà cho chồng, không hơn không kém.
"Cuối tuần vừa rồi, nhà em có giỗ cụ nội. Buổi tối hôm trước, ngồi ăn cơm chồng em sai vợ làm 4 mâm cỗ. Hôm đó em bị mệt nên bảo chồng là để gọi 2 cô em gái của anh về sớm làm cùng cho đỡ việc vì cuối tuần mọi người đều được nghỉ. Tuy nhiên vẫn như mọi khi, chồng em không đồng ý. Anh nói rằng việc cỗ bàn giỗ lễ thuộc phận sự của nàng dâu. Em không được thoái thác hay đùn đẩy trách nhiệm cho ai.
Em cũng nói lại là người em không khỏe, phải nấu ngần ấy cỗ bàn là quá tải. Nếu không anh phải dậy sớm đi chợ cùng vợ lo nấu nướng nhưng anh vẫn trợn mắt nói rằng anh ấy là đàn ông, không bao giờ làm mấy việc ấy. Không thể nói lý lẽ được với anh, em im lặng không đôi co nữa.
Bình thường những hôm nhà có việc em toàn phải dậy từ 4h sáng để làm. Hôm ấy em ngủ một mạch tới 7h sáng, chồng em thấy thế quát tháo ầm ĩ, anh bảo tới giờ mà chưa có cỗ cúng, mọi người về chưa có cỗ ăn thì em đừng trách anh quá đáng. Em tỉnh bơ đáp: 'Anh cứ yên tâm, em lo đâu vào đó rồi. Tới giờ ắt anh có cỗ cúng'.
Em vừa nói xong thì 3 thợ em thuê nấu cỗ tới, thực phẩm hoa quả em cũng đặt họ mua từ hôm trước. Chồng em xuống bếp thấy vợ thuê người làm, anh ngạc nhiên lắm, cũng tức nên mắng vợ là 'lộng hành', vượt quyền chồng. Song em nói luôn: 'Máy móc còn được bảo trì nhưng làm vợ anh bao năm nay em chưa từng có 1 ngày được nghỉ ngơi. Từ nay em sẽ không sống như 1 cái máy nữa. Nếu anh không biết san sẻ gánh nặng cuộc sống với vợ thì em sẽ tự giải phóng cho bản thân. Không chỉ giỗ này, những giỗ khác cũng thế, những việc khác cũng vậy'.
Chồng em nghe vợ nói tức lắm mà không làm được gì. Còn em nhất định sẽ làm đúng như những gì đã tuyên bố".
"Khó nhất vẫn là nghề làm vợ", câu nói hóm hỉnh này nghe tưởng như chị em đơn thuần chỉ là vui đùa với nhau nhưng nó lại phản ánh trọn vẹn nỗi lòng của các phụ nữ khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân. Bởi sau khi kết hôn, phụ nữ phải gánh vác trên vai rất nhiều trách nhiệm, vừa phải làm vợ đảm dâu hiền lại vẫn phải lo kinh tế, xây dựng tài chính gia đình.
Áp lực trên vai mỗi người vợ càng thêm nặng nề hơn nếu như không được chồng quan tâm, san sẻ những lo toan, gánh nặng cuộc sống. Khi "quá tải" phụ nữ sẽ vùng lên, lúc ấy đàn ông không thể trách vì sao vợ không ngoan hiền như các anh mong đợi.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)